PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Biên chế” không là chiếc chìa khóa vạn năng!

Thứ tư, 08/06/2011 08:59

Chưa bao giờ người hâm mộ Thanh Hóa thoát khỏi nỗi ám ảnh xuống hạng và bị các đội bóng nhà giàu cướp mất những cầu thủ giỏi nhất của mình.

Cách đây vài năm, Mai Tiến Thành từng vượt dốc Xây qua đất Hoa Lư, để lại một khoảng trống lớn trong lòng CLB; trước đó nữa, từ thời chưa lên “chuyên”, Hồng Minh đã “đào thoát” trong đêm để đến với đội bóng sông Hàn. Và ở thời điểm hiện tại, nếu không có những đội biến về chế độ đãi ngộ, đội bóng bên bờ sông Mã có thể sẽ mất chân sút sáng nhất: tiền đạo Đình Tùng.

Không cần nhắc tới cái thuở “ngày xửa ngày xưa”, chỉ mươi năm trước, khán giả cả nước hãy còn quen thuộc với hình ảnh những cầu thủ thuộc diện “người nhà nước” bước ra sân trong thành phần các đội Thể Công, Công an Tp Hồ Chí Minh hay Công an Hà Nội. Chẳng phải lúc đó, Hồng Sơn, Huỳnh Đức vừa đá bóng, vừa đeo lon sĩ quan cấp “úy”, Vũ Minh Hiếu là hạ sĩ quan sao? Sau chẵn một thập kỷ lên chuyên, chuyển động nơi hậu trường làng bóng nước nhà đang cho thấy những đổi thay đến chóng mặt. Nếu trước đây, một cầu thủ cống hiến hết mình vẫn sẵn lòng xếp hàng dài để được tới lượt xét vào biên chế nhà nước thì bây giờ, lứa đàn em của họ sẵn sàng nói “không” với cái phao cứu sinh kia để được tự do tìm đến những miền đất hứa, đem lại tiền tài, vật chất chỉ trong vài năm còn hơn cả một đời công chức mẫn cán.

HLV Dương Ngọc Hùng dù nặng tình nhưng cũng đã phải xin ra khỏi biên chế. Ảnh: Internet.

Hãy bắt đầu từ câu chuyện của HLV Dương Ngọc Hùng. Vị HLV từng ấp ủ tham vọng xây dựng một “lò” đào tạo thủ môn này vốn được xem là người “nặng nợ”, sống “tình nghĩa”, “có trước có sau” với đất Võ. Đang hành nghề ở phố núi Gia Lai, nghe tiếng gọi của quê hương là ông “khăn gói” trở về Bình Định không một lời mặc cả. Ấy thế nhưng dường như chữ “tình” nào cũng có những “giới hạn” nhất định của nó. Mùa giải 2010, sau chuỗi thành tích không được như ý của SQC Bình Định, có thể ảnh hưởng đến giấc mơ thăng hạng mùa sau, ông Hùng đã nộp đơn từ chức và được Công ty cổ phần bóng đá SQC Bình Định trả về đơn vị cũ (Sở VH-TT&DL), với lý do hết thời gian biệt phái. Sau đó không lâu, vị HLV này đã nộp đơn xin thôi việc, ra khỏi biên chế ngành. Thời điểm vừa trở thành người tự do, vì nhiều lẽ, ông Hùng từ chối phát ngôn để rồi vài tháng kế tiếp, ông cầm “đũa” chỉ huy ở đội bóng nhiều cá tính B.Bình Dương. Có lẽ, bản thân việc ông Dương Ngọc Hùng chọn một CLB nổi tiếng cả nước “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” làm nơi “neo đậu” đã là một thông điệp nói lên nhiều điều.

Trong số 14 CLB đang góp mặt tại sân chơi cao nhất quốc gia năm nay, đội bóng xứ Thanh - dù đã chính thức chuyển giao cho doanh nghiệp - vẫn chưa thoát khỏi “kiếp nghèo”. Hơn một lần, những suất “biên chế” từng được lãnh đội, lãnh đạo ngành ở địa phương đưa ra như “phần thưởng” cho các cầu thủ - công thần. Không kể các cầu thủ vốn được chuyển giao và ký hợp đồng với Thể Công trước đây thì năm 2010 vừa qua, lần lượt Đình Tùng, Văn Thắng, Hữu Thắng, Mạnh Hà đã nhận được lời mời làm “người nhà nước” cùng viễn cảnh yên tâm cống hiến tài năng, được bố trí công việc phù hợp sau khi giải nghệ và hưởng các chế độ lương - bảo hiểm suốt đời... Cần phải nói thêm, lời “mời” này không dành cho những người có trình độ thuộc hàng “đại trà” ở đội.

