PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Câu chuyện thể thao: Không vô địch SEA Games là vứt...

Thứ bảy, 09/04/2011 09:35

Đấy là lời của ông PCT VFF Lê Hùng Dũng khiến cho HLV Calisto giận sôi lên. Tuy nhiên, với người hâm mộ cả nước thì nhiều người lại cho rằng ông Dũng đã rất dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật...

Khi nước đã đầy ly Khi nói thế hẳn ông Dũng hiểu rằng khán giả đã quá quen với việc về nhì của bóng đá VN tại đấu trường SEA Games. Thế nên, áp lực phải vô địch, chẳng khác gì cô gái quê nhà nghèo, đã dăm lần thi trượt Đại học, bị bố mẹ ra tối hậu thư, lần thứ 6 nếu không vượt được vũ môn, dứt khoát phải gác sự nghiệp đèn sách, về lấy chồng, an phận với ruộng nương cho nó lành. Công cuộc chọn HLV ngoại lần này đã không bị giới hạn về tiền bạc, khi nhà tài trợ mới rất giàu tiềm lực tài chính, càng khiến cho áp lực phải đưa U23 VN vô địch SEA Games trở nên chất ngất với tân HLV trưởng. Đấy là đòi hỏi chính đáng của nhà tài trợ, người hâm mộ cả nước. Đơn giản, bởi nếu chỉ về nhì, thì HLV nội cũng hoàn toàn có thể làm được. Cần gì phải xới tung các nền bóng đá thế giới đặng tìm 1 HLV trưởng khả dĩ, rồi đổ cả núi tiền như thế.

Chỉ có 1 chiến thắng tại Indonesia vào cuối năm nay của U23 VN mới có thể xoa dịu nỗi đau mà chúng ta đã nếm trải ở SEA Games 25. Ảnh: Quang Nhựt

Trong bức tranh toàn cảnh của bóng đá khu vực thời điểm này, khi Thái Lan, đội bóng luôn chiếm đến đến 90% khả năng vô địch trước đây đang ngãng ra, thì cơ hội mở ra rất lớn với U23 VN. Bóng đá VN luôn được Nhà nước, nhân dân tạo mọi điều kiện tốt nhất, thậm chí nhất khu vực, mà không vô địch được, quả là quá đau lòng. Thế nên nếu không vô địch SEA Games đúng là “vứt” thật, không chỉ với HLV trưởng. Thậm chí là khối cái ghế dễ đứt. VFF nhiệm kỳ VI đã gãy 2 mục tiêu lớn là AFF Suzuki Cup 2010 và SEA Games 25. Thế nên, chỉ ngôi vô địch SEA Games 26 mới giúp tổ chức này vãn hồi được mọi thứ, nhất là niềm tin của người hâm mộ. Phải giải mã được vì sao không thể vô địch? Đấy là yêu cầu tiên quyết, bởi khi quá nhiều lần ĐTVN, U23 VN gục ngã trước thiên đường là 1 hiện tượng bất thường mang tính hệ thống. Những cuộc mổ xẻ sau mỗi thất bại dường như chưa thỏa đáng. Nếu thỏa đáng tương đối, thì lần sau cũng không cho thấy sự cải tổ từ những thất bại và mổ xẻ. Giải mã được câu hỏi trên, mới hy vọng tìm ra con đường để vượt qua giới hạn cho bóng đá VN. Tìm ra được những kế sách để vô địch lại càng khó. Công tác tuyển quân liệu có bỏ sót tài năng đã hợp lý và tránh tính mặt trận chưa? Năm 1997, có câu chuyện về HLV Weigang thế này: ngoài ĐTVN, HLV người Đức còn phải chuẩn bị tuyển chọn và tiếp nhận huấn luyện 1 đội U23 theo chương trình xây dựng các đội tuyển của VFF. Một buổi tối, HLV Weigang mời toàn bộ thành viên của ĐTVN xuống họp. HLV Weigang nhìn mặt từng học trò rồi nói thật gọn: “Tối nay, tôi nhờ các bạn tiến cử các cầu thủ trẻ vào ĐT U23”. Lần lượt từng tuyển thủ nêu tên những cầu thủ trẻ ở địa phương. Trần Minh Quang, Nguyễn Văn Sỹ, Văn Sỹ Thuỷ, Nguyễn Phi Hùng, Triệu Quang Hà, Nguyễn Đức Thắng, Mai Tiến Dũng… được các tuyển thủ ĐTVN sốt sắng tiến cử... Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, Weigang có trong tay danh sách ĐT U23…Cách làm đó chưa hẳn là tốt, nhưng ý nghĩa câu chuyện ở đây nằm ở tính linh hoạt trong cách tuyển quân. ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2010 đã quá cũ kỹ, nặng dư vị trọng dụng công thần. Phương thức tập trung thế nào là tốt nhất? Làm sao để để môi trường ĐT thực sự trong lành? Có cách nào để giúp cầu thủ vượt qua được nỗi sợ hãi mơ hồ ở những thời điểm quan trọng, để hạn chế những sai lầm chết người. Trận chung kết SEA Games 25, bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010 với Malaysia, chúng ta đều thua từ những sai lầm cá nhân, cộng thêm sai lầm chiến thuật. Trên cả, ĐT có tập trung được sức mạnh tổng hợp, nhất là trí tuệ của cả nước? Có lần, nghe 1 cựu chiến binh nói 1 câu mà cứ bị ám ảnh: “Đánh Mỹ, Pháp khó là thế mà còn thắng được, mấy ông làm bóng đá sao đá mãi mà không vô địch SEA Games”? Thắc mắc đó xin chuyển đến những người có trách nhiệm với bóng đá VN.

Thể thao & Văn hóa Online