PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Kết thúc Copa America 2011: Những điều đọng lại mà đau đớn lòng

Thứ năm, 28/07/2011 15:16

Urugoay đã chiến thắng tại Copa America 2011, mọi thứ đã khép lại, nhưng bầu trời bóng đá Nam Mĩ nhìn từ giải đấu này lại phủ một màu ảm đạm thê lương.

Thật sự, người ta không lạ khi Urugoay, đội bóng đã vô địch Copa America tới 14 lần  lên ngôi thêm lần nữa. Nhưng người ta lại rất lạ với việc cả Brazil hùng mạnh lẫn Argentina trong vai chủ nhà lại bị loại ngay ở vòng tứ kết. Và người ta còn phải lạ với một giải đấu nổi tiếng là giàu kĩ thuật bỗng nhiên khoác lên mình lớp vỏ thực dụng đầy toan tính của bóng đá châu Âu. Urugoay đã chiến thắng, mọi thứ đã khép lại, nhưng bầu trời bóng đá Nam Mĩ nhìn từ giải đấu này lại phủ một màu ảm đạm thê lương.

1. Rạng sáng qua, khi Forlan và các đồng đội đè bẹp đối thủ tới 3-0 trong một trận chung kết chóng vánh, đã có người bảo may mà Urugoay đã thắng. Bảo thế không phải vì yêu Urugoay, mà vì nếu Paragoay - đội bóng điển hình cho thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực, đội bóng trước khi bước vào trận chung kết đã không có nổi dù chỉ một chiến thắng nào trong 90 phút (vòng bảng họ hòa cả 3 trận, đến vòng tứ kết và bán kết họ đều thắng nhờ đá penalty) rốt cuộc lại trở thành nhà vô địch thì rõ ràng Copa America năm nay coi như "chết toàn tập".

Chiến thắng ấn tượng của Urugoay trong trận chung kết không "cứu" nổi sự ảm đạm nói chung của bóng đá Nam Mĩ. Ảnh: Quang Minh.

Nhưng xét cho cùng, một mình Urugoay với những cá nhân có lối chơi mềm mại như Forlan, Saurez cũng chỉ cứu Copa America không rơi vào một đoạn kết bi kịch, chứ không thể cứu được sự xuống cấp nói chung của toàn giải đấu.

Nó không thể cứu được phong độ "tệ hại trên mức tệ hại" của một loạt ngôi sao, từ những cái tên vốn đã được định danh như Messi, Tevez, Robinho, Pato, cho đến những cái tên được kỳ vọng rất nhiều như Naymar. Nếu như ở Barcelona, thiên thần Messi ghi được tới 53 bàn thắng trong cả mùa giải vừa rồi thì trong màu áo ĐT Argentina, Messi chơi mờ nhạt và chỉ đóng góp được 3 đường chuyền thành bàn rồi… chấm hết.

Và nếu như trước lúc bóng lăn, Naymar của Brazil được báo chí khu vực ví von sẽ trở thành một ngôi sao sáng, có khả năng thách thức bất cứ một cái tên nào thì rốt cuộc Naymar bế tắc trước phần lớn những hệ thống phòng ngự, cho dù đấy chỉ là những hàng phòng thủ cỡ… Paragoay.

2. Sự thất bại của Brazil, Argentina tất yếu cũng kéo theo sự thất bại của hai ông thầy Menezes và Batista - những con người chỉ mới trải qua giải đấu chính thức đầu tiên trên cương vị mới. Cảm giác như trong khi Menezes với triết lý thực dụng đang bóp nghẹt lối chơi samba vốn có của bóng đá Brazil thì Batista theo nhận xét của huyền thoại Maradona lại "không có khả năng tạo cảm hứng thi đấu cho các cầu thủ".

Thông thường, cứ một một giải đấu thất bại là cả Brazil lẫn Argentina đều lập tức thực hiện những cuộc cách mạng trên băng ghế huấn luyện. Nhưng bây giờ, họ liệu có thể cách chức những ông thầy chỉ vừa trải qua giải đấu chính thức đầu tiên hay không? Và cách chức rồi, liệu ai  đủ can đảm ngồi vào cái chỗ hai người để lại lúc này hay không?

Khi những bậc thầy về kĩ thuật, những cái nôi của bóng đá hào hoa như Brazil hay Argentina còn không thể hiện được sự bùng nổ vốn có của mình, thì những đội bóng thường thường bậc trung như Paragoay, Peru hay Venezuela cũng không thể hiện được nó, hẳn là điều tất yếu. Vì lẽ đó mà số bàn thắng trung bình qua các trận đấu ở giải năm nay chỉ ở mức trên một bàn, trong khi con số này ở giải đấu 4 năm về trước là trên 3 bàn.

Chấp nhận phòng ngự kiểu châu Âu, chấp nhận chơi một thứ bóng đá xấu xí, xa lạ với bản ngã ngẫu hứng của bóng đá Nam Mĩ xem ra chưa đủ, các đội bóng dường như còn thi nhau thể hiện những sự xấu xí về phẩm chất chơi bóng, thể hiện ở các pha chặt chém, kéo theo những chiếc thẻ vàng, thẻ đỏ không ngừng gia tăng.

Và "dẫn chứng thuyết phục" nhất chính là màn ẩu đả hệt như trên võ đài giữa cầu thủ, HLV hai đội sau trận bán kết Paragoay - Venezuela. Cuộc ẩu đả mà sau đó, cả hai  đều đã bị nộp những khoản tiền phạt khá lớn, và ông HLV trưởng ĐT Paragoay thậm chí còn bị tước quyền chỉ đạo trong trận chung kết.

3. Khán giả Việt Nam xưa nay vốn chỉ có thói quen "sống hết mình" với EURO hay World Cup. Thế nhưng thực tế là trong những lần hiếm hoi Copa America được truyền hình trực tiếp, giới chuyên môn và các fan hâm mộ Việt Nam cũng đã rất thích thú với những pha bóng hệt như làm xiếc của những "nghệ sĩ" Nam Mĩ. Bên cạnh những pha bóng như thế dĩ nhiên là những cuộc đấu giàu tính cống hiến, hoàn toàn xa lạ với sự toan tính thực dụng của bóng đá châu Âu. Nhưng năm nay, rõ ràng Copa America đã không thể hiện được, nếu không muốn nói thẳng là đã xô đổ chính những điểm nổi trội ấy.

Thế thì kể ra cũng "may" khi các đài truyền hình lớn ở ta năm nay đã không truyền hình trực tiếp giải đấu xuống cấp này?

Có gì để tiếc!?

Thông thường sau một giải đấu tầm cỡ như Copa America, người ta có thể kể ra rất nhiều thứ để tiếc. Nhưng với những gì mà bóng đá Nam Mĩ thể hiện ở giải lần này, xem ra khó có thể tìm một dấu ấn chuyên môn hay một động tác chiến thuật này để tiếc nuối, sau khi mọi thứ đã chính thức khép lại. Nếu cứ buộc phải tìm một thứ để tiếc có lẽ nhiều người tiếc đã không được nhìn thấy cô người mẫu xinh đẹp Larissa Riquelme khỏa thân.

Số là trước trận chung kết, cô người mẫu người Paragoay cam kết sẽ khỏa thân nếu đội nhà vô địch. "Nghiệt" thay ĐT của cô lại thua lấm lưng trắng bụng 0-3, khiến cô mất đi cái cơ hội được "khỏa thân một cách có ý nghĩa" ở chốn đông người. Tiếc cho cô, và tiếc cho cả rất nhiều… cặp mắt đam mê cái đẹp!?

CAND
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới