NAM GIỚI » Tiêu khiển

Quần vợt đã tìm ra... sân đất nện như thế nào?

Thứ ba, 26/04/2011 10:32

Quần vợt lần đầu tiên được chơi trên cỏ, bắt đầu từ năm 1860 trên những sân đấu ở Wimbledon. Do chi phí tổ chức thi đấu trên mặt sân cỏ rất đắt đỏ, nào là bảo dưỡng cỏ, trồng cỏ…

Có một số ý tưởng được đưa ra là tại sao không tạo ra một loại mặt sân khác bình dân hơn và tốn ít chi phí hơn. Anh em sinh đôi người Anh Renshaw - William Renshaw (sinh ngày 3-1-1861, mất năm 1904) và Ernest Renshaw (sinh ngày 3-1-1861, mất năm 1899) - những người đã thắng rất nhiều ngôi vô địch Wimbledon thời bấy giờ, đã đề ra ý tưởng thi đấu trên mặt sân đất nện.

Hình vẽ minh họa anh em Renshaw.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1878, khi họ quyết định chuyển đến thi đấu ở vùng bở biển phía Nam nước Pháp, nơi có khí hậu ôn hòa hơn, dễ thi đấu quần vợt hơn. Trong lúc đang kiếm sống bằng cách xây dựng các sân đấu quần vợt ở những khu vực xung quanh 2 thành phố Cannes và Nice (anh em nhà Renshaw sinh sống ở một thị trấn nhỏ gần đó), hai người này phát minh ra ý tưởng… đập nhỏ những chậu đựng hoa - được làm bằng đất nung - và nghiền nó ra thành bột. Với loại bột này, anh em Renshaw có thể vừa thi đấu vừa… trượt trên đó. Sau đó, họ còn nhận ra rằng, ngoài việc nghiền nát các chậu hoa bằng đất nung, họ cũng sẽ thu được kết quả tương tự nếu nghiền nát gạch và biến chúng thành bột mịn hơn. Kể từ đó, sân đất nện dùng để chơi quần vợt ra đời, thành công này hồi đó rất lớn, nó tạo ra trào lưu xây dựng sân đất nện ở nhiều nơi tại châu Âu.

Đó là kiểu mặt sân mà nhiều chất dơ bẩn sẽ dính vào vớ, quần áo thi đấu của các tay vợt ngay cả khi thời tiết rất khô ráo. Mặt sân đất nện này cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết ẩm ướt, nếu trời mưa, mặt sân này sẽ thành một bãi lầy nhầy nhụa, và đó chính là cơn ác mộng cho những tay vợt mạnh về giao bóng. Mặt sân này trái ngược hẳn so với mặt sân cỏ và mặt sân cứng, nơi bóng nảy chậm hơn, những nhà vô địch, vì thế cũng đã “bị” thay đổi bộ mặt. Trong giai đoạn hình thành và phát triển sơ khởi, các tay vợt xa xưa cũng khám phá ra việc phải sử dụng một “bộ pháp” kiểu khác khi thi đấu trên mặt sân đất nện này - đó là ít di chuyển, sử dụng lối trượt khi tiếp xúc với mặt sân. Việc bóng đi chậm cũng giúp các tay vợt chơi phòng thủ có thêm chút ít thời gian cứu bóng trong khi một pha bóng đó trên một mặt sân khác đã là “cú kết liễu không thể đón đỡ”. Điều này biến những tay vợt chơi phòng thủ thành “chuyên gia” sân đất nện”.

SGGP Online
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới