“Đừng nấu ăn khi trận đấu đang diễn ra…” Người ta phải làm gì trong cái thành phố ầm ỹ và lộn xộn ấy, nếu trận Napoli-Lazio diễn ra vào một buổi trưa chủ nhật bắt đầu nóng nực, lúc không khí calcio cuối mùa đang dâng lên từng phút giây và một tuần chờ đợi cho trận đấu tiếp theo dường như trở nên quá sức với tất cả? Câu trả lời ở Napoli rất đơn giản: đừng nấu pasta hay bất cứ thứ gì khác vào giờ diễn ra trận đấu, bởi việc để tâm quá sức đến chuyện bóng bánh có thể làm hỏng bữa trưa của cả một gia đình; cũng đừng ăn khi trận đấu đang diễn ra, kẻo nghẹn. Bữa ăn sẽ diễn ra sau trận đấu, với pasta, pizza, và rất nhiều bia, nếu thắng….Và đừng ăn khi Napoli đang đá là đúng. Chỉ trái tim (và dạ dày) của những người Napoli mới có thể chịu đựng nổi một trận đấu kinh khủng ở San Paolo với Lazio như thế: bị dẫn trước 0-2 sau một tiếng thi đấu, gỡ lại 2 đều trong vòng 2 phút, Napoli lại thua thêm bàn nữa, để rồi Cavani như thiên thần giáng thế ghi 2 bàn trong những phút cuối cùng. Napoli thắng Lazio 4-3. Mùa bóng vẫn còn dài lắm. Những khó khăn vẫn đang phía trước. Nhưng Milan chỉ còn cách 3 điểm, và Scudetto không còn là một từ cấm kị ở thành phố biển này nữa. Scudetto không còn là một giấc mơ không thể nào với tới được, khi một suất dự Champions mùa tới đã ở trong túi và San Paolo là động lực lớn lao để thúc đẩy Napoli vươn đến những đỉnh cao.
|
Napoli chưa bao giờ gần Scudetto đến thế kể từ năm 1990- Ảnh Getty |
Napoli chưa bao giờ gần Scudetto đến thế kể từ năm 1990. Mùa bóng ấy, cũng khi giải chỉ còn 7 vòng, họ cũng đứng sau Milan (hồi đó kém 2 điểm, cũng là số điểm của một trận thắng như bây giờ), và rồi lịch sử kể lại câu chuyện của nó: ở vòng 31, một đồng xu ném trúng đầu Alemao ở Bergamo đã giúp Napoli thắng Atalanta 2-0 nhờ quyết định kỉ luật của FIGC; ở vòng 33, Milan tan nát trên sân Verona, lúc đó đã xuống hạng B (thua 1-2) và ở vòng 34, Napoli đăng quang nhờ bàn thắng duy nhất của Baroni vào lưới Lazio. Bây giờ, trước cái miếu thờ Maradona ở khu Spaccanapoli, các tifosi bắt đầu cầu nguyện. Họ cầu cho một tai nạn nào đó sẽ xảy ra với Milan, cầu cho nỗi ám ảnh Verona tái hiện trong hình hài của Brescia ở 4 vòng tới và Cavani, trong mùa bóng đẹp nhất của mình trên đất Ý, vừa làm bố của chú bé Bautista, vừa là ngôi sao chói sáng trong lòng các tifosi, sẽ được thánh Gennaro phù hộ trên đôi chân. Giờ thì người ta yêu Cavani như đã từng yêu Maradona hay Lavezzi. Một băng rôn phấp phới trên khán đài ngay từ đầu trận, dường như đã tiên đoán được việc Cavani sẽ hoàn tất cú hattrick thứ 4 của mình mùa này: “Mẹ ơi khi Cavani ghi bàn thứ 3, mẹ hãy làm cho con đĩa pasta” (!). Hơn 200 tifosi đã đứng hò hét cả chiều dưới ban công nhà anh ở Lucrino, ngoại ô Napoli. Cả khu phố treo cờ Napoli. Phố San Gregoria di Armeno bán đầy những tượng thạch cao Cavani. Có món pasta mang tên Cavani mới ra đời. Cả pizza Scudetto nữa. Như ở một thế giới khác Napoli của “những người nghèo, nhưng đẹp”, có sức mạnh mà cả Milan lẫn Inter, những đội bóng nhà giàu, sống trong một thành