Đã có những siêu sao hiện tại khi xưa suýt đặt chân tới Đức, nhưng chỉ vì vài triệu euro mà họ bỏ lỡ hàng loạt thiên tài.
Tiền ít hay keo kiệt?
Người đầu tiên mà Bundesliga cảm thấy xót xa là Ronaldo “béo”. Năm 1994, Ralf Rangnick (HLV hiện tại của Schalke) khi đó huấn luyện đội trẻ Stuttgart đã đến Rio de Janeiro gặp Ronaldo và đại diện của anh. Một thỏa thuận được cam kết, thậm chí Ronaldo còn chụp hình với áo đấu Stuttgart cùng lời khẳng định: “Stuttgart là CLB đầu tiên thực sự quan tâm đến tôi”. Nhưng thương vụ không thành vì Cruizeiro đòi… 5 triệu euro, trong khi Stuttgart chỉ chịu trả 4 triệu euro.
Wolfsburg thu về 37 triệu euro khi bán Dzeko cho Man City
Năm 2007, Frankfurt được nhà môi giới người CH Czech giới thiệu một tài năng 21 tuổi: Edin Dzeko (CLB Teplice). Phí chuyển nhượng chỉ 4 triệu euro, nhưng Frankfurt từ chối khi cho rằng: một cầu thủ vô danh như Dzeko chỉ đáng 2 triệu euro. Sau đó 3 năm rưỡi, Wolfsburg thu về 37 triệu euro khi bán Dzeko cho Man City. Một chuyện hài hước không kém là thương vụ của Pato. Năm 2006, Pato đến Berlin, tới trụ sở của Hertha. GĐTT D.Hoeness tiếp Pato và thương lượng hợp đồng với cầu thủ 17 tuổi này. Nhưng cái giá 3 triệu euro không được Hertha chấp thuận. Một năm sau, Pato tới AC Milan với giá 22 triệu euro.
Wolfsburg được coi là một trong những CLB thu hoạch đậm trong chuyển nhượng, đặc biệt là vụ Dzeko. Nhưng thực tế họ còn mất một khoản lớn hơn nhiều vì cẩn thận quá. Năm 2002, dù mới thi đấu ở Bundesliga, nhưng Wolfsburg không thiếu tiền (từ hãng xe hơi Volkswagen). Họ tìm tới Ligue 1 để mua tài năng trước cả Premiership. Và khi đó họ có cầu thủ 19 tuổi Michael Essien từ Bastia. Nhưng sau đó, họ lại nhận được lời giới thiệu Pablo Thiam khi hợp đồng với Essien chuẩn bị ký kết. Lựa chọn mãi, cuối cùng họ chọn Thiam. Và bây giờ ai cũng biết Essien là trụ cột của Chelsea.
Một đồng đội cực kỳ danh tiếng của Pato là Ronaldinho cũng bị Bundesliga từ chối và CLB có quyết định ấy là Dortmund. Năm 2001, Dortmund tiếp xúc với Gremio nhưng thương lượng thất bại vì Dortmund đưa ra đề nghị kiểu… ép đối tác. Thay vì Dortmund, Ronaldinho lựa chọn PSG.
Bremen... bủn xỉn
Năm 1997, Bremen đánh tiếng muốn mua Michael Ballack từ Chemnitzer. Họ nhất trí mọi khoản, chỉ trừ mức lương mà quản lý của Ballack (chính là cha anh) đòi là 200.000 mark/năm. Bremen khẳng định chỉ trả 180.000 mark/năm và hợp đồng bị hủy. Sau đó Ballack lựa chọn K’lautern và trở thành ngôi sao lớn của bóng đá Đức. Cũng trong năm này, chỉ sau thương vụ Ballack vài ngày, Bremen bỏ đi một tài năng lớn của bóng đá Ukraina: Shevchenko. Giám đốc của Bremen khi đó là ông Willi Lemke (được chính Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon bổ nhiệm làm Cố vấn phát triển thể thao và hòa bình của Liên hợp quốc) đã đến trụ sở Dinamo Kiev để mua tiền vệ Juri Maximov. Ông được giới thiệu Shevchenko nhưng Lemke từ chối với một lời cảm ơn. Vẫn là Bremen tạo nên một cuộc “thương lượng” buồn cười hết sức trước đó 2 năm. Năm 1995, các nhà tuyển trạch của Bremen đã thống nhất với BLĐ sẽ mua Davor Suker với giá 3,5 triệu euro. Nhưng sau khi đàm phán chính thức, Bremen nói rằng giá đó… cao quá và tự động rút lui kiểu bỏ của chạy lấy người. Ngay sau đó, Real Madrid biến Suker thành tiền đạo siêu hạng sau khi bỏ ra 11 triệu euro cho Sevilla.
