PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Làn sóng HLV Đức ở Đông Nam Á: Tôn vinh tính kỷ luật

Thứ tư, 22/06/2011 09:54

Tuy chưa chính thức nhưng có đến 99%, ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Thái Lan sẽ là một người Đức, ông Winfried Schaefer.

HLV Falko Goetz

Người Đức trở lại Có một sự trùng hợp đến lạ kỳ khi mà chỉ mới cách đây 2 tuần, bóng đá Việt Nam vừa có một tân HLV trưởng người Đức - Falko Goetz, thì nay, đến lượt bóng đá Thái Lan cũng mời một người Đức khác. Còn trước đó nữa, thì bóng đá Philippines cũng đã có một HLV người Đức - ông Micheal Weiss, sau khi chia tay HLV người Anh- Simon McMenemy. Một làn sóng HLV Đức đang ào ạt đến với bóng đá Đông Nam Á. Thực chất, bóng đá Đức khá gần gũi với bóng đá Đông Nam Á khi điểm lại trong quá khứ, cả Thái Lan, Việt Nam, Philippines hay Indonesia đều đã từng có HLV Đức dẫn dắt. Thái Lan có Peter Schnittger, Werner Bickehaupt, Peter Stubbe, Dettmar Gramer và Siegfried Held. Philippines có Eckhard Krautzun. Việt Nam có Karl Heinz Weigang. Indonesia có Berad Fischer, Bernard Schumm....Thế nhưng, hầu hết đều chỉ trụ lại trong một thời gian ngắn. Và giờ đây, khi mà thời của HLV Anh, Brazil, Bồ Đào Nha... đã qua đi thì đến lượt những người Đức quay trở lại. Riêng bóng đá Philippines còn có cả một chiến dịch “Đức hóa đội tuyển” khi không chỉ HLV là người Đức mà còn có cả những cầu thủ Đức gốc Phi cũng được gọi về khoác áo đội tuyển. Trong chuyến tập huấn tại Đức vừa qua, đã có ít nhất 3 cầu thủ được chấm và sẽ sớm hoàn tất thủ tục gia nhập đội tuyển là Stephan Schrock, Oliver Poetschke và Manuel Ott. “Họ không còn là cỗ xe tăng” Đi tìm hiểu vấn đề này, Thể Thao ghi nhận ý kiến của chuyên gia bóng đá Trần Duy Long, một HLV từng tiếp xúc nhiều với bóng đá Đức. Ông lý giải: “Tinh thần tập thể người Đức rất cao, trong đó thể hiện rõ tính kỷ luật đấu pháp và nó xuyên suốt. Bởi điều này còn là tâm lý cơ bản của người Đức khi người dân bình thường cũng đã sống rất kỷ luật. Do đó trong thể thao và bóng đá đỉnh cao của thế giới, người ta thường hay nói là “Ý chí Đức, tinh thần Đức”. Đối với bóng đá Đông Nam Á, trình độ không cao nhưng thích chơi ngẫu hứng và vì trình độ thấp nên thành ra không hiệu quả. Nếu khuynh hướng Đức này mà chúng ta học tập một cách triệt để, không phải nửa chừng 1,2 năm rồi lại bỏ, chúng ta thấm nhuần được cái tính kỷ luật đấu pháp của người Đức, khao khát chiến thắng, thì bóng đá Đông Nam Á với thái độ tôn trọng bóng đá Đức thì sẽ học tập được rất nhiều”. “Đấy là vấn đề tâm lý nhưng bên cạnh, chúng ta phải nhìn vào bóng đá Đức trong khoảng thời điểm World Cup 2006 đến World Cup 2010 vừa qua, rồi Euro 2008, thì bóng đá Đức thành tích rất ổn định. Có thể nói, cầu thủ Đức giờ chơi rất kỹ thuật, đừng gọi họ là “cỗ xe tăng” nữa, khi mà trình độ cá nhân của họ rất cao. Trường phái bóng đá Đức giờ đây chơi kỹ thuật cao, không còn như 20, 30 năm trước. Bóng đá Đức giờ luôn luôn chơi tốc độ cao trong chiến thuật và tính hiệu quả, không biểu diễn, bay bướm. Qua đó, chúng ta thấy được rằng, hệ thống huấn luyện của họ thuộc về trường phái rồi, nên nếu chúng ta học một cách chăm chỉ, học thật tình và có quỹ thời gian thì sẽ cho bóng đá Việt Nam một kết quả rất tốt”. “Tôi từng có dịp làm việc với HLV người Đức - K.H. Weigang, cũng như nhiều năm đưa đội tuyển đi thi đấu từ thời Cộng hòa dân chủ Đức cho đến Cộng hòa Liên bang Đức nên tôi đặc biệt lưu ý và cực kỳ thích tinh thần của họ kỷ luật rất cao. Giờ thì Thái Lan, chúng ta và Philippines cùng có HLV Đức, thì trên cơ sở như thế, trường phái bóng đá Đức sẽ phát triển và có tiếng nói ở khu vực”.

TTTPHCM