NAM GIỚI » Tiêu khiển

Nadal và bí quyết của thua cuộc

Thứ ba, 25/10/2011 14:27

Sự chờ đợi Nadal sẽ đứng dậy sau những thất trước Djokovic và tranh thủ sự vắng mặt của đương kim số 1 TG Serbia để lấy lại vị thế của mình đã không xảy ra.

Phía sau những thất bại liên tiếp

Tức là không những không giành thêm điểm, không có những chiến thắng mà có người cho rằng anh cần phải có để tự tin trở lại, mà Nadal còn mất điểm (do không bảo vệ được chức vô địch Tokyo, còn Masters Thượng Hải là năm thứ hai liên tiếp anh không vào tứ kết). Từ thất bại của Nadal, bảng xếp hạng tennis nam thế giới đảo lộn, Djokovic sớm giành ngôi vị tay vợt số 1 của năm (vì Nadal không thể đuổi kịp từ nay cho tới hết mùa 2011), còn Murray qua đó truất ngôi vị số 3 của huyền thoại người Thụy Sĩ, Federer.

Trong set đấu quyết định của trận chung kết, Nadal còn thua Murray 0-6 – một tỉ số tương đối tối kỵ đối với những tay vợt hàng đầu thế giới (ít nhất là về hình ảnh), và cũng là điều anh không để xảy ra trong năm 2010 vinh quang, hay trong năm 2009 giông bão (chấn thương) cũng chỉ xuất hiện 1 lần.

Nếu chúng ta chưa quên trận chung kết đó, sẽ thấy Nadal còn làm sứt mẻ một thương hiệu nữa của anh, khi không còn là ông vua của thứ tennis phòng ngự từ sau vạch baseline. Ai cũng tấn công được Nadal, từ Mayer cho tới Murray, nên đã không còn cảm giác nếu như đối thủ càng đánh khó, thì Nadal càng trả lại hiểm bội phần.

Cũng đã có người đặt ra câu hỏi, thậm chí khẳng định Nadal đã quá “chảy”, bắt đầu bước vào thời kỳ đi xuống và sẽ tuột dốc rất nhanh trong cuộc cạnh tranh đỉnh cao ngày càng nhiều thách thức, như hệ quả của lối chơi thể lực và 6 “cú đấm” dồn dập của Djokovic tạo nên sự tổn thương ghê gớm về mặt tinh thần. 

Có quá sớm không dù chỉ mới dừng lại ở mức độ hồ nghi nếu như biết rằng Nadal vẫn luôn thất bại ở những giải cuối năm, thường chỉ chơi được chừng 70-80% khả năng, dù đã cố gắng tột bậc khi tennis bước vào giai đoạn cuối mùa trong những năm qua?

Con số thống kê không biết nói dối. Ngoại trừ năm 2010 mà Nadal muốn có kết thúc hoàn hảo nhân kỳ tích thâu tóm 3 Grand Slam trong 1 năm và lần đầu vô địch US Open, nên anh đã bung sức ở các giải đấu cuối năm ở châu Á (vô địch Tokyo), để thâu tóm nốt danh hiệu lớn còn khuyết – vô địch giải 8 cây vợt xuất sắc nhất (vào chung kết ATP World Tour Finals tại London – thua Federer). Và thêm năm 2005, khi Nadal lúc đó mới chỉ 19 tuổi, vừa vô địch Grand Slam (Roland Garros) lần đầu tiên trong đời, không tự đặt cho bản thân giới hạn nào, đã bung sức cả giai đoạn cuối năm, giành 2 chức vô địch từ tháng 9 đến tháng 10 (Bắc Kinh và Madrid), rồi sau đấy dính chấn thương phải nghỉ Masters Cup. Còn đâu, cứ tới cuối năm là Nadal lại thất bại cả trong tình thế chủ động hoặc khó cưỡng.

Thật ngạc nhiên, nhưng là sự thật, rằng Nadal trong suốt 4 năm, từ 2006 tới 2009 đã không giành được chức vô địch nào ở các giải tổ chức kể từ tháng 9 trở đi nếu không tính giải đồng đội Davis Cup.

