PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

“Mourinho cũng thế cả thôi”

Thứ tư, 16/03/2011 08:43

Một câu nói thường xuyên xuất hiện: Bóng đá Việt Nam có Mourinho cũng thế cả thôi! Có thực là Mourinho cũng bó tay nếu ông ta tới và trở thành HLV đội tuyển Việt Nam?

Trước khi ông Calisto cùng với các cầu thủ mang về chiếc cúp vàng Đông Nam Á năm 2008 thì nhiều người đã nói câu đó. Không hoàn toàn là một sự ngoa ngôn, cường điệu hóa để làm bật lên rằng những HLV chúng ta đã từng có là giỏi, là xuất sắc nhất trong khả năng có thể. Nó giống như một sự khẳng định chắc nịch, là bản chất của bóng đá Việt Nam và đội tuyển Việt Nam là vẫn chưa đủ trình độ để đạt tới những đỉnh vinh quang.

Chính ông Calisto đã chứng minh được rằng tiềm lực của bóng đá Việt Nam chưa cần phải thuê Mourinho cũng thỏa mãn được giấc mơ khu vực. Vấn đề là phương pháp và may mắn có đến một cách đồng thời hay không.

Thế thì có nên lặp lại câu nói nếu Ferguson hay Mourinho tới Việt Nam, chúng ta cũng không thể vô địch SEA Games, trong khi chúng ta biết rằng thất bại ở nhiều trận chung kết của sân chơi này, hay bóng đá Việt Nam chưa thể ra khỏi tầm mức ao làng là vì cách làm chứ không phải trình độ cầu thủ?

Chỉ có một khía cạnh chấp nhận được ở câu nói này, cho thấy tính trách nhiệm của những người phát ngôn, là trong việc xây dựng và phát triển một đội tuyển, còn có vai trò của liên đoàn trong việc xây dựng hệ thống thi đấu, bớt những giải giao hữu kiếm tiền mà tổ chức các trận cọ xát thực sự, hoặc phát triển đội ngũ HLV làm trợ lý... liên đoàn chưa thay đổi, một mình HLV cũng chỉ giống Don Quixote đứng trước những chiếc cối xay gió.

Bóng đá Việt Nam chưa cần đến những tài năng như Jose Mourinho. Ảnh: Reuters

Có một câu nói khác cũng day dứt và cũng thiếu trách nhiệm: Tám mươi triệu người hâm mộ. Ở đây, không bàn tới việc ai đó chậm chạp cập nhật thông tin khi mà dân số Việt Nam đã gần chạm con số 90 triệu người. Điều cốt lõi là sự quy chụp rằng cả nước yêu bóng đá và cả nước cùng đứng sau đội tuyển, trong khi cuộc sống vẫn vận động, người yêu thể thao vẫn cứ chơi những môn họ thích chứ không phải bóng đá trong khi đội tuyển chiến thắng hoặc thất bại.

Sự duy ý chí này mới chính là những thứ áp lực không đáng có dồn lên vai đội tuyển trong những thời điểm quyết định, hoặc thổi cả một tập thể bay vút lên mây chỉ sau một chiến thắng giao hữu vô nghĩa về mặt chuyên môn, hoặc làm một tấm lá chắn cho ai đó ở thời điểm khó khăn nhạy cảm.

Ở góc độ tương tự, chọn HLV là công việc của tập thể, nhưng chịu trách nhiệm là cá nhân. Thử hỏi, ở liên đoàn hiện nay, có ai đủ khả năng để đơn phương ra một quyết định rồi dũng cảm chịu trách nhiệm quyết định đó? Hình như không. Những nhân vật giỏi chuyên môn ở khóa VI thật hiếm dù mảng nào có vẻ cũng đầy đủ ban bệ. Liệu có thể có cao kiến nào từ “tám mươi triệu người hâm mộ” cho giải pháp HLV trưởng không?

Nói về sức ép, giờ lại có một quan điểm nghe có vẻ trách nhiệm là để các cầu thủ không phải chịu sức ép, thì tốt nhất là chẳng giao cho họ nhiệm vụ gì ở các giải đấu sắp tới, cụ thể với SEA Games là không bắt buộc phải vô địch.

Thật khó tin là trong bóng đá và thể thao lại không có đội bóng nào không biết chịu sức ép mà vẫn thỏa khát vọng. Sức ép là đương nhiên và lối thoát duy nhất để có thần kinh thép là sự tôi luyện.

Thế nên, chuyện đặt hay không chỉ tiêu vô địch SEA Games e rằng chỉ là làm sao để “tám mươi triệu người hâm mộ” không coi nó là thất bại và những người có trách nhiệm không phải đương đầu với sức ép hay sự nổi giận nào đó.

Bóng đá là môn thể thao tạo ra rất nhiều cảm xúc, nhưng tiếc là nó không phải là cuộc chơi của những ước lượng. Mà ta phải định lượng một cách rõ ràng vai trò của VFF và HLV.

Thể thao & Văn hóa Online
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới