PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Môi giới cầu thủ ở Việt Nam: Nghề nguy hiểm

Thứ sáu, 13/05/2011 10:28

Chị Nguyễn Xuân Mưa là một gương mặt kỳ cựu của Strata, công ty đã có thâm niên hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thể thao tại Việt Nam.

Torres về đây cũng thế thôi Chị Mưa mở đầu phần trao đổi cùng PV với việc chia sẻ thông tin chỉ trong vòng một tháng qua, Cty Strata đã đưa ra thị trường phía Bắc không dưới 20 cầu thủ người nước ngoài. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa một ai trong số họ đạt được hợp đồng với các CLB, thậm chí phần lớn đã phải xách vali về nước. Nếu biết rằng vé máy bay cho một cầu thủ châu Âu hoặc Nam Mỹ sang thử việc tại Việt Nam dao động khoảng 3000 USD, chưa kể các chi phí phát sinh trong quá trình xin visa, ăn ở tại Việt Nam, ngay cả khi có sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài thì chắc chắn là thời gian vừa qua, Cty Strata của chị Mưa đã và đang bị thâm vào vốn. Lý do các cầu thủ bị “out” thì nhiều! Chẳng hạn, chất lượng của các đội bóng VN trong những năm qua đã tiến bộ khá nhiều và sau khi đã “ăn no” ngoại binh, có một thực tế là họ muốn “ăn ngon” hơn. Nếu các nhà môi giới không ý thức rõ về điều này mà vẫn cố đấm ăn xôi bằng những “món hàng” kém chất lượng thì không có gì ngạc nhiên nếu cầu thủ của họ bị loại ngay từ vòng gửi xe. Nhưng ngay cả khi các nhà môi giới đã làm rất tốt khâu sơ tuyển ban đầu bằng cách lọc ra trong hàng trăm bộ hồ sơ chỉ để lấy một số ít những bản CV rất đẹp thì khả năng thành công của họ vẫn chỉ là 50/50. Chị Mưa than thở về những khó khăn trong công việc của mình: “Hầu hết các đội bóng chỉ cho thử việc vài ngày. Như vậy làm sao để cầu thủ thể hiện hết khả năng. Khâu tuyển chọn cầu thủ của mình dễ thì rất dễ nhưng khó thì còn hơn cả giải ngoại hạng Anh”.

Ngoại binh luôn là yếu tố có tính chất sống còn với sự thành bại của các CLB ở V-League

Để cho câu chuyện thêm tính thuyết phục, chị Mưa phân tích 2 ví dụ là CLB Chelsea mua tiền đạo Shevchenko hồi năm 2006 và cách đây chưa lâu, tiếp tục mang về Torres. Hai cái tên vừa nhắc rõ ràng là những cầu thủ đẳng cấp hàng đầu thế giới nhưng một người đã thất bại thảm hại, còn một người bây giờ vẫn chưa chứng tỏ được nhiều. Vấn đề có lẽ nằm ở sự thích nghi của họ đối với môi trường mới. Sau khi phân tích ví dụ kể trên, nhà môi giới duy nhất người Việt Nam có chứng chỉ FIFA kết luận: “Trong kinh doanh, chúng tôi luôn muốn giữ uy tín bằng cách mang đến cho các đội bóng những cầu thủ tốt nhất có thể. Nhưng với thực tế khắc nghiệt của bóng đá VN như thế này, có lẽ mang Torres về đây thì cũng thất bại thôi”. Nhưng khó khăn lớn nhất nằm ở “cửa hậu” Tuy vậy, tất cả những khó khăn vừa nhắc ở trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Không một chút ngần ngại, chị Mưa bộc bạch cùng PV: “Chứng chỉ môi giới của FIFA mang đến cho tôi một vài thuận lợi trong công việc nhưng mặt trái của nó là rất nhiều khó khăn vì chúng tôi không thể đi đường ngang, ngõ tắt giống như những người hành nghề môi giới chui”. Đối với đại đa số các nhà môi giới, con đường để đi tới việc ký kết hợp đồng cho cầu thủ của mình không bao giờ là bằng phẳng và ngắn gọn. Đôi khi sự thành công về chuyên môn không phải là yếu tố mang ý nghĩa quyết định, cần có cả những thủ thuật, những “cái bắt tay” từ phía hậu trường mà chỉ người trong cuộc mới nắm rõ chi tiết. Mặt khác, không phải không có những sự chèn ép, thậm chí là dằn mặt giữa các nguồn cung theo kiểu ma cũ bắt nạt ma mới... Mỗi kỳ chuyển nhượng của các CLB bóng đá VN là mỗi lần người ta lại thấy một số lượng đông đảo các nhà môi giới cùng các cầu thủ đổ về mảnh đất hình chữ S đông như trảy hội. Nhưng rồi hầu như tất cả lại ra đi không kèn không trống. Điều đó phản ánh tính chất khắc nghiệt của cuộc chơi và chắc chắn sẽ không có chỗ cho những kẻ “non” tay nghề, bởi nguy cơ thua lỗ, phá sản là một sự thật hiển hiện, khi tỷ lệ thành công, theo chia sẻ của người trong cuộc, chưa vượt quá mức 10%.

TTVH Online