Có thể lý giải về quy luật cuối năm tay trắng của Nadal như sau: Một là anh luôn dồn hết sức vào mùa đất nện giữa năm kéo dài cho tới qua giải Wimbledon, nên cuối năm Nadal hầu như kiệt sức; Hai là Nadal cũng thường dành quỹ thời gian chuẩn bị cho mùa giải năm sau từ rất sớm, nên anh nhả khối lượng ở cuối mùa sớm hơn các tay vợt khác.

Nadal đang quen dần với thất bại?

Thời gian và sự thách thức mới

Việc căng sức ở cuối năm 2010 đã dẫn tới một hậu quả là Nadal dính chấn thương rách bắp ở trận tứ kết với David Ferrer ở Australian Open 2011. Nên sự giảm tải hoặc thiếu gắng sức ở các giải đấu mới đây là sự trở lại với phương cách cũ đã từng giúp Nadal thành công, đặc biệt là khi anh bước vào giải Grand Slam đầu tiên trong một mùa, Australian Open.

Thế nhưng, những thách thức Nadal giờ đây phải đối diện là rất nhiều. Với Nadal giờ đây tập trung tối đa cho tennis là nhiệm vụ bất khả thi. Nadal vừa tranh thủ tham dự một buổi lễ tôn vinh của hãng đồng hồ Richard Mille rồi lại xuất hiện ở buổi đấu giá từ thiện chiếc đồng hồ giá 10 tỉ đồng mà anh đeo năm ngoái. Nadal vừa hoàn tất chiến dịch quảng cáo cho Armani sau khi đã thực hiện trách nhiệm với hãng rượu Bacardi, KIA, Banesto, hãng đô ăn nhẹ Quely. Nadal sẽ lại có những trận biểu diễn để kiếm tiền cho anh và quyên tiền cho mục đích từ thiện nào đó. Cái giá của việc kiếm được hơn 31 triệu USD/năm (trong đó chỉ có 10 triệu tiền thưởng giải đấu) đối với anh là không hề rẻ, nhất là với sự nghiệp chuyên môn.

Với Nadal còn là mâu thuẫn giữa nghỉ ngơi và tăng cường khối lượng tập luyện, giữa hồi phục với tập luyện vượt ngưỡng để không thất thế trong cuộc đọ trí và lực với Djokovic – tay vợt giờ cực mạnh về thể lực.  Bởi nếu anh không nghỉ ngơi anh sẽ chấn thương, và nếu anh nhồi khối lượng quá tải, anh cũng sẽ “dính đòn”, còn tập nhẹ anh sẽ không đủ sức chạy và chạy trong 5 set.

Nadal và sự phi thường

Sự hồ nghi với Nadal giờ đây có lẽ chẳng thấm tháp gì so với quá khứ. Những khó khăn Nadal trải qua hiện tại so với chấn thương đầu gối năm 2009. Hoặc Nadal chỉ được thừa nhận như một chuyên gia sân đất nện khi anh xuất hiện trong một giai đoạn Federer toàn diện và thống trị. Vậy mà những thách thức đó, Nadal đều vượt qua hết thảy, để lấy được sự khâm phục của thế giới về những nỗ lực và khả năng phi thường của mình.

Có một điều Nadal từng nói: “Mỗi ngày tôi bước ra sân với cây vợt trong tay không phải để tập luyện mà để học một điều mới”. Triết lý ấy đã làm nên một Nadal được xếp vào hãng ngũ những tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại, đã tạo nên một cuộc cách mạng của tennis hiện đại với những cú thuận tay cực xoáy, thứ tennis phòng ngự thách thức tấn công, và buộc tất cả các tay vợt muốn thành công phải mạnh mẽ hơn về thể lực.

Thế thì với hồ nghi là Nadal đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp (dù như thế là bất công với tay vợt đã có 1 Grand Slam, 1 Masters 1000, 1 ATP 500 và 6 trận chung kết khác bao gồm 2 Grand Slam trong năm nay), không thể trở lại đỉnh cao trước sự ngáng trở của Djokovic (và có thể cả Murray) hẳn chưa phải là điều gì với ghê gớm với một Nadal vẫn hay khiêm tốn nói không thể nhưng thực tế lại là có thể.  

24h