Cơ hội đến với Roger Federer không chỉ một lần, nhưng tay vợt người Thụy Sĩ lại không tận dụng được nên đã phải trả giá. Tình cảnh này ngược hẳn với những gì Rafael Nadal đã thể hiện bởi anh biết chắt chiu những cơ hội hiếm hoi để giành chiến thắng trong một trận chung kết giàu cảm xúc.
Những thời khắc đáng nhớ
Dẫn 5/2 trong ván đầu nhưng ở điểm set-point, cú bỏ nhỏ của Federer lại ra ngoài trong gang tấc khiến anh phải cay đắng thốt lên: “Tôi không gặp may một chút, còn Nadal gặp may một chút. Đó là một trong những cơ hội lớn của tôi”. Thế nhưng, nói gì thì nói, may mắn chỉ là một phần nhỏ, cực nhỏ trong trận đấu này như tình huống xảy ra ngay ở bàn đầu tiên của ván 4. Dẫn 40/0 trong bàn Nadal nắm quyền giao bóng nhưng Federer lại không tận dụng thành công cơ hội ấy để rồi trận đấu xoay chuyển một cách chóng vánh. Chính Nadal cũng phải thừa nhận tầm quan trọng của bàn này khi nói: “Chẳng phải đây là thời điểm rất quan trọng đối với tôi hay sao? Theo quan điểm của tôi, đó là thời điểm xoay chuyển cả trận đấu”.
Đánh giá chung, Federer chơi trận này tồi hơn hẳn những gì anh đã thể hiện trong trận thắng Djokovic ở bán kết. Với 56 lỗi tự đánh hỏng, Federer không thể đòi hỏi thành công và chỉ có thời điểm cuối ván 3 là anh chơi cực hay trong sự cổ vũ nồng nhiệt của hàng ngàn khán giả trên sân. Đánh giá về Federer ở thời điểm đó, Nadal cho biết: “Khi Federer thi đấu như vậy, đối thủ của anh ấy chẳng thể làm được gì”. Khi Federer phạm nhiều sai sót thì Nadal lại hầu như không phung phí cơ hội, mặc dù anh không có được trạng thái tâm lý tốt.
Ông Toni, HLV của Nadal, tiết lộ: “Hồi tuần trước, khi Nadal chơi dở và chịu một số áp lực, tôi có nói với cậu ấy: hãy điềm tĩnh, thắng hay thua không thể thay đổi được cuộc sống của cháu”. Nói về thời điểm trận chung kết bị tạm dừng vì trời mưa, ông Toni cho biết: “Nadal rất lo lắng khi ở trong phòng nghỉ. Tôi liền nói với cậu ấy: đây là thời điểm khó khăn của cháu, nhưng cũng là thời điểm rất khó khăn của Federer”. Từ sự tổng hòa của tất cả yếu tố kể trên, một lần nữa Nadal lại bước lên đỉnh vinh quang.
Những con số biết nói Chỉ 2 ngày sau ngày sinh nhật lần thứ 25, Nadal đã đoạt chức vô địch Grand Slam lần thứ 10 và đây là lần thứ 6 trong 7 năm, anh đăng quang ở Roland Garros. Thành tích này đã giúp Nadal vươn lên sánh ngang với kỷ lục của huyền thoại Bjorn Borg ở Roland Garros và anh bộc bạch: “Có điều gì đó rất đặc biệt đối với tôi khi san bằng kỷ lục đoạt 6 chức vô địch của Bjorn Borg. Thật vinh dự khi được cùng giữ kỷ lục với ông ấy. Tôi hạnh phúc với những gì đang có, nhưng tôi không phải là tay vợt giỏi nhất trong lịch sử. Tôi nghĩ mình chỉ là một trong số những người giỏi nhất, đó là sự thật và như vậy là đủ với tôi rồi”.
Theo thống kê, Nadal là tay vợt trẻ thứ 2 trong lịch sử khi đoạt chức vô địch Grand Slam lần thứ 10 (Bjorn Borg 24 tuổi 30 ngày khi đoạt danh hiệu Grand Slam thứ 10 ở Wimbledon 1980). Còn so sánh với Borg khi ông đoạt chức vô địch Roland Garros vào năm 1981, Nadal chỉ lớn tuổi hơn đúng một ngày. Một thông số đáng nể khác là trong 12 lần dự trận chung kết Grand Slam, Nadal chỉ thua đúng 2 trận (đều trước Federer ở Wimbledon 2006 và 2007). Và chiến thắng mới nhất ở Paris đã giúp Nadal bảo toàn được ngôi vị số 1 TG của mình, giúp anh có thêm động lực phấn đấu ở Wimbledon sắp tới.