Năm 2001, P.Cech chỉ là một thủ môn hạng xoàng ở CLB Chmel Blsany, nhưng anh lại được Bremen để ý. BLĐ Bremen đã tiếp cận và thỏa thuận sẽ ký hợp đồng với Cech. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến phút chót, khi CLB Blsany nói rằng: “Cech là niềm tự hào của đội. Và niềm tự hào ấy có giá… 1 triệu mark”. Ai cũng biết, năm 2004, Cech đến Chelsea và trở thành một trong những thủ môn hay nhất thế giới.
Đến nay, cầu thủ đắt giá nhất Bremen từng mua chỉ có giá 8 triệu euro (Carlos Alberto). Và đó là thương vụ Bremen mất trắng vì đây là “siêu quậy” chứ không phải cầu thủ.
Bayern nhìn vàng mà tưởng... gạch
Bayern được coi là “quái thú” trên thị trường chuyển nhượng Bundesliga khi họ muốn gì sẽ có nấy. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc đóng khung tại Đức. Với thế giới bên ngoài, Bayern thất bại không biết bao nhiêu lần. Thậm chí, thời gian gần đây họ còn để tuột hàng loạt tài năng quý giá. Năm 2003, ông Wolfgang Dremmler, người phụ trách tìm kiếm tài năng trẻ của Bayern tại Nam Mỹ đã đến Brazil và phát hiện ra Kaka. Dremmler tức gọi điện cho Uli Hoeness và chỉ trong một thoáng chần chừ của Hoeness khi các vị trí trong đội hình đã ổn định, họ mất Kaka vào tay AC Milan. Trước đó 2 năm, tại World Cup U20 năm 2001, cũng chính ông Dremmler nhìn thấy Adriano (Flamengo) chơi quá hay. Một cuộc gặp gỡ diễn ra nhưng Bayern không chịu chi tiền, rồi họ bị Inter vượt mặt với mức giá 15 triệu euro.
Bayern là CLB đầu tiên cử đại diện theo dõi, tìm kiếm tài năng ở Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil (nay là cựu tiền đạo Elber đang đảm trách). Thị trường Nam Mỹ được Bayern xới tung, nhưng thời gian gần đây họ chẳng mua được ai, trừ thương vụ “thua nặng” Breno (15 triệu euro). Điển hình là năm 2006, họ “vồ hụt” Sergio Aguero (18 tuổi của Independiente) dù U.Hoeness đến tận Buenos Aires. Bayern từ chối giá 16 triệu euro và chỉ trả… 5 triệu euro, sau khi Hoeness thấy cầu thủ này phải ngồi ngoài hàng rào lúc đồng đội đá hết 45 phút trong một… buổi tập. Tại sao từ chối Aguero? U.Hoeness trả lời: “Cầu thủ nhỏ con ấy chỉ có việc đứng ngoài hàng rào trong khi đồng đội của anh ta đang ra sức đá. Thậm chí cậu ấy còn không đỡ nổi quả bóng. 16 triệu euro cho một tay nhặt bóng?”… Sự bủn xỉn của Bayern trả giá chỉ vài ngày sau khi Aguero đến Atletico với giá 23 triệu euro…
Có thể, nếu Bremen, Bayern, Wolfsburg… mua tất cả những ngôi sao trên chưa chắc đã có thành công. Nhưng chắc chắn họ sẽ được biết đến như nơi nhìn nhận ra những siêu sao. Mà họ đã thấy rồi, chỉ có điều hạn chế tài chính và những điều không đâu khiến họ đánh rơi quá nhiều thiên tài!