PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Chuyện hai đội bóng: Thừa tiền, thiếu “chất” - thừa "chất" thiếu... lửa

Thứ năm, 21/04/2011 14:08

Nhắc tới HP.HN, người ta thường đề cập tới ông bầu Tuấn dù tần suất giao lưu với giới truyền thông của ông bầu này không nhiều như những ông bầu “đại gia” khác.

Thừa tiền, thiếu "chất"

Thực tế thì các ông chủ của doanh nghiệp Hòa Phát đều khá quan tâm tới đội bóng mà nguyên nhân đầu tiên là do đam mê môn thể thao này. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long vốn chơi vị trí tiền đạo cánh trái (và chơi khá hay) trong đội tuyển trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Ông Trần Đình Long - Ông Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: Nam Hải

Biết chơi bóng đá, lại sẵn niềm đam mê nhưng “làm” bóng đá hóa ra không đơn giản chỉ là việc xỏ giầy xuống sân. Hòa Phát kinh doanh trong lĩnh vực máy xây dựng và thép, trong giới kinh doanh thường gọi vui đó là lĩnh vực “chém to kho mặn”. Dẫu không ồn ào “trưng bày” với giới truyền thông, các ông chủ HP.HN là những người chịu chi và ít nhất thì đội bóng từng có lúc đi lên chứ chẳng phải tuột dốc như hiện tại. Có điều khi đã chơi tại giải chuyên nghiệp (kể cả chuyên nghiệp nửa mùa), mọi tính toán đều rất khác. Sự cầu toàn của ban lãnh đạo HP.HN một mặt giữ cho đội bóng độ ổn định tạm thời, mặt khác lại chính là hòn đá cản đường phát triển. Cầu thủ NT rất có thể đã về HP.HN nếu một người trong ban lãnh đạo không tình cờ nhìn thấy NT đang ngồi chơi với nhân vật “nghe nói từng dính tới bán độ”. Hoặc Văn Quyết, chân sút đang chơi rất hay tại HN T&T cũng từng được HP.HN ngắm nghía rồi... thôi vì “nghe nói anh chàng này chưa có thành tích gì”. Cung cách cầu toàn như thế khiến HP.HN là một đội bóng gồm toàn cầu thủ không có “chất” - như nhận xét của một cựu HLV - và nói chung thì đó là đội bóng rất ít cá tính. Cái “chất” nói trên, khổ nỗi chính là thứ mà các ông chủ HP.HN muốn có, rất cần có. Và có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ có nếu cứ mãi cầu toàn. Thừa “chất”, thiếu... lửa Nói về “chất”, hay còn gọi là cá tính, độ “quái”... thì cầu thủ HN.ACB của ông bầu Kiên lại có thừa. HN.ACB chỉ vừa lên hạng mùa này (và đang có nguy cơ rớt hạng trở lại), thế nhưng nhìn lối chơi của từng cá nhân và cách ứng xử trên sân, khối người chạnh lòng nghĩ tới đội bóng CAHN ngày nào. Dù có mối thân quen mật thiết với nhau thì ông chủ Nguyễn Đức Kiên vẫn rất khác ông chủ Trần Đình Long. Ông Kiên kinh doanh ngân hàng, thế nên các hợp đồng về nhân sự đội bóng của ông rất chặt chẽ, ít nhất thì đến nay cũng chưa xảy ra tình trạng “đi đêm” hay phá hợp đồng theo kiểu bát nháo như từng xảy ra tại đội bóng khác. Nói về niềm đam mê với trái bóng tròn, có lẽ không nhiều người biết rằng bầu Kiên chưa từng bỏ bất cứ trận đấu nào của HN.ACB. Ông lẳng lặng đi theo đội, chẳng mấy khi hùng hồn phát biểu trước rừng ống kính, dù rằng ông Kiên nổi tiếng là “tay thuyết khách” lão luyện trong giới kinh doanh nói chung và ngân hàng nói riêng. Khả năng nói chuyện cùng cung cách quan tâm chăm sóc cặn kẽ chi ly khiến cầu thủ HN.ACB phục ông. Ở những thời điểm HN.ACB thi đấu bết bát, có người nói ông bầu Kiên đã hết đam mê nên rồi sẽ buông đội bóng. Điều đó dường như không hoàn toàn chính xác. Có điều tuy chẳng buông đội bóng, ông bầu Kiên xem ra đã truyền cho nó không đủ “lửa” khát khao vươn lên và chiến thắng. Ngọn lửa ấy vẻ như lại sáng hơn ở HP.HN. Cứ nhìn cách các ông chủ đội bóng này triển khai xây dựng sân thi đấu, trung tâm thể thao ở miếng đất được Hà Nội giao cho là đủ hiểu. Miếng đất liền kề đó, rộng gấp đôi, thì vẫn còn để trống. Nó được Hà Nội giao cho bầu Kiên, với cùng mục đích như khi giao cho các ông chủ Tập đoàn Hòa Phát.

Báo TT TP.HCM