PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Lăng kính bóng đá: Cốc nước nửa đầy nửa vơi

Thứ bảy, 14/05/2011 08:29

Chức vô địch của Barca, 2 chức vô địch của đội tuyển Tây Ban Nha, chỉ là lớp vỏ đẹp cho một sự thiếu chất. Cốc nước thật ra mới đầy một phần hai mươi.

1. Người phương Tây có một câu hỏi trắc nghiệm tâm lý nổi tiếng mang tên “Half empty of half full?” - “Vơi một nửa hay đầy một nửa?”. Có một cốc nước mà nước chỉ dâng đến nửa cốc, và câu hỏi ấy sẽ được đem hỏi đối tượng. Nếu người trả lời tin rằng cốc nước ấy là “đầy một nửa”, đó là dấu hiệu của sự lạc quan. Ngược lại, nếu họ tin rằng cốc nước đang “vơi một nửa”, trong họ đang có những tín hiệu của sự bi quan.

 

Nhân tố quan trọng nhất đã làm nên thành công của Barcelona chính là lò đào tạo La Masia

Câu hỏi trong ngày Barcelona vô địch La Liga cũng sẽ là “vơi nửa hay đầy nửa”. Bởi bản thân Barca thì có thể tạm coi (chỉ tạm thôi) là hoàn hảo. Nhưng trong bối cảnh chung của cả giải đấu, hay rộng hơn là với bóng đá Tây Ban Nha, cốc nước chắc chắn không đầy tràn. Những chiến tích diệu kỳ chỉ do một tập thể bé nhỏ tạo ra, phần còn lại chất chứa những vấn đề.

Chi tiết quan trọng nhất đã làm nên thành công của Barcelona, ai cũng hiểu, không phải là óc chiến thuật của Pep hay những thương vụ tiền tấn, mà là lò đào tạo của CLB này, nơi đã sản sinh ra thế hệ vàng bất khả chiến bại gồm những Pedro, Messi, Iniesta, Busquest, Puyol… Nói cách khác, chính cái lò La Masia đã đánh bại La Liga, chứ không phải Barca.

Và khi mà sức mạnh của cả một nền bóng đá tập trung phần lớn ở một cái lò đào tạo, thì kể cả khi nó hoạt động với hiệu suất siêu tưởng, cốc nước đầy một nửa hay vơi một nửa?

2. Trong phim tài liệu “Waiting for Superman” (Đợi chờ Siêu nhân), bộ phim đoạt giải của Hiệp hội phê bình phim Bắc Mỹ năm nay, đạo diễn Davis Guggenheim chỉ ra một thực tế vô lý: nước Mỹ vẫn đang sở hữu những mô hình đào tạo tốt nhất thế giới, nhưng đến lúc được hỏi về tương lai của tri thức Mỹ, tỷ phú Bill Gates cũng phải băn khoăn “rồi sẽ đi về đâu trong 20 năm nữa?”.

Vấn đề của nước Mỹ là những mô hình xuất sắc chỉ được áp dụng ở một số trường, đến lúc muốn nhân rộng ra thì vấp phải… cơ chế. Không có một sự đồng nhất nào giữa các bang, giữa các trường, giữa các nhà quản lý. Kết cục là chính những trường xuất sắc ấy lại là minh chứng rõ ràng nhất cho nền đào tạo yếu kém. Mỗi năm, họ phải tổ chức cả quay xổ số để chọn học sinh may mắn được vào trường.

Chuyện ở Tây Ban Nha bây giờ cũng có dáng dấp của “Đợi chờ Siêu nhân”, nghĩa là cái lò La Masia xuất sắc thật, nhưng chính chức vô địch của Barca lại làm bật lên sự tương phản giữa cái xuất sắc ấy và phần còn lại. Chính chức vô địch ấy, nói rằng nền đào tạo trẻ của Tây Ban Nha, thứ mà người ta tưởng là đã làm nên EURO và World Cup, thật ra lệch lạc chứ chẳng toàn mỹ gì.

3. Người Pháp đào tạo trẻ tập trung ở trung tâm Clairefontaine nổi tiếng. Sức mạnh đào tạo của người Đức và người Hà Lan dàn trải rất đều ở cấp CLB. Còn Tây Ban Nha, họ cũng có một trung tâm đào tạo trẻ quốc gia đấy, gọi hẳn nó là La Ciudad del Futbol (Thành phố bóng đá), nhưng hoạt động chẳng ra sao rồi cuối cùng cả nền bóng đá lại trở thành La Masia+.

Không có siêu nhân nào cứu vãn, và ngay cả La Masia rồi cũng sẽ có lúc không thể hoạt động được với hiệu suất như bây giờ nữa. Người Tây Ban Nha vẫn cần một chiến lược quốc gia theo kiểu Đức hay Pháp. Chức vô địch của Barca, 2 chức vô địch của đội tuyển Tây Ban Nha, chỉ là lớp vỏ đẹp cho một sự thiếu chất. Trong ngày Barca đăng quang, cũng nên bi quan một chút: có một cốc nước thật ra đang đầy có một phần hai mươi.

BongdaPlus