phố giàu sang và hầu như chẳng thiếu thứ gì: sức mạnh của giấc mơ. Milan đã xa Scudetto 7 năm, nhưng họ cũng đã 17 lần đăng quang trong lịch sử. Inter đã 5 năm liên tiếp là nhà vô địch nước Ý. Quảng trường Duomo của Milano trong những năm qua đã in mòn dấu chân tifosi những ngày ăn mừng lên đỉnh vinh quang ở Italia, châu Âu và thế giới. Napoli khác, rất khác, Napoli luôn thấy mình như một thực thể tách xa khỏi cái thế giới kim tiền ấy. Napoli là một thế giới riêng biệt, và nếu có may mắn được bước trong những khu phố hẹp gập ghềnh dài cả cây số với những dây phơi quần áo vắt ngang lòng thòng như dây điện, bạn sẽ hiểu tại sao nó khác thế. Napoli như một đô thị của thế giới thứ 3 nhưng nỗi đam mê sống ở đó lớn hơn nhiều những cơn điên rồ vì chiến thắng ở những nơi như Milano cộng lại. Ở Napoli, nỗi đam mê không phải vì chiến thắng quá nhiều đã biến họ thành những người như vậy, mà vì nỗi khắc khoải chờ đợi chiến thắng bao năm. Quảng trường Fuorigrotta gần San Paolo hoài nhớ những ngày hè rực lửa Scudetto với Maradona đã 21 năm rồi. 21 năm là một thế hệ khát khao mong chờ. Trong 21 năm ấy, người ta yêu nhau, bỏ nhau, hạnh phúc, buồn đau, lớn lên và già đi, thậm chí chết ngay trên vỉa hè trong những cuộc đấu súng của camorra, nhưng tình yêu với màu áo xanh của Napoli chưa bao giờ phai nhạt. Tôi chưa đến Fuorigrotta và cũng không rõ tại sao ở ngôi đền bóng đá cho Napoli ấy, Hamsik đã từng bị một tifoso cướp tiền khi đỗ xe ở một đèn đỏ ngay đó, nhưng tôi cảm nhận được khu đất ấy sẽ rung lên như có động đất thế nào khi hàng vạn tifosi Napoli nhảy nhót ăn mừng chiến thắng trên các khán đài của San Paolo. Người ta bảo, Fuorigrotta là nơi đáng yêu nhất của thành phố. Nó không có vẻ đẹp của khu Posilipo, nơi bạn có thể dựa vào những ban công sắt đầy hoa chĩa ra biển để ngắm một vòng cung vịnh Napoli với núi lửa Vesuvio xa xa; không cổ kính và lãng mạn như khu trung tâm với những quán cà phê trên hè phố, nhưng ở Fuorigrotta, bạn có thể hiểu về Napoli rõ nhất. Không chỉ về bóng đá, mà về âm nhạc! Đúng là âm nhạc, như trong buổi trưa mà Napoli hạ Lazio, hàng vạn tifosi ca lên bằng thổ ngữ Napoli câu “Oj vita, oj vita mia” của bản “O’ surdato nnamurato” (Người lính đang yêu), một trong những bản ballad hay nhất trong lịch sử âm nhạc Ý và được các tifosi coi như “thánh ca” của đội. Họ đã hát bản này 24 năm trước, khi Maradona đưa đến cho họ Scudetto đầu tiên trong lịch sử. Họ cũng hát nó một chiều tháng 5/1990, cho Scudetto thứ 2. Bây giờ, ở Napoli, người ta hát những bài hay nhất, người ta chăm thay hoa ở những bàn thờ Đức mẹ và thánh bảo trợ Gennaro, các tín hữu của cả Thiên chúa lẫn calcio đến đông nghẹt lễ cầu kinh sáng ở các nhà thờ Napoli hôm chủ nhật rồi. Họ nguyện cầu Scudetto. Phục sinh sắp đến rồi. Những giấc mơ Scudetto của Napoli đang sống dậy, sau gần 1/4 thế kỉ. Liệu Chúa có nghe thấy những lời nguyện cầu từ Napoli, cái nơi đã sinh ra mozzarrella, pizza và những bài hát đầy hoa tình, với những câu kiểu như “mặt em tròn như pizza, ngực em tròn như pizza”…