Sepp Blatter luôn có lời giải thích cho mọi thứ. Mức độ của những lời tố cáo bất tận về quản lý sai trái, tham nhũng và thủ cựu nhằm vào Blatter có thể làm bất cứ người nào phải lung lay song ông thì không mảy may suy chuyển.
Khi bị tố cáo hối lộ trọng tài người châu Phi Lucien Bouchardeau để ông này bôi nhọ đối thủ của mình vào năm 2002, Blatter “tâm sự” với một tờ báo Thụy Sĩ rằng ông chỉ phạm sai lầm vì lòng từ thiện. Theo tờ The Guardian, Blatter đã nói: “Ông ta nức nở với tôi rằng ông ta vô cùng nghèo khổ và chẳng có gì trong tay. Vì thế, tôi cho ông ta 25.000 USD từ tiền túi của mình. Tôi là một người quá tốt”.
Khi cựu Tổng thư ký Michel Zen-Ruffinen công bố vào năm 2002 rằng FIFA đã thất thoát hơn 100 triệu USD trong thời kỳ cầm quyền của Blatter, vị chủ tịch người Thụy Sĩ thổ lộ với tờ The Guardian: “Tôi đã làm việc cực nhọc. Chỉ những ai không làm việc mới không bao giờ phạm sai lầm”.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter - Ảnh: Reuters
Không thể phủ nhận FIFA đã trở thành một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ trong 13 năm “chấp chính” của Blatter song cũng trong thời kỳ này bóng đá đã bị thương mại hóa một cách không thể kiềm chế và đánh mất vẻ ngây thơ, lãng mạn như ở thập niên 1960 và 1970, nhà báo Jim White của tờ The Guardian viết. Nhân dịp công bố chiến lược tranh cử chức chủ tịch lần thứ tư, Blatter nhắc lại với tờ The Times: “Như các bạn nhớ, FIFA không có bất kỳ khoản dự trữ nào trong năm 1998… và ngày hôm nay chúng ta có đến 1,2 tỉ USD”. Blatter là một người giàu có. Vào năm 2007, ông cho biết mình không hề nhận một đồng lương nào, ngoại trừ… 1 triệu USD/năm như “một khoản đền bù”, theo tờ The Times. Blatter nói khoản tiền này “phù hợp với một vị chủ tịch điều hành”, song nhiều người cho rằng con số đó không thể hiện được mức thu nhập thực sự của ông. Vì FIFA ẩn nấp đằng sau luật lệ của Thụy Sĩ nên không ai biết được Blatter trả cho mình bao nhiêu tiền hay chi tiết về việc FIFA thực sự hoạt động như thế nào. Trong thời đại mà mọi thứ đều phải giải trình, FIFA có xu hướng trở thành pháo đài cuối cùng của quyền lực phi trách nhiệm. Tổ chức này không mấy mặn mà với việc áp dụng những tiêu chuẩn căn bản của quản trị doanh nghiệp như công bố báo cáo tài chính, đưa ra quy định đạo đức hay kiểm tra các xung đột lợi ích. Vì thế, FIFA quả có giàu có song người ta không biết sự thịnh vượng đó có thực sự phục vụ mục đích của bóng đá một cách hiệu quả. Chính vì thế, minh bạch là điều người ta đòi hỏi nhiều nhất ở FIFA trong lúc này, cả về các quyết định bóng đá đơn thuần và về tài chính của tổ chức. Đó cũng là lời hứa tranh cử của cả hai ứng cử viên chức chủ tịch là Blatter và Mohamed Bin Hammam.
Ông Mohamed Bin Hammam, đối thủ cạnh tranh của Blatter - Ảnh: AFP
Để chạy theo những con số lợi nhuận (không nhất thiết phải của FIFA), Blatter sẵn sàng mang World Cup đến những vùng đất hoang vu giá lạnh như Nga hay nơi nắng nóng như Qatar mặc dù biết rằng điều này mang lại khá nhiều rủi ro, ít nhất là cho sức khỏe của cầu thủ hay mức độ thành công của sự kiện. Blatter cũng là một người có nhiều ý tưởng, thường gây tranh cãi song cũng không kém phần hài hước. Dưới thời kỳ của ông, người ta chứng kiến sự xuất hiện của bàn thắng vàng, bàn thắng bạc và cuối cùng là … sự biến mất của nó. Cùng với đó là những bình luận gây phẫn nộ như đề nghị các nữ cầu thủ mặc quần bó hơn để kích thích người xem, gọi giới cầu thủ là những nô lệ hiện đại… Bất chấp nhiều sáng kiến đến mức được gọi là “Ngài ý tưởng”, Blatter vẫn khăng khăng không chịu áp dụng kỹ thuật vào bóng đá để bảo đảm sự công bằng hơn cho các phán quyết. Ông cũng từ chối cải tổ phương thức hoạt động của Ủy ban điều hành. Nhiều người cho rằng Blatter cương quyết không chấp nhận thay đổi vì lo sợ tầng lớp chóp bu của FIFA sẽ mất đi địa vị quyền uy của mình nếu cải cách, cũng như mất đi khả năng can thiệp vào kết quả trận đấu nếu áp dụng kỹ thuật. Đó cũng là một điều dễ hiểu bởi chẳng có ai tự nguyện từ bỏ quyền lực của mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ sẽ mãi mãi ngự trị trên quyền lực. Đã đến lúc người ta cảm thấy những bình luận của Blatter không còn hài hước nữa, ít nhất đó là những nước từng thua tức tưởi tại cuộc bỏ phiếu bầu chọn nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022 như Anh, Mỹ, Úc… Người ta cần một sự thay đổi và Bin Hammam đang đứng trước cơ hội tốt nhất để lật đổ 13 năm cầm quyền của Blatter. Lịch sử cho thấy chẳng có đế chế nào trường tồn nếu chỉ mãi ôm lấy quyền lực mà không chấp nhận thay đổi theo đà phát triển của xã hội.