PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Chuyện ở Copa America 2011: Thế lực của những đôi găng

Thứ sáu, 22/07/2011 14:21

Các chân sút đến giải trong trống dong cờ mở, và ra về lặng lẽ còn các thủ môn, những người thường đứng rất xa ánh đèn sân khấu, bỗng trở thành thế lực có ảnh hưởng lớn nhất đến cục diện giải đấu.

Các chân sút đến giải trong trống dong cờ mở, và ra về lặng lẽ, ở kỳ Copa thuộc diện khát bàn thắng bậc nhất trong lịch sử. Và các thủ môn, những người thường đứng rất xa ánh đèn sân khấu, bỗng trở thành thế lực có ảnh hưởng lớn nhất đến cục diện giải đấu.

Lần thứ hai, Justo Villar trở thành người hùng của Paraguay trên chấm 11 mét - Ảnh Getty

Elizaga của Ecuador là người được bầu xuất sắc nhất trận gặp Paraguay ở vòng bảng. Nếu không có Sergio Romero, người nhận giải LG ở trận gặp Colombia, Argentina có thể đã phải nhận một thất bại ngay lượt trận thứ hai. Colombia giữ sạch lưới ở vòng bảng nhờ Nico Martinez, còn Uruguay lúc nào cũng cảm thấy vững vàng, với Fernando Muslera ở phía sau. Dấu ấn của các thủ môn đã được thể hiện rất rõ ngay từ vòng bảng khan hiếm bàn thắng và các ý tưởng sáng tạo, nhưng không hề thiếu những pha bay lượn và phán đoán, ra vào chính xác của những “người gác đền”.

Cho đến các trận ở vòng knock-out, thì các thủ môn đã trở thành nhân vật chính, và thậm chí là người một mình quyết định chiến thắng, điều gần như là đặc quyền cho các cầu thủ tấn công. Muslera đảm bảo một kết quả hòa cho Uruguay trước Argentina trong hai hiệp chính lẫn hai hiệp phụ ở tứ kết, rồi cản phá thành công quả phạt đền của Tevez, đem về chiến thắng. Đáng ngạc nhiên hơn cả là Justo Villar, người đã chơi cực xuất sắc ở cả hai trận tứ kết lẫn bán kết trước Brazil và Venezuela, không chỉ trong thời gian thi đấu chính thức và hai hiệp phụ, mà trên cả chấm luân lưu 11 mét. 4 đội tuyển vào đến bán kết không phải là những đội bóng tên tuổi ở Nam Mỹ, nhưng các thủ môn của họ đã thể hiện vượt mức bình thường.

Trận chung kết diễn ra vào ngày 24/7 tới đây, xét trên khía cạnh ấy, có thể được quyết định dựa trên phong độ của giữa hai thủ môn chơi hay nhất giải tính đến thời điểm này, là Muslera (Uruguay) và Villar (Paraguay).

Sự thay đổi của các thủ môn Nam Mỹ

Nam Mỹ không còn những thủ môn cá tính đến kỳ dị như Rene Higuita (Colombia), Jorge Campos (Mexico), thậm chí là thích ghi bàn như Chilavert (Paraguay), Ceni (Brazil)…, và điều đó đồng nghĩa với việc một thế hệ thủ môn ưa sáng tạo, “làm trò”, nhưng cũng rất tài năng đã lui vào sau cánh gà lịch sử. Phẩm chất nổi bật của những thủ môn kiểu ngẫu hứng như thế là phản xạ không thể tin nổi, nhưng điểm yếu của họ là sức tập trung khó duy trì liên tục, và khả năng dường như chỉ được huy động tối đa vào những thời điểm hiểm nghèo nhất.

Nhưng Copa America 2011 cũng cho thấy một khía cạnh khác, hoặc có thể cho rằng đó là một sự thay đổi, của các thủ môn Nam Mỹ. Không còn những bộ cánh “màu mè” và tâm lý thích thể hiện, không còn những sáng tạo vô lối và đi quá khuôn khổ, những “người gác đền” xuất sắc nhất ở Copa America lần này đều có lối bắt bóng đơn giản, thậm chí khá thực dụng. Nhưng điều đáng nói là vào thời điểm hệ trọng nhất, thì hầu hết trong số họ đều đánh thức được bản năng nổi tiếng nhất của các thủ môn Nam Mỹ: Phản xạ cực tốt, thậm chí đến mức không tưởng.

Ngoài thời điểm cần phải huy động mọi giác quan, và mọi bộ phận để ngăn cản bóng ấy (Muslera đã từng dùng cả chân, và mặt, để ngăn Argentina ghi bàn ở trận tứ kết), các thủ môn ở kỳ Copa lần này đều chủ trương chơi thật an toàn và khoa học. Bằng chứng là họ mắc rất ít sai lầm từ đầu giải tới giờ, trừ trận đấu tồi tệ của Julio Cesar (Brazil) ở vòng bảng (gặp Ecuador), và hai lỗi lớn của thủ môn Nico Martinez (Colombia), dẫn đến các bàn thua trong trận tứ kết với Peru. Sự ổn định, điều vốn là điểm yếu của các thủ môn Nam Mỹ, đã được cải thiện rất nhiều, trong quá trình họ sang châu Âu thi đấu, và thậm chí còn trở thành điểm mạnh của họ ở giải lần này. Muslera và Villar chơi rất ổn ở vòng bảng, và ngày càng xuất sắc hơn khi đội bước vào vòng knock-out. Trừ Nico Martinez của Colombia, tất cả các thủ môn khác như Vega (Venezuela), Raul Fernandez (Peru)… đều duy trì được phong độ nhất quán từ vòng bảng, cho đến những trận knock-out.

Những đội găng đang trở thành thế lực đáng sợ nhất ở Copa America lần này, bởi bên cạnh sự ngẫu hứng có một chút điên rồ của những người Nam Mỹ, họ đã học được sự điềm tĩnh, khả năng phán đoán của người châu Âu. Bồi đắp thêm sự ổn định, cho những khoảnh khắc xuất thần.

3 Có quá nhiều “đất diễn” cho các thủ môn ở kỳ Copa lần này, đặc biệt là từ vòng knock-out. Trừ hai trận tứ kết Chile thua Venezuela và bán kết Peru thua Uruguay, 4 trận knock-out còn lại đều phải kéo dài thêm hai hiệp phụ, và 3 trong số đó phải giải quyết thắng thua bằng đá penalty. Muslera của Uruguay cản được một quả penalty ở trận gặp Argentina, còn Justo Villar đã cản phá thành công hai quả 11 mét, một ở trận gặp Brazil (Thiago Silva) và một ở trận gặp Venezuela (Lucena).

TT&VH
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới