NAM GIỚI » Tiêu khiển

Về quyền lực của Federer và Nadal ở Grand Slam

Thứ hai, 07/03/2011 09:23

Trong 6 năm trở lại đây, bất kỳ tay vợt nào muốn giành 1 danh hiệu Grand Slam hầu như đều bị chặn đứng bởi Roger Federer hoặc Rafael Nadal ở một chiến tuyến nào đó.

Kể từ khi Nadal thắng ngôi vô địch Grand Slam đầu tiên - tại Roland Garros 2005 - cho đến nay, bộ đôi Federer và Nadal đã giành tới 21/24 danh hiệu Grand Slam.

Đối với những tay vợt danh tiếng khác, việc thắng Grand Slam trong thời kỳ này còn khó hơn việc “hái sao trên trời” - đương nhiên, điều đó đã không “ứng vào” Novak Djokovic (vừa thắng 2 danh hiệu Australian Open) và Juan Martin del Potro (đăng quang ở US Open 2009).

Gilles Simon - cựu số 6 thế giới người Pháp, tay vợt chưa từng đánh bại Federer và Nadal ở các kỳ Grand Slam (lần cuối Simon thua Federer ở vòng 2 Australian Open, nơi anh bị dẫn trước 0-2, gỡ hòa 2-2 rồi lại để thua ở ván đấu quyết định) - chua chát nhận định: “Với họ, đó là một sự tôn trọng, nhưng với chúng tôi, đó là một sự thất vọng. Họ luôn chặn đứng tôi ở mọi thời điểm tôi đang chơi thứ quần vợt tốt nhất. Tôi đã thua Nadal 3 lần ở Grand Slam, 1 lần với Fed. Đương nhiên, như vậy thật là chán nản. Bạn nên biết là khi thi đấu chống lại họ, bạn chỉ có cơ hội nhỏ…”.

Roger Federer và chiếc cúp vô địch Roland Garros 2009, quyền lực của anh ở Grand Slam vẫn rất lớn.

Không chỉ có Simon, nhiều người khác cũng “cùng chung cảnh ngộ”. Tay vợt nổi tiếng người Nga từng xếp hạng 3 thế giới Nikolay Davydenko, cũng chưa bao giờ đánh bại Federer trong 5 lần giáp mặt tại Grand Slam. Cũng may, anh này vẫn chưa đụng Nadal ở đây. Về phần mình, tay vợt đang xếp hạng 7 thế giới người CH Séc Tomas Berdych cũng tỏ ra rất chật vật khi đối mặt với hai tượng đài này, anh đã thua Nadal trong cả 2 lần và chỉ thắng Federer 1 trong 5 lần giáp mặt.

Tay vợt gạo cội người Mỹ Andy Roddick (hiện đang xếp hạng 8 thế giới và cũng từng thắng 1 danh hiệu Grand Slam hồi năm… 2003) gặp thứ rắc rối tương tự. Roddick chỉ thắng Federer 2 trong tổng số 22 lần giáp mặt, nhưng đó là ở các giải đấu “nhỏ lẻ”. Còn lại, Roddick đã thua Federer cả thảy 8 lần ở các kỳ Grand Slam đình đám!

Nhiều tay vợt cho rằng, thách thức trong việc đăng quang Grand Slam khó giải quyết ở chỗ là người nào muốn vượt qua thì buộc phải đánh bại cả 2 tượng đài này (hoặc 3 người, nếu tính thêm Djokovic) trong những trận đấu kéo dài 5 ván. Berdych đã tiến rất gần trong việc chinh phạt thách thức ở Wimbledon hồi năm ngoái, sau khi đánh bại Federer ở tứ kết và hạ luôn Djokovic ở bán kết. Có điều, ở trận chung kết, anh đã thua tan nát trước Nadal.

Berdych thừa nhận: “Nếu bạn muốn thắng 1 danh hiệu Grand Slam, bạn phải đánh bại ít nhất 3 tay vợt hàng đầu. Ở Wimbledon, tôi hạ Roger, đánh bại Novak, nhưng ở chung kết vẫn còn 1 người nữa chờ đợi tôi. Vì thế, ngay cả khi bạn muốn chơi tốt ở Grand Slam, bạn vẫn thấy chưa đủ tốt. Mọi chuyện là như vậy, không cần biết là ai”.

Quan điểm của một số tay vợt khác là Federer và Nadal có được sự tự tin lớn lao khi thi đấu ở Grand Slam, nhờ vào những thành công trong quá khứ, cộng với việc chỉ phải đối mặt với những tay vợt yếu ở các vòng đấu trước (do họ là 2 hạt giống hàng đầu). Hơn nữa, họ có sự dày dạn kinh nghiệm khi phải thi đấu ở những trận đấu thuộc thể thức 5 ván thắng 3, nghĩa là họ thường có khuynh hướng thắng ngược khi đối mặt với những tay vợt trẻ hơn vốn chỉ biết dựa vào sức khỏe, thể lực và khả năng cầm giao bóng, mà những người này thì chỉ có cơ hội giành chiến thắng ở các giải đấu thường (với thể thức 3 ván thắng 2) nhiều hơn…

Simon cũng đồng ý với quan điểm này. Anh lấy minh chứng từ… Federer, người từng có chuỗi 23 trận đấu liên tiếp lọt vào bán kết Grand Slam, trải qua 6 trận đấu bị dẫn 0-2 nhưng vẫn thắng ngược 3-2: “Bạn phải thắng 5 trận đấu trong 23 lần đó. Thỉnh thoảng, anh ấy gần như bị loại khi bị dẫn 0-2. Nhưng cuối cùng thì anh ấy luôn giành chiến thắng. Tôi không biết giải thích như thế nào. Tôi nghĩ họ luôn chơi trận đấu 5 ván thắng 3 dễ dàng hơn những người khác. Bạn có thể chơi 1 ván đấu tuyệt vời, bạn có thể cách chiến thắng 1 ván đấu nữa. Nhưng nó không phải là thi đấu với may mắn, thi đấu trong 1 giờ, mà bạn phải thi đấu với thứ quần vợt tốt nhất trong 4 giờ. Tôi đã thấy điều đó khi chống lại Roger. Tôi cứ tưởng là tôi đã thắng, nhưng hóa ra không phải”.

Sự hiện diện của “quái vật 2 đầu” (giờ đây có lẽ “nó” đã mọc ra cái đầu thứ 3 - của Djokovic) từng khiến các CĐV thích thú, nhưng Simon cho biết sau nhiều năm không có gì thay đổi, anh tin rằng các CĐV bắt đầu muốn nhìn thấy nhiều gương mặt mới xuất hiện để tranh đoạt nhiều vinh quang hơn. Nhưng đây lại là vấn đề của… các tay vợt khác.

Federer hay Nadal đang làm tốt nhiệm vụ của mình - chơi hết mình với phong độ càng cao càng tốt. Họ không có lỗi khi họ… quá mạnh, còn các tay vợt khác quá thất thường. Sự xuất hiện của Djokovic là một điều đáng mừng, nhưng xét cho cùng, nó lại biến thành kiểu “một miếng bánh được chia ra làm 3 thay vì chia ra làm 2”. Những tay vợt khác cần phản ứng mạnh hơn và hy vọng Simon - người đã sa sút trong thời gian vừa qua - là người trong số này.

Sài Gòn Giải Phóng Online
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới