Từng bước chân của họ đều được người hâm mộ túc cầu dõi theo với sự kì vọng lớn lao. Tuy nhiên, việc nổi tiếng quá sớm dường như là con dao hai lưỡi, nó có thể tạo nên những tượng đài nhưng cũng đã từng bóp chết tài năng của rất nhiều “thần đồng” sáng giá của bóng đá thế giới.
Đứng đầu trong danh sách “sao xẹt” này có lẽ phải kể đến Freddy Adu. Sinh năm 1989, cầu thủ Mỹ gốc Ghana này từng làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Thậm chí, anh còn được nhiều người kì vọng sẽ trở thành một Pele mới không chỉ bởi có nước da đen giống huyền thoại người Brazil mà còn vì tài năng sớm được “nảy nở” của mình. 12 tuổi, các CLB hàng đầu của Serie A đã xếp hang dài để tranh nhau chữ kí của Adu. 14 tuổi, anh được DC United, một đội bóng thuộc giải nhà nghề Mỹ MLS kí hợp đồng chuyên nghiệp. Ở tuổi 15, anh trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại MLS với cú sút tung lưới MetroStars. Sự nghiệp của Freddy Adu cứ thế mà thăng tiến tới tốc độ chóng mặt. Năm 2007, anh rời Mỹ để cập bến Benfica ở tuối 18, mang theo rất nhiều sự kì vọng của bóng đá Mỹ cũng như làng bóng đá thế giới nói chung.
|
Hình ảnh ăn mừng chiến thắng của Adu đã rất lâu không còn được tái hiện. Ảnh: Internet. |
Tuy nhiên, ánh hào quang mà giới báo chí đã vẽ ra cho Adu dần giết chết tài năng của thần đồng này. Sự nổi tiếng, lối sống xa hoa và những suy nghĩ ảo tưởng đã khiến cho sự nghiệp của anh tụt dốc không phanh. Từ Benfica, anh trội dạt tới AS Monaco, Belenenses, Aris và hiện tại là Caykur Rizespor, một đội bóng làng nhàng ở giải hạng hai Thổ Nhĩ Kì. Ở tuổi 21, nhiều bạn đồng trang lứa của Adu như Walcott, Gareth Bale… đang có những sự thăng tiến chóng mặt trong sự nghiệp của mình, nhưng đáng buồn thay, tuổi 21 của chàng “Pele mới” tài năng ngày nào lại mang một sắc thái ảm đạm của một cầu thủ đã qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp và đang tính tới chuyện… giải nghệ.
Ngược dòng thời gian trở về giai đoạn đầu thập niên 90, chúng ta không thể không nhắc đến một “thần đồng” khác của bóng đá Italia, Stefano Fiore. Nổi lên trong màu áo của Udinese năm 1999, tiền vệ sinh ra ở Cosenza này được biết đến với nhãn quan chiến thuật tinh tế, óc sáng tạo sắc bén và những đường chọc khe chính xác đến từng centimet. Không những thế, khả năng thu hồi bóng và làm chủ khu trung tuyến giúp anh trở thành một phần không thể thiếu trong đội hình của Udinesse và tuyển Italia lúc bấy giờ.
|
Stefano Fiore, ngôi sao xẹt đáng tiếc của bóng đá Italia. Ảnh: Internet. |
Euro 2000 chứng kiến sự thăng hoa của Fiore. Từ một cầu thủ ít ai biết tới, anh trở thành một mắt xích quan trọng trong đội hình Italia của HLV Dino Zoff và chiếm luôn cả vị trí chính thức của Del Piero. Mùa hè ở Bỉ và Hà Lan năm ấy, Italia đã trình diễn một bộ mặt thuyết phục và bay thẳng vào chung kết trên đôi cánh của Fiore. Không lâu sau đó, một bản hợp đồng trị giá 20 triệu đô đã mang anh đến với Lazio. Tuy nhiên, đáng tiếc thay, cột mốc trên lại là một sự khởi đầu cho sự tụt dốc của Fiore. Anh trôi dạt về Valencia, Fiorentina, Torino và hiện tại, có lẽ không còn ai nhớ đến chàng trai tài hoa của bóng đá Italia ngày nào nữa. Javier Saviola cũng là một trong những trường hợp đáng tiếc của bóng đá thế giới. 16 tuổi, anh gia nhập River Plate và tìm được một vị trí trong đội một không lâu sau đó. Ở tuổi 18, anh giành chức vô địch quốc gia Argentina và ẵm luôn danh hiệu quả bóng vàng Nam Mỹ. Với sự nhanh nhẹn và bản năng săn bàn “sát thủ”, tiền đạo có biệt danh “Sóc nhỏ” này được báo chí quê nhà Argentina tôn vinh bằng mỹ từ “Maradona mới”. Thế nhưng, đáng tiếc thay, khi tượng đài của bóng đá Argentina khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng của mình từ tuổi 18 thì Saviola lại tụt dốc ở độ tuổi giàu sức xuân ấy.
