PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Giá trị của luật chơi

Thứ tư, 27/04/2011 10:16

Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam đang bước sang tuổi thứ 11 nhưng chúng ta vẫn chưa tìm được sự trọn vẹn trong khái niệm ấy.

Xét riêng về thái độ tôn trọng luật chơi của các CLB và cá nhân cầu thủ đã là cả một nỗi lo ngại lớn dành cho những người làm bóng đá. Vòng đấu thứ 12 hồi cuối tuần qua lại thêm một lần nữa các màn phản ứng trọng tài lại trở thành tâm điểm, lấn át những câu chuyện chuyên môn thuần túy.

Những chiếc thẻ đỏ đã được rút ra một cách nghiêm khắc, các trọng tài cũng thừa biết rằng mình phải cẩn trọng trong từng pha xử lí nhưng cho dù họ có tập trung tới đâu đi nữa thì vẫn không thể tránh khỏi việc trở thành cái cớ để các đội bóng đổ lỗi cho kết quả thi đấu không đúng như mong đợi. Ở các nền bóng đá phát triển, cầu thủ và các đội bóng luôn phải tôn trọng các quyết định của trọng tài một cách tối đa. Đó là luật chơi mà bất cứ ai tham gia vào một trận đấu bóng đá buộc phải tôn trọng. Dĩ nhiên, cũng phải có những phản ứng nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ. Ở Việt Nam, các cầu thủ mặc sức chửi bới trọng tài, coi họ là tấm bia trút giận và thậm chí có không ít trường hợp còn tỏ ra quá khích bằng việc động thủ chân tay. Nhìn Premier League được chiếu nhan nhản trên truyền hình mỗi dịp cuối tuần, người ta thấy rằng FA có đưa ra điều luật quy định rằng không bao giờ được phép có 3 cầu thủ của một đội bóng được “quây” trọng tài trong một tình huống phản ứng. Ngay cả việc vung tay phân trần khi nói chuyện với các vị vua áo đen cũng là sai quy định. Đó không hẳn là luật riêng của FA mà FIFA cũng khuyến khích những điều tương tự. Cầu thủ Việt Nam nhiều người thuộc luật nằm lòng nhưng vẫn mặc kệ bởi chẳng mấy ai để ý tỉ mỉ rằng có bao nhiêu người vây lấy trọng tài, nói những gì và làm những gì. Thiết nghĩ, VFF cần phải nghiên cứu và đưa ra những điều luật cụ thể hơn nữa nhằm “cảnh báo” các cầu thủ rằng họ phải luôn tôn trọng các vị vua áo đen. Đó là biểu thị của tính chuyên nghiệp và sự tong trọng luật chơi chung.

Tinthethao