PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Khi châu Âu sống nhờ dầu mỏ

Thứ hai, 01/08/2011 21:41

Những đầu tư điên cuồng và mạnh mẽ từ các ông chủ mới nổi của các CLB châu Âu đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của TTCN lục địa già. Trên bản đồ “tiêu tiền” của châu Âu, đang nổi lên các CLB của Nga, Thổ Nhĩ Kì, và cả Pháp.

May mắn thay, vẫn còn có những cầu thủ như Gattuso hay Eto’o, những người dũng cảm nói “không” trước những cám dỗ tiền bạc kinh khủng từ những ông chủ người Arab, bởi đối với họ, tiền không phải là lí do duy nhất để họ chơi bóng? Có lẽ thế, hoặc cũng có những lí do khác nữa mà họ chưa muốn nói ra.

Nhưng những ngôi sao khác đã được liên hệ bởi tỉ phú dầu mỏ của nước Nga Suleyman Kerimov, người đứng thứ 36 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, không cưỡng lại được những đồng USD mà ông ta đã đưa ra trước mặt họ. Chỉ trong vòng vài tháng, Kerimov có thể đã biến được Anzhi Makhachkala, hiện đang đứng thứ 5 ở giải VĐQG, thành một quyền lực lớn của bóng đá thế giới. Đội bóng của thủ đô Daghestan ấy đã đưa về Roberto Carlos, 38 tuổi, từng là một huyền thoại ở Real Madrid và đảm bảo được sự phục vụ của anh trong 2 năm với giá 9 triệu USD (6,5 triệu euro). Trong khi đó, Terek Grozny, đội bóng của thủ đô Chesnya, đã choàng lên vai cựu danh thủ người Hà Lan Ruud Gullit chiếc áo HLV của mình, khi anh chấp nhận kí một HĐ làm việc trong 18 tháng với thu nhập sau thuế 7,5 triệu USD. Nhưng cuộc phiêu lưu của Gullit ở Chesnya đã kết thúc nhanh chóng hơn anh nghĩ, sau chỉ 150 ngày làm việc, với 10 trận thua trong 13 trận đã đấu. Nhưng sự ra đi không kèn không trống của Gullit chẳng làm ai ở Grozny cảm thấy tiếc nuối. Với số tiền đầu tư rất lớn từ những chiếc két không đáy (và không ai biết số tiền đó đến từ đâu) của chủ tịch Kadyrov, người ta tin rằng, chẳng mấy chốc Terek sẽ có một vài ngôi sao lớn khác đến từ các nơi trên thế giới là chuyện ngày một ngày hai.

Ông trùm Mansour của Man City- Ảnh Getty

Không nghi ngờ gì nữa, thị trường bóng đá châu Âu và thế giới nói chung đã không còn yên ả những năm qua nữa. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hầu như không ảnh hưởng gì đến các ông chủ mới nổi (như Kerimov) và đã nổi từ lâu nhưng giờ muốn qua bóng đá lăng xê hình ảnh của mình (các ông chủ dầu mỏ ở Qatar và UAE). Đấy không phải là những đầu tư mang tính chất “sớm nắng chiều mưa” hay là theo ý thích ngông cuồng nào đó như những ông chủ Arab trước kia, mà giờ là hoàn toàn tính toán theo cách thực dụng với mục tiêu lợi nhuận, trong một làn sóng thôn tính và đầu tư mạnh mẽ không chỉ trong bóng đá mà còn các môn thể thao khác, như đua xe hay tennis. Quỹ Aabar của Abu Dhabi (UAE) là một ví dụ điển hình, khi quyết định đầu tư từ 5 đến 10% tổng nguồn vốn của họ vào thể thao và cùng với những ông trùm dầu mỏ khác mà nếu không có thể thao thì tên tuổi chắc chắn sẽ bị lu mờ khác của Man City (Mansour), người cũng hiện đang nắm thương hiệu Mercedes Gran Prix, đã tạo ra những cuộc cách mạng lớn trong thể thao thế giới nói chung và bóng đá nói riêng.

Khi châu Âu nói tiếng Arab

Trong khi các ông chủ ở Trung Á thuộc Nga như Kerimov hay Kadyrov đơn thuần coi việc đầu tư vào bóng đá là để làm chính trị và “mua vui” cho Moskva, thì những động thái điên cuồng trước và sau khi Qatar được trao quyền đăng cai World Cup 2022 được coi là những bước chuẩn bị lớn lao cho việc các ông trùm dầu lửa sẽ trở thành những ông trùm bóng đá, theo một quá trình mưa dầm thấm lâu nhằm tạo lập các cơ sở hạ tầng và khả năng tốt nhất cho thể thao ở vùng Vịnh, nhằm dần dần biến chỗ đó thành thiên đường bóng đá trong tương lai: Abu Dhabi đã 2 năm liền đăng cai VCK của giải World Cup dành cho các CLB, trong khi Mansour, một người từ đó đi ra, đang biến Man City thành một thế lực lớn của bóng đá thế giới, với những đầu tư kinh khủng, mà mới nhất là việc đưa Aguero từ Atletico Madrid đến sân City of Manchester.