|
Saviola tài năng ngày nào giờ lại đang chôn thân ở Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters. |
Anh chuyển sang thi đấu cho Barcelona khi vừa tròn 20 tuổi. Trái với sự kì vọng, Saviola lại tỏ ra khó thích nghi với môi trường bóng đá ở châu Âu và bắt đầu thui chột tài năng vì không cạnh tranh được một suất đá chính. Sau đó, anh trôi dạt về Monaco, Sevilla trước khi kí hợp đồng với CLB Hoàng Gia Real Madrid. Tuy nhiên, ở tuổi 26, anh lại bước tiếp vào lối mòn của chính mình 6 năm trước khi không thể chịu được sức ép cạnh tranh ở “bầy kền kền” và ra đi không lâu sau đó. Hiện tại, chú “Sóc nhỏ” đang thi đấu tại Bồ Đào Nha trong màu áo của Benfica và hình ảnh thần đồng Saviola ngày nào giờ đã bị những “ngôi sao” mới của bóng đá Argentina như Messi hay Tevez lu mờ. Quả thật là khập khiễng khi đưa anh vào danh sách này, nhưng những người yêu bóng đá Việt Nam có lẽ đều sẽ thở dài nuối tiếc khi nghe đến cái tên Phan Thanh Bình. Sinh năm 1986, anh là một trong những tài năng hiếm hoi mà mảnh đất Đồng Tháp có thể sản sinh ra. Ở tuổi 16, Thanh Bình củng các đồng đội U-17 Đồng Tháp tung hoành tại giải U-17 Quốc Gia và lọt vào mắt xanh của chiến lược gia người Áo Alfred Rield. Không phải chờ đợi lâu, một năm sau đó, anh trình làng các CĐV Việt Nam tại Sea Games 22, được tổ chức ngay tại Việt Nam. Với sức mạnh, tốc độ, khả năng tì đè và sức càn lướt tối, anh nhanh chóng chiếm được niềm tin nơi ban huấn luyện và được chọn để sát cánh bên cạnh Phạm Văn Quyến, một thần đồng tài không đợi tuổi khác của bóng đá Việt Nam. Mùa đông năm ấy, có lẽ không người Việt Nam nào có thể quên bàn thắng ngàn vàng của anh vào lướt Malaysia. Đó là phút bù giờ đầu tiên và tỉ số đang là 3-3. Từ pha phạt góc bên phía cánh phải, bóng được đưa tới đầu của Phan Thanh Bình và sau một cú chạm đầu tinh tế, bóng đã nằm gọn trong khung thành của thủ môn Syamsuri, đưa Việt Nam tiến vào trận chung kết sau khi vượt qua vòng bán két một cách nghẹt thở.
|
Thanh Bình giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình 8 năm về trước. Ảnh: Internet. |
Với sự cần mẫn, chất phác và rất chịu khó, những bản chất mang lại sự thành công cho không ít cầu thủ, không ít sự kì vọng đã được đặt vào đôi chân của đứa con miền Tây Phan Thanh Bình. Đặc biệt sau “sự cố” không mong đợi năm 2005 khiến hàng loạt trụ cột U-23 Việt Nam rơi vào vòng lao lý, trọng trách dẫn dắt hang công lại càng được đặt nặng lên đội vai của chàng trai Đồng Tháp. Thế nhưng đến bây giờ, Bình “củi” lại cho người hâm cảm giác như anh là một cầu thủ … lão làng dù mới ở tuổi 25. Đỉnh cao trong sự nghiệp của Phan Thanh Bình trớ trêu thay lại là tuổi 17. Càng trưởng thành, sự nghiệp của anh lại càng xuống dốc. Mặc dù vẫn được tin dùng ở đội tuyển Olimpic Việt Nam nhưng ở những Sea Games sau, anh dường như chỉ là cái bóng của chính mình. Thậm chí ở kì Sea Games cuối cùng của mình năm 2009 trên đất Lào, anh còn bị Đình Tùng và Anh Đức đẩy lên băng ghế dự bị. Hiện tại, Phan Thanh Bình vẫn đang là một trong những tiền đạo nội tớt nhất trong đội hình Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, nếu so sánh với sự kì vọng mà hang triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã đặt vào Bình thì “thành công” ấy quả là quá bé nhỏ. Còn rất nhiều những cái tên khác có thể liệt vào danh sách “trẻ mãi không già” như Djibril Cissé (Pháp), Kieran Richardson (Anh), Fernando Cavenaghi (Argantina)… Mỗi cầu thủ đều có một cách “ đi xuống” khác nhau, tuy nhiên tất cả đều có điểm chung là đều để lại cho người hâm mộ vô vàn sự nuối tiếc. Hiện tại, thế giới bóng đá đang sở hữu khá nhiều “thần đồng” rất trển vọng như Jack Wilshere, Pato, Baloteli, Joe Hart, Theo Walcott, Gareth Bale… Và hi vọng trong tương lại gần, các thần đồng này sẽ thi nhau tỏa sang rực rỡ, chứ không bị biến thành “sao xẹt” như nhiều tài năng trẻ khác.