Rõ ràng, cán cân quyền lực Copa America đã thay đổi, với sự trở lại mạnh mẽ của Uruguay và Paraguay.
Copa America 1939, Argentina và Brazil không có tên trong danh sách 4 đội tuyển mạnh nhất. Nhưng thực ra, lý do là vì giải đấu năm đó, họ đều từ chối tham dự. Năm 2001, một lần nữa hai đại gia Nam Mỹ biến mất ở vòng bán kết, nhưng nên nhớ, năm ấy Argentina cũng không đem quân tới Colombia còn Brazil dù có mặt nhưng cũng không sử dụng đội hình mạnh nhất. Tóm lại, nếu bỏ qua các yếu tố bên lề thì việc Argentina và Brazil cùng thất bại ở vòng tứ kết để rồi vắng bóng ở bán kết Copa America 2011 là chuyện mới lần đầu tiên xảy ra trong suốt 95 năm lịch sử giải đấu số một Nam Mỹ.
Những người thích đùa lý giải rằng: Argentina và đặc biệt là Brazil muốn tránh lời nguyền cho những đội vô địch Copa America. Quả thật sau gần một thế kỷ tồn tại, chưa đội nào đăng quang ở Copa America rồi ngay sau đó vô địch World Cup. Dĩ nhiên nếu đặt lên bàn cân, rõ ràng Brazil muốn VĐTG 3 năm sau hơn là đăng quang ở Copa America 2011. Trong thế giới bóng đá luôn có chỗ đứng nhất định cho yếu tố số phận. Bởi vậy việc “né” Copa America 2011 có thể sẽ giúp Brazil hoặc Argentina đăng quang ở giải đấu tổ chức ngay tại Nam Mỹ.
Nhưng không! Đó chỉ là cách giải thích hài hước nhất cho thất bại hai đại gia Nam Mỹ. Sự thật là họ muốn giành chiến thắng, nhưng bất lực. Hãy nhìn cách Argentina bế tắc thế nào trước Uruguay dù được chơi hơn người, thậm chí lẽ ra còn phải nhận thất bại ngay trong 90 phút chính thức chứ chẳng phải đợi đến loạt “đấu súng”. Và hãy nhìn cách Brazil chính thức trở thành cựu Vương với lối tấn công nhợt nhạt thế nào trước Paraguay. Để rồi càng về cuối trận, khi sức ép chiến thắng càng lớn, các pha phối hợp của họ lệch lạc đến ngờ nghệch, trước khi trở thành những “gã ngốc nhất thế giới” trên chấm 11m.
Tuy nhiên, thất bại này là cần thiết để Brazil và Argentina nhận ra sức mạnh thật của mình, đặc biệt là để chuẩn bị cho World Cup 2014. Nên nhớ, thành công tại Copa America không đồng nghĩa với thành công tại World Cup. Cùng theo đó, thất bại ở giải đấu này cũng không kéo theo hệ lụy ở sân chơi thế giới. Bằng chứng: Colombia vô địch Copa America 2001 nhưng không được dự VCK World Cup 2002. Trong khi Brazil bị loại ở tứ kết Copa America 2001 nhưng 1 năm sau, họ VĐTG trên đất Nhật.
Không hẹn mà gặp, hai đội tuyển giành tới 7 chức vô địch/9 kỳ Copa America gần nhất đều bị loại ngay ở tứ kết năm nay. Nói cách khác, thời kỳ hai gã khổng lồ Nam Mỹ thay nhau thống trị đã tới hồi kết. Copa America 2011 là dấu chấm hết với Big Two, để trở về với Big Four. Quả thật, khái niệm Big Four Nam Mỹ bắt đầu trở lại khi Uruguay và Paraguay đang cùng tìm về thời hoàng kim. Lần đầu tiên kể từ khi Copa America được mở rộng (năm 1993), Paraguay vượt qua vòng tứ kết. Trong khi đó, Uruguay vẫn chứng tỏ họ đang là đệ tứ anh hào thế giới. Thậm chí, La Celeste đứng trước cơ hội trở thành đội tuyển giàu thành tích nhất Copa America nếu vô địch trên đất Argentina.