Cách đây chưa lâu, VN đã được Ngân hàng Thế giới (WB) xác nhận đã đủ điều kiện để tiếp cận nguồn tài chính của WB cho các nước có thu nhập trung bình, chỉ dấu cho thấy VN từ giờ đã không còn là quốc gia nằm trong nhóm đói nghèo chậm phát triển. Tuy nhiên, VN vẫn còn một khoảng cách khá xa so với những nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực và châu lục như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Thế nhưng, ở VN lại có những mặt hàng tuy không phải là xa xỉ phẩm, nhưng lại có mức giá trên trời, đắt hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại ở các nước láng giềng như ôtô, xe máy và thậm chí cả là giá nhà đất. Và bóng đá, với tư cách là một phần của đời sống xã hội, cũng không phải là ngoại lệ.
Chất lượng chuyên môn của V-League còn xa mới là số 1 ở khu vực ĐNA
Sau hơn 20 năm hội nhập với sân chơi quốc tế, bóng đá VN ở cấp ĐTQG mới chỉ có duy nhất một lần lên đỉnh Đông Nam Á vào năm 2008, và cũng mới chỉ có duy nhất một CLB là B.BD lọt vào tới bán kết một giải đấu cấp độ châu lục là AFC Cup vào năm 2009, nhưng xét về độ tiêu tiền thì dường như bóng đá VN đang không có đối thủ ở Đông Nam Á, cho dù chất lượng chuyên môn của V-League còn xa mới có thể coi là số một khu vực. Có phải là nghịch lý không, khi Singapore, với tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2010 vào khoảng 219,1 tỷ USD, hơn gấp đôi so với VN (GDP năm 2010 là khoảng 1.951,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 102,2 tỷ USD), lại chỉ sở hữu nền bóng đá có mức thu nhập dành cho cầu thủ không phải là cao nhất khu vực Đông Nam Á. Rất nhiều tuyển thủ quốc gia Singapore, chẳng hạn như Aleksandar Duric, đều thừa nhận rằng chế độ đãi ngộ của V-League tốt hơn rất nhiều so với S-League, và giải VĐQG Singapore hiện tại chỉ xếp hàng thứ 3 thứ 4 ở Đông Nam Á nếu xét về khía cạnh tài chính. Bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi các ngoại binh và giới cò cầu thủ đều coi V-League như là con gà đẻ trứng vàng để họ triệt để khai thác, từ một “ông Tây” trình độ chơi bóng dù chỉ ở hạng phong trào và chỉ có ưu thế về thể hình thể lực, hay một gã “cò” cầu thủ tay mơ, tất cả đều đổ xô đến VN để tìm kiếm cơ hội làm giàu và đổi đời. Nghề “cò” ở bóng đá VN dễ kiếm tiền như thế nên ngay cả các ngoại binh, gồm những người đang hoặc không còn chơi bóng, cũng đều tranh thủ làm môi giới để kiếm thêm. Rõ ràng đây không phải là những cơ sở vững bền cho sự phát triển của bóng đá VN, bởi với cái nền móng được xây dựng chủ yếu bằng các khoản tiền khổng lồ (nhưng không được công khai nguồn gốc) như hiện tại, không biết V-League và giải hạng Nhất sẽ ra sao nếu một lúc đó các ông bầu đột nhiên không còn hứng thú với bóng đá và rút vốn sang đầu tư ở lĩnh vực khác, giống như chuyện xảy ra ở thị trường chứng khoán vài ba năm nay?