Xét nội tình đội bóng bên bờ sông Mã, chiến lược “mời” cầu thủ vào biên chế có thể xem là hướng đi khôn ngoan, dù không hẳn đã thành công như mong muốn của các nhà lãnh đạo. Bởi lẽ, phần đông các cầu thủ ta dẫu không có trình độ học vấn cao thì cũng đủ nhận thức rằng một chữ ký vào biên chế đồng nghĩa với việc họ phải gắn bó với CLB ít nhất đến hết sự nghiệp. Ước mơ chuyển nhượng, mong muốn được ra đi coi như… chấm dứt. Ở thời buổi nhiều công chức sẵn sàng ra làm ngoài với thu nhập không phải ai cũng bằng (hoặc hơn)… các cầu thủ, rõ ràng lời “mời” kia đã không còn sự “lung linh”, “lực hấp dẫn” như thời tem phiếu. Vậy nên, dù đã rất tích cực trong công tác tư tưởng cùng những hứa hẹn đãi ngộ “cao hơn một công chức” (cầu thủ dạng biệt phái được ăn lương, thưởng theo chế độ của đội bóng), lãnh đạo đội bóng Thanh Hóa vẫn phải chấp nhận một sự thực là năm 2010, 3/4 cầu thủ được đề nghị vào “biên chế” đã từ chối: người lịch sự thì trả lời “cháu đang còn trẻ, không việc gì phải vội”, kẻ kém “khôn ngoan” hơn lại “lên tiếng” bằng cách… ký hợp đồng với đội bóng khác. Thịnh tình của “các chú trong CLB” chỉ nhận được sự hợp tác duy nhất từ phía thủ môn Mạnh Hà - người chuyên bắt dự bị, đã cứng tuổi, và không có nhiều sự lựa chọn cho tương lai.

Trong chuyến thân chinh dẫn “quân nhà” đem “chuông” đi “đánh” nơi đất khách trước đội Navibank Sài Gòn, ông chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ không khỏi ngỡ ngàng: “thật không thể tin nổi, giá trị của cả đội chúng tôi chỉ vào khoảng 28 tỷ đồng, trong khi 3 cầu thủ tân binh của họ đã có mức chuyển nhượng tới gần 30 tỷ”...

“Biên chế” đã không giữ nổi Đình Tùng (giữa) và các cầu thủ Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Hà.

Với “thương hiệu” đã được khẳng định và phong độ ổn định trong nhiều mùa giải, tiền đạo nhỏ con của CLB Thanh Hóa Đình Tùng đang hứa hẹn sẽ trở thành “hàng hot” trên thị trường chuyển nhượng quốc nội vào tháng 10 tới đây - lúc hợp đồng giữa Đình Tùng với đội bóng chủ quản chính thức hết hiệu lực. Muốn giữ lại ngôi sao sáng nhất, đang trên đường trở thành biểu tượng của mình, không còn cách nào khác, những người đang nắm trách nhiệm ở đội bóng xứ Thanh nên tính đến một cách “tiếp cận” hay một lời đề nghị khác phù hợp hơn trong “tình thế” mới. “Điều kiện cần” là tình cảm, trách nhiệm của Tùng và gia đình anh với quê hương thì CLB Thanh Hóa đã có, còn “điều kiện đủ” hình như chưa… đủ?

Nói cho “hết nhẽ”, việc “mời” một hay nhiều cầu thủ vào biên chế nhà nước thường phù hợp với những người “sống lâu lên lão làng”, đã bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp, trình độ chuyên môn không lấy gì làm “đặc sắc” (khó tìm bến đỗ mới) hoặc vì lý do đặc biệt nào đó. Việc nhiều cầu thủ Thanh Hóa từ chối vào biên chế Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh, suy cho cùng, chẳng có gì “bất thường” hay “trái đạo”. Mỗi một giai đoạn phát triển, xã hội lại đem đến những “sức hút”, “lực hấp dẫn” riêng và ngành nghề nào cũng vậy, đâu chỉ giới “quần đùi áo số”? Điều quan trọng là những người giữ cương vị quản lý ở các đội bóng cần sớm nhìn ra thay đổi này để không tụt hậu, lỗi nhịp với thời cuộc.

Tinthethao
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới