Chỉ Guidolin, Colomba & Allegri tại vị
Cho tới lúc này, chỉ có 3 HLV sẽ chắc chắn tại vị cho tới mùa giải sau, là Allegri (đương nhiên, vì ông vừa đoạt Scudetto cùng Milan), Colomba (giúp Parma trụ hạng trong thế nguy ngập) và Guidolin (thăng hoa cùng Udinese). Còn lại, người thì bị CLB ruồng rẫy, kẻ lại muốn ra đi để tìm kiếm thử thách mới. Nếu tính từ đầu mùa giải 2009/10, thì không còn lại HLV nào tại vị cho tới cuối mùa giải này.
Cho dù là ở trường hợp nào, thì rõ ràng cách làm việc của BLĐ các đội bóng đúng là cần xem xét lại. Có thể lấy đội bóng tiêu biểu là Juve, xưa nay luôn là CLB kiên nhẫn nhất với các HLV ở Serie A, nhưng cũng đã thay đổi băng ghế chỉ đạo đến 7 lần kể từ sau Calciopoli, trong đó có 3 lần khi mùa giải đang diễn ra (Deschamps, Ranieri và Ferrara).
Leonardo đã thất bại khi dẫn dắt Inter
Juve chính là trường hợp tiêu biểu của phần lớn các CLB ở Serie A, khi bổ nhiệm HLV khá tùy tiện, chứ không có định hướng phát triển rõ ràng. Một ví dụ khác là Palermo, nhưng những thay đổi chóng mặt ở đội bóng này chủ yếu bởi tính cách bốc đồng của chủ tịch Zamparini, người có thể sa thải và tái bổ nhiệm HLV chỉ trong vòng 1 tháng.
Chính việc phải đối mặt với những thay đổi liên tục trên băng ghế chỉ đạo đã khiến các đội bóng không đi đúng quy trình phát triển do một người vạch ra. Kế hoạch xây dựng đội bóng luôn luôn bị xáo trộn bởi kẻ mới đến bao giờ cũng muốn xác lập dấu ấn riêng, không mấy khi đi theo con đường người tiền nhiệm đã chọn.
Hãy nhìn trường hợp của Inter, Benitez và Leonardo đã không thể phát huy được những gì Mourinho để lại, biến cỗ máy chiến thắng mùa trước trở thành một đội bóng vô cùng thất thường, giờ chỉ còn biết bấu víu vào Coppa Italia để tránh mùa bóng trắng tay.
Không còn những thời kỳ hoàng kim dài lâu gắn liền với 1 HLV như Sacchi, Capello, Ancelotti (Milan) hay Lippi (Juve), thay vào đó là sự thay đổi xoành xoạch, không khỏi khiến CĐV của mỗi đội bóng cảm thấy bất an trước mỗi mùa giải. Việc thiếu định hướng phát triển là tình trạng chung của nhiều CLB Italia hiện nay, dẫn đến việc đại diện Serie A thường gặp khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ từ quốc gia khác ở cúp châu Âu.
Trong 8 năm qua, Milan và Inter đã 3 lần đứng trên đỉnh cao nhất của bóng đá Lục địa già, nhưng những chiến quả đó đến chủ yếu từ nỗ lực riêng lẻ của họ, chứ không thể hiện được sức mạnh của cả nền bóng đá. Tới khi nào cách nghĩ và cách làm của các CLB hiện nay thay đổi, lúc đó mới có thể mơ về ngày Italia làm mưa làm gió ở đấu trường châu Âu như 20 năm trước.