Thực tế cho thấy, bóng đá châu Âu hiện đại giờ đang nói tiếng Arab, tiếng Nga và cả tiếng Ấn Độ. Những thương vụ thôn tính Malaga, Racing Santander và Getafe cho thấy xu hướng ấy, khi các ông chủ giàu mỏ thích đầu tư vào các CLB nhỏ và dần dần dùng tiền để đưa các đội ấy lên cao. Barcelona giàu có cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của họ, và từ mùa bóng mới, chiếc áo “trinh tiết” với các dòng chữ quảng cáo của họ sẽ mang tên của Qatar Foundation, vừa chuyển trước 16 trong số 166 triệu USD sẽ trả cho đội ĐKVĐ Champions League trong 5 năm. PSG ở Pháp đã sang tay Qatar Sports Investment của tỉ phú Tamin bin Hamad Al Thani, người cũng sở hữu thương hiệu Qatar Foundation nói trên. Sự có mặt của Al Thani ở Paris còn có một ý nghĩa khác: kênh truyền hình nổi tiếng Al Jazeera của ông đang vô cùng thèm khát các HĐ bản quyền truyền hình béo bở ở châu Âu. Với tiền của Al Thani, tân GĐTT Leonardo háo hức với tham vọng biến PSG thành đội bóng hàng đầu nước Pháp. Trong vòng vài ngày, Al Thani đã chi 86 triệu euro (110 triệu USD) để Leonardo rước về những Pastore, Sirigu, Menez, Sissoko, Matuidi và Gameiro. Bravo!

Làn sóng điên cuồng này sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Không ai có thể biết được. Tham vọng kiếm tiền và tạo dựng một thế đứng vững vàng ở châu Âu, trong khi không ngừng biến lãnh địa của mình thành những vương quốc thể thao thực sự sẽ thúc đẩy họ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào bóng đá châu Âu trong thời gian tới. Chưa biết các ông chủ ở Trung Á sẽ đi xa đến đâu và có bền được không, nhưng các ông chủ Qatar và UAE thì vô cùng hào hứng. Được biết, cho World Cup 2022, các ông chủ dầu mỏ Qatar sẽ chi 75 tỉ USD. Thiên đường của bóng đá giờ là ở đó…

Họ đã đầu tư vào đâu?

Bahrain

Bóng đá: tập đoàn Western Gulf Advisory đã mua CLB Racing Santander (Tây Ban Nha) từ tháng 1/2011

Đua xe Công thức 1: tập đoàn Bahrain Mumtalakar đã mua 30% cổ phần của đội đua McLaren từ năm 2007. Bahrain cũng đăng cai giải Công thức 1 năm 2004.

Dubai (UAE)

Bóng đá: nhóm Dubai Royal Emirates đã mua đội Getafe của Tây Ban Nha vào đầu năm 2011. Hiện Dubai đang xin đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020.

Qatar

Bóng đá: Qatar Sports Investment đã mua 70% cổ phần của PSG (Pháp); Qatar Foundation tài trợ áo đấu cho Barcelona từ 2011 đến 2016; một thành viên gia đình Hoàng gia Qatar mua đội Malaga (Tây Ban Nha) vào năm 2010; kênh Al Jazeera mua bản quyền truyền hình bóng đá của giải Ligue 1 và sở hữu bản quyền bán ra nước ngoài của giải này; là nước đăng cai VCK Asian Cup 2011 và World Cup 2012. Hiện Qatar đang xin đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020.

Abu Dhabi (UAE)

Bóng đá: Tỷ phú Mansour mua Man City từ năm 2009; Abu Dhabi đăng cai VCK World Cup dành cho các CLB từ năm 2009; và là nơi đăng cai VCK U-20 thế giới vào năm 2003.

Các môn thể thao khác: đăng cai giải đua ôtô BP Ford Abu Dhabi World Railly từ năm 2003; đăng cai giải Công thức 1 năm 2004 và giải Golf Championship tầm cỡ thế giới từ 2006. Dubai đã đăng cai giải Doha Open cho các cây vợt tennis chuyên nghiệp từ năm 1993; đăng cai giải đua môtô Gran Prix năm 2004, giải đua ôtô vòng quanh Dubai năm 2006.

TT&VH
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới