Cách đây không lâu, chúng tôi đã làm một thống kê nho nhỏ và ngỡ ngàng đến mức phải gọi VFF là "máy kiếm tiền hàng đầu Việt Nam". Bởi tính sơ sơ thôi, trong một mùa giải, VFF đã thu được tròm trèm... 45 tỷ đồng.
Vậy con số khiêm tốn 34 tỷ đồng trong bản quyết toán thu chi mà VFF vừa đưa ra có ý nghĩa gì ? 11 tỷ đồng nữa đi đâu ? Có uẩn khúc gì phía sau những con số ấy ? Không thể lấy lí do một vài CLB "quên" đóng tiền niên liễm bởi thiếu thì là chuyện bên ngoài chứ không phải là trên sổ sách.
Câu trả lời ở đây chính là 2 khoản thu cực lớn mà VFF vô tình... lờ đi.
Một: Bản quyền truyền hình của V-League. AVG trả cho VFF mỗi mùa 6 tỷ đồng, một nửa trong số đó trả về cho các CLB song phần còn lại thì bốc hơi hoàn toàn.
Hai: Các khoản tiền phạt. Mùa vừa rồi V-League có 794 thẻ vàng, 63 thẻ đỏ; hạng nhất là 825 thẻ vàng, 54 thẻ đỏ, Cúp quốc gia thì ít hơn chỉ... 125 thẻ vàng và 8 thẻ đỏ. Tuy nhiên, khi nhân với mức giá 1 triệu đồng/ thẻ vàng, 3 triệu đồng/ thẻ đỏ (2 thẻ vàng/trận) và 5 triệu đồng/ thẻ đỏ trực tiếp thì cũng cho VFF hòm hòm gần... 2,5 tỷ đồng. Ấy là còn chưa kể tới tiền phạt các BTC sân, các CLB và cầu thủ vi phạm là tầm 300 triệu đồng nữa.
Song đến đây, mọi chuyện chưa phải đã kết thúc.
Hóa ra con số 10 tỷ lãi ròng của VFF lại khiêm tốn hơn thực tế rất nhiều. Bởi có những khoản chi mà VFF chắc chắn phải giải trình bằng cả tá... văn bản.
Một: 3 tỷ đồng để "thực hiện quyền lợi của nhà tài trợ". Có thể đoán nôm na là khoản hoa hồng 10% trích từ cái hợp đồng quảng cáo 30 tỷ cho một mùa bóng. Còn chảy vào túi ai thì chỉ có... trời biết, đất biết và VFF biết
Hai: 3,7 tỷ đồng nữa cho "chi phí truyền thông sự kiện". Cái này thì cánh báo chí đáng ra phải thấy rõ nhất. Nhưng hóa ra không phải. Suốt cả mùa giải, mọi công tác quảng bá cho Eximbank V-League đều được hiểu là... nghĩa vụ và mặc nhiên chẳng có hóa đơn hay hợp đồng bảo trợ nào hết.
Ba: 113,5 triệu đồng dùng để kiểm tra doping. V-League về khoản này thì đúng là rất... sạch. Cầu thủ có thể đi bar, quậy thâu đêm suốt sáng, tàng trữ thuốc lắc và chết vì dùng ma túy quá liều chứ nhất quyết không chịu dương tính với cái thử thách khắc nghiệt từ phía Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ngạc nhiên hơn số cầu thủ được thử doping lại không vượt quá số đầu ngón tay là mấy.
Bốn: 130 triệu tiền điện thoại. Bao gồm 80 triệu cho thành viên BTC và 50 triệu tiền điện thoại cố định cho cả mùa. Bao cấp là vậy nhưng mọi liên lạc với các quan chức VFF thì gần như đều nằm ngoài vùng phủ sóng.
Xin được tạm kết thúc bài viết bằng câu nói bất hủ của bầu Kiên: "Bao nhiêu tiền thực sự đưa vào giải V-League ? ".
(Còn tiếp)