Có những điểm bất cập nhất định ở đội tuyển Olympic. Đầu tiên là vấn đề đã được thừa nhận một cách rộng rãi bởi HLV Phan Thanh Hùng, đó là ở hàng thủ. Tất cả các gương mặt hậu vệ được triệu tập đều còn khá xa lạ và chưa có cơ hội hiểu nhau nên đã tạo nên một hàng thủ tương đối lỏng lẻo, mắc không ít những sai lầm.
Còn nhớ ở vòng loại Olympic diễn ra vào năm 2007, khi ấy đội tuyển Olympic dưới sự dẫn dắt của HLV Riedl dựa trên một bộ khung tương đối ổn định, đã được trui rèn qua các kỳ Sea Games và thậm chí là AFF Cup. Lực lượng có kinh nghiệm như vậy mới là nền tảng để chúng ta làm nên bất ngờ khi đi được tới vòng loại cuối cùng của khu vực châu Á. Vấn đề hàng thủ có thể sẽ được giải quyết phần nào ở Sea Games khi đội hình lúc này được bổ sung thêm các cầu thủ sinh năm 1988 như Quốc Long hay Long Giang – những người có kinh nghiệm chinh chiến vượt trội. Nhưng về lâu về dài, hàng thủ của đội tuyển Olympic sẽ được “chuyển đổi” sang đội tuyển quốc gia và bóng đá Việt Nam thực sự đang phải đối mặt với nỗi lo về tấm lá chắn trước khung thành nếu như các cầu thủ bây giờ không có được sự tiến bộ một cách vượt bậc trong vài năm tới. Bên cạnh đó, còn nỗi lo khác mà ông Hùng chưa nói nhưng vẫn lộ rõ trong các toan tính chiến thuật của Olympic Việt Nam. Đó là chúng ta không có một tiền đạo đích thực. Các cầu thủ vốn được biết đến với vai trò tiền vệ như Văn Quyết, Trọng Hoàng, Văn Thắng thay nhau dâng cao nhưng xét cho cùng họ không phải là mẫu tiền đạo điển hình để săn tìm bàn thắng. Thậm chí việc gò ép các cầu thủ này chơi trái với sở trường còn làm hạn chế đi khả năng đóng góp của họ. Bóng đá Việt Nam đã phải đối mặt với nỗi lo thiếu tiền đạo từ lâu, ở cả đội tuyển quốc gia và bây giờ là lứa Olympic. Riêng bài toán này thì dương như chưa thể sớm đưa ra lời giải vì bản thân các CLB V-League bây giờ cũng chuộng dùng tiền đạo ngoại hơn so với các chân sút nội.