Với 6 tiền đạo có mặt trong lần tập trung này (gồm Đình Tùng-Thanh Hóa, Việt Thắng-V.NB, Công Vinh-HN T&T, Quang Hải-N.SG, Ngọc Thanh-SHB.ĐN và Ngọc Anh-SLNA), xét về lý thuyết, ĐT Việt Nam có quá nhiều lựa chọn trên hàng tấn công, nhất là khi có tới 4 người đang dẫn đầu danh sách ghi bàn dành cho cầu thủ nội ở V-League 2011 (Đình Tùng-9 bàn, Việt Thắng-7 bàn, Công Vinh và Ngọc Thanh-cùng 6 bàn).
Đấy còn chưa kể tới việc sau khi ĐT Olympic Việt Nam kết thúc nhiệm vụ ở vòng loại Olympic London 2012, ĐT Việt Nam được bổ sung thêm 2 cầu thủ từ ĐT Olympic Việt Nam là Văn Quyết và Trọng Hoàng, những người cũng có khả năng thi đấu ở vị trí tiền đạo, nên nếu bảo thầy trò HLV Falko Goetz đang thiếu thốn nhân sự cho vị trí trên tuyến đầu thì quả là rất không thuyết phục. Tuy thế, sự thực là ở 2 trận đấu giao hữu vừa qua với Đồng Nai và ĐT.LA, ĐT Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 2 bàn thắng đều do công của Công Vinh, trong đó bàn gỡ 1-1 ở trận hòa với Đồng Nai là khá may mắn (quả phạt do Công Vinh thực hiện chạm người trung vệ Anh Tuấn đổi hướng nên làm bó tay thủ môn Đồng Nai). Với 6 cầu thủ có thể chơi tiền đạo trong đội hình mà lại chỉ ghi được một bàn thắng từ tình huống bóng sống (trận thua 1-3 trước ĐT.LA) thì quả là HLV Goetz không lo lắng mới lạ. Thế nhưng, mọi chuyện không phải tự nhiên mà có, bởi việc các đội bóng ở V-League lâu nay phó mặc nhiệm vụ ghi bàn cho các ngoại binh đã tạo nên cơ sự này. Tình huống của Quang Hải là một dẫn chứng tiêu biểu, khi Vua phá lưới nội của V-League 2010 từ chỗ là một cây săn bàn thiện nghệ khi khoác áo K.KH bỗng nhiên chuyển thành một chân chuyền ở đội bóng mới N. SG, chỉ vì lý do 2 vị trí trên tuyến đầu mặc nhiên phải dành cho tiền đạo ngoại.
Quang Hải (trái) từ chỗ là một cây săn bàn thiện nghệ khi khoác áo K.KH bỗng nhiên chuyển thành một chân chuyền ở đội bóng mới N. SG, chỉ vì lý do 2 vị trí trên tuyến đầu mặc nhiên phải dành cho tiền đạo ngoại. Ảnh: Quang Nhựt
Ngay Đình Tùng, cầu thủ đang dẫn đầu danh sách ghi bàn dành cho các nội binh và là tiền đạo hiếm hoi của ĐT Việt Nam duy trì thành tích ghi bàn ổn định đến vậy ở V-League mấy năm qua, khi khoác áo Thanh Hóa cũng không thi đấu ở vị trí mũi nhọn mà phải lệch sang cánh trái, tương tự như Công Vinh ở HN.T&T. Trong số các tiền đạo của ĐT Việt Nam hiện nay, chỉ có Việt Thắng giữ vai trò cây ghi bàn chủ lực ở đội bóng của mình, nhưng đấy là vì V.NB không tìm được ngoại binh chất lượng để giao phó trọng trách, nếu không chưa chắc Việt Thắng đã có được vị trí không thể thay thế như hiện nay. Tất nhiên, không thể quy trách nhiệm cho các đội bóng V-League về tình trạng này, bởi trong hoàn cảnh “người người nhà nhà” đều ưu tiên ngoại binh cho hàng tiền đạo thì chẳng CLB nào dám đi ngược lại xu thế này. Chỉ có điều, khi ở CLB, nhiều tiền đạo nội buộc phải thi đấu ở vị trí không phải là sở trường để nhường chỗ cho ngoại binh, thậm chí có trường hợp phải biến thành chân chuyền để phục vụ ngoại binh như trường hợp của Quang Hải, nên lúc lên ĐT, họ không còn duy trì được sự sắc sảo và nhạy bén cần thiết với một cầu thủ làm nhiệm vụ săn tìm bàn thắng. Vì thế, bây giờ nếu HLV Goetz muốn chọn một cầu thủ thi đấu ở vị trí tiền đạo lùi hoặc hộ công cho ĐT Việt Nam thì không khó, nhưng để kiếm được một tiền đạo chân tiền thực sự thì lại là nhiệm vụ không hề đơn giản, và điều đó đã được thể hiện rất rõ qua cơn khô hạn bàn thắng của ĐT Việt Nam ở 2 trận giao hữu mới đây. Mà không chỉ có ĐT Việt Nam gặp vấn đề này, bởi ĐT Olympic Việt Nam cũng đang đối mặt với bài toán tương tự, và nếu HLV Phan Thanh Hùng có được một chân sút sắc sảo thì chưa chắc đội bóng của ông đã phải hứng chịu thất bại nặng nề đến thế trước Olympic Saudi Arabia ở vòng loại Olympic London 2012. Có vẻ như việc tìm người ghi bàn không chỉ là chuyện riêng của 2 ĐT mà đã trở thành vấn đề với bóng đá Việt Nam mất rồi. Chỉ không biết chúng ta sẽ làm thế nào để khắc phục bài toán cực kỳ nan giải này thôi.