Không là vua....
Chưa có mùa bóng nào mà trọng tài lại trở thành tâm điểm như lượt đi mùa giải này. Mới vòng 1, đã có những phản ứng của đội HA.GL trong trận đấu tại sân Chi Lăng. Vòng 2 là sự kiện ông Ngô Quốc Hưng đuổi “lão tướng” Lê Thụy Hải lên khán đài.
Sau đó, cũng chính ông Hưng này bị ông Hải chửi thẳng hết sức nặng nề khi cho rằng trọng tài không có trình độ. Kế tiếp là màn rượt chạy có cờ trên sân Nha Trang, rồi Timothy của Hòa Phát “tế sống” trọng tài Nguyễn Văn Đông, rồi HLV Mai Đức Chung “cạch mặt” trọng tài Nguyễn Văn Quyết. Nói chung, cứ xâu chuỗi hàng loạt sự kiện ấy thì chẳng ai coi trọng tài ra cái gì cả!
Họ vừa ghét, vừa “chơi đểu”, vừa thù địch mà cũng vừa khinh nhờn. Chẳng còn chút gì giống với từ mà người ta hay dùng “trọng tài là vua, là cha mẹ” cả.
Những chuyện như vậy thi thoảng vẫn xảy ra với giới trọng tài nhưng liên tục xuất hiện với tần suất dày đặc như vậy thì hơi hiếm. Nó đủ để cho thấy trọng tài Việt Nam không còn có được cái uy của nghề nghiệp nữa. Sân bóng cơ hồ như sẵn sàng bị loạn bất kỳ lúc nào khi mà người giữ luật lệ trên sân trở nên bị đánh giá chỉ ngang bằng với cầu thủ “quần đùi, áo số” không hơn không kém. Không còn là “vua”, trọng tài có nguy cơ trở thành “dân đen”.
Tầm cỡ như ông Mai Đức Chung mà còn tuyên bố sẽ xin không cho ông trọng tài Quyết thổi các trận của Navibank Sài Gòn. Ảnh: Quốc An
Cũng chẳng phải dân Nhưng có vẻ như trong con mắt của các đội bóng thì đến chuyện “làm dân”, trọng tài cũng chưa xứng. Thay vì đặt niềm tin vào sự công tâm của trọng tài, nhiều đội bóng lại coi những “ông vua áo đen” như một “căn bệnh” mà tìm cách lánh xa. Tầm cỡ như ông Mai Đức Chung mà còn tuyên bố sẽ xin không cho ông trọng tài Quyết thổi các trận của Navibank Sài Gòn. Kín đáo như ông bầu Thắng vậy mà còn nói thẳng “trọng tài đã bẻ còi”. Người quan trọng đã nói thế thì giới cầu thủ có lẽ còn dùng nhiều từ ngữ nặng nề hơn khi đánh giá về những người cầm còi. Câu chuyện trọng tài dọa giết ở giải hạng Nhất về cơ bản, có thể là đúng 100% rồi. Như vậy, thì đến mức độ “làm dân” trọng tài cũng chưa… đủ chuẩn. Vì sao? Vì sự có mặt của họ là thay mặt cho BTC giải nhưng khi cả trận đấu chỉ ám mùi nghi ngờ thì trọng tài cứ như là thứ “của nợ”. Sự có mặt của ông ta, đôi khi lại có thể khiến các trận đấu trở nên bị bẻ cong một cách vô duyên. Ví dụ như trận đấu giữa N.SG và SHB Đà Nẵng. Trình độ kém của trọng tài Quyết khiến trận này thay vì có phần thắng thuộc về đội chủ sân Thống Nhất như dự đoán thì lại hòa, làm đội chủ nhà “tức muốn lộn ruột”. Ai bẻ thẳng lại các trận đấu Việc Hội đồng trọng tài phải bảo vệ cho các trọng tài lại chuyện đương nhiên. Thế nhưng, có quá nhiều thông tin về quá trình kỷ luật hay “soi” trọng tài được đưa ra ngoài khiến giới trọng tài càng lâm vào thế “chim sợ cành cong”. Giới trọng tài luôn có những điều luật riêng và không phải ai cũng biết bởi trọng tài luôn chỉ là nghề tay trái, những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của họ. Đằng này, tại Việt Nam, mỗi khi trọng tài bị xác định sai thì coi như không còn cửa để quay lại với các trận đấu đỉnh cao, trừ những người thật sự dũng cảm. Được cả một hệ thống bảo vệ nhưng rõ ràng, từ trong nội bộ đến ngoài sân bóng, trọng tài luôn chịu một áp lực rất lớn. Nếu những sức ép trong trận đấu cũng đủ để đánh gục tinh thần các trọng tài trẻ thì chính các sơ hở trong vấn đề điều hành lại làm cho trọng tài dễ dàng “bẻ cong” các trận đấu vì không còn giữ được chính kiến của mình. Đấy là điều khách quan khiến cho công tác trọng tài ngày càng nặng nề nhưng Hội đồng trọng tài cho đến nay, cũng chỉ làm được một việc duy nhất là bảo vệ họ bằng những lý giải hết sức mộc mạc. Không ai chỉ ra cách để các trọng tài Việt Nam có đủ năng lực “bẻ thẳng” lại các trận đấu. Sự thật thì vẫn là sự thật: trọng tài hiện đang là một cái đích để các đội lên phương án “bắn hạ” cho kỳ được để phục vụ cho các trận đấu “nặng mùi”. Có người đang ngạc nhiên vì sao sân Nha Trang chỉ mới tổ chức có 6 trận lượt đi nhưng lại có đến 4 trận liên quan đến vấn đề trọng tài. Đặc biệt hơn là toàn rơi vào các trận đấu giữa Khánh Hòa và những đội vốn vẫn bị xem là “bạn bè” trước đây như Hòa Phát, HN.ACB hay ĐT.LA. Hoặc là Khánh Hòa đã trở nên khác trước, hoặc là trọng tài đang trở thành “nạn nhân” của một trò chơi có quá nhiều tiểu xảo.