Bài báo có đoạn viết: “Tại sao những giải thưởng lớn vẫn cứ lẩn tránh Pirlo như một sự bất công lớn lao của số phận? Như ta ăn một bữa cơm ngon trong nhà hàng, nhưng không bao giờ biết người nấu các món ăn ấy là ai mà chỉ được tiếp xúc với những người bồi bàn. Như Ennio Morricone đã làm nhạc cho biết bao bộ phim bất hủ mà không có một Oscar nào trong sự nghiệp. Như bao cầu thủ xuất sắc ở vị trí hậu vệ và tiền vệ chỉ được nhắc đến để làm nền những ngôi sao ghi bàn. Nhưng đó là một sự bất công hợp lí của số phận mà tất cả phải chấp nhận. Và Pirlo vui lòng chấp nhận mà không đòi hỏi. Khi tạo ra những tác phẩm bất hủ để lại cho hậu thế mà hàng trăm năm sau còn nhắc đến với lòng kính trọng và ngưỡng mộ, nghệ sĩ vĩ đại và cũng là ông hoàng của nghệ thuật thời Phục hưng Leonardo da Vinci có đòi hỏi một điều gì đặc biệt lắm đâu”.
Pirlo mãi trong tim tifosi
Và tôi kết luận: “Pirlo không hề phàn nàn hay chỉ trích gì về sự bất công ấy. Anh không ghi hàng chục bàn thắng và làm bùng nổ mọi cầu trường như những chân sút lớn, không đẹp trai những cầu thủ mà gương mặt đáng làm bìa báo và ảnh quảng cáo, không có một cuộc sống sôi động của những ngôi sao ầm ỹ, không đòi hỏi những phần thưởng lớn mà anh xứng đáng được nhận. Anh vẫn tiếp tục thi đấu, đan những đường bóng như vẽ ở giữa sân, chuyền những đường chuyền quyết định để các đồng đội ở Milan hay ĐT Italia lập công. Pirlo, ông hoàng của nghệ thuật calcio thời Phục hưng, là như thế đấy, không danh hiệu cá nhân, không Quả bóng vàng, không Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, cũng không cần biết anh đứng thứ bao nhiêu trong các cuộc bầu chọn. Vì anh biết, mình luôn có mặt trong tim các tifosi, những người đang gọi anh là “Pirlo da Vinci”…