Ở vòng 12 này, may là máy quay của kênh Thể thao TV trên sân Bình Dương đã ghi lại được và tua lại nhiều lần pha đánh nguội của trung vệ Chí Công (Bình Dương) vào mặt Felix (TĐCS Đồng Tháp) khiến cầu thủ này nổi nóng và nằm đè lên mình Chí Công để phải chịu thẻ đỏ trực tiếp.
Chủ động đánh nguội mà chỉ bị thẻ vàng là quá nhẹ, vậy mà Chí Công còn phân bua với báo chí rằng không hiểu sao mình lại bị thẻ! Ở sân Nha Trang, Tấn Tài (K. Khánh Hòa) lãnh 2 thẻ vàng vì trả đũa đối phương; Timothy (Hòa Phát Hà Nội) bị thẻ đỏ trực tiếp vì lăng mạ trọng tài. Trên sân Thống Nhất, cầu thủ và BHL Navibank Sài Gòn nhào ra phản ứng trọng tài với những lời miệt thị vì không được hưởng phạt đền khiến trận đấu phải gián đoạn gần 10 phút… Những hình ảnh trên lẽ nào chỉ là khuyết điểm của trọng tài? Chủ tịch Hội đồng Trọng tài bóng đá quốc gia Nguyễn Văn Mùi nhận định trên một tờ báo: “Áp lực thành tích đè nặng nên nhiều cầu thủ thiếu kiềm chế, lao vào tranh luận với trọng tài để trút bỏ trách nhiệm thi đấu kém. Nếu trọng tài non tay, thiếu kinh nghiệm thì sẽ rơi vào bẫy của cầu thủ”. Quả thật, cầu thủ bẫy trọng tài đã trở thành kỹ xảo khó coi ở bóng đá Việt Nam. Vậy mà, chắc không phải vô tình, nó được nhiều HLV hậu thuẫn. Nói có sự hậu thuẫn bởi gần như hành vi phạm lỗi nào của cầu thủ cũng đều được HLV… cổ súy. “Bức xúc” vì cho rằng mình bị xử ép, có HLV còn kiến nghị VFF không để trọng tài A, trọng tài B điều khiển trận có đội nhà thi đấu. Trong bóng đá, đó là hành vi xúc phạm trọng tài. Vai trò HLV, theo chiều hướng tác động tích cực hay tiêu cực đến cầu thủ, có thể nhận thấy qua hình ảnh các tuyển thủ trong màu áo đội tuyển quốc gia với cầu thủ ở câu lạc bộ. Vì sao cũng cầu thủ đó, khi khoác áo tuyển quốc gia, thi đấu rất đẹp mắt, luôn có những hành vi đẹp trên sân cũng như bên ngoài, nhưng khi về câu lạc bộ thì triệt hạ nhau như kẻ thù? Ông Nguyễn Văn Mùi không e ngại khi cho rằng hiện nay, HLV và lãnh đạo một số câu lạc bộ là người có tác động rất nhiều đến hành vi phản ứng thái quá của cầu thủ với những việc làm theo kiểu “châm dầu vào lửa”. Buồn hơn khi những HLV hay “sử dụng dầu” lại là những người mà vừa qua được người ta tung hê vào ghế HLV đội tuyển quốc gia! Cựu HLV tuyển quốc gia A.Riedle nổi tiếng với câu nói “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Giờ đây, trong khi ngôi nhà ấy vẫn chưa được gia cố ổn định thì đã… dột từ nóc. Do vậy, chỉ một Ban Tổ chức V-League hay Ban kỷ luật của VFF không thể giải quyết được vấn đề. Cái tầm của một cầu thủ chuyên nghiệp thể hiện rất rõ: Ở bóng đá châu Âu, khi bị trọng tài phạt thẻ đỏ, cầu thủ lặng lẽ cúi đầu đi thẳng vào đường hầm; ở bóng đá Việt Nam, khi bị phạm lỗi, trọng tài chưa kịp rút thẻ thì cầu thủ đã hùng hổ gây áp lực, sau đó khi bị thẻ thì tiếp tục văng tục, thậm chí đuổi đánh trọng tài. Một cầu thủ đã biện giải: “Trọng tài luôn nói họ là con người nên cũng có sai sót thì cầu thủ chúng tôi cũng là con người chứ không phải thánh để cắn răng chịu đựng hoài!”. Một khi cầu thủ ghim trong đầu suy nghĩ như vậy, được các ông thầy huấn luyện như vậy thì bóng đá không loạn mới lạ! Để văn hóa bóng đá không tiếp tục lao dốc như hiện nay, cần chỉnh đốn từ người thầy. Một khi những ông thầy, cứ tiếp tục “châm dầu” thì đừng trách cầu thủ cũng như nền bóng đá nước nhà mãi là vùng trũng.