PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Premier League & ĐT Anh: Đường ai nấy đi

Thứ sáu, 12/08/2011 10:34

Có một thực tế hiển nhiên trong suốt nhiều năm qua: Lợi ích của “Barclay Premier League” không còn gắn bó gì với lợi ích của bóng đá Anh...

1. Rất nhiều sách dạy cách sống sẽ nói với bạn một lý thuyết kinh điển: “Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”. Câu này nghe rất xuôi tai, nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng chờ đợi người ta để trao cơ hội. Nếu là người yêu nhạc, hẳn bạn đã nghe đến “25 minutes” (25 phút) của ban nhạc Michael Learn To Rock, nói về một chàng trai vì đến muộn 25 phút mà không kịp ngăn người mình yêu làm lễ cưới. Đó mới là thực tế cuộc sống.

Nói về việc đánh mất tình yêu, thi hào Nazim Hikmet của Thổ Nhĩ Kỳ có một bài thơ rất nổi tiếng tên là “Người khổng lồ mắt xanh”. Bài thơ nói về một người khổng lồ mắt xanh, yêu một người đàn bà bé nhỏ. Người khổng lồ yêu theo cách khổng lồ và đã quen làm những việc to tát. Người đàn bà lại chỉ muốn được ngồi nghỉ trong một ngôi nhà con con có giàn hoa râm mát. Nhưng cuối cùng, nàng không đủ sức chờ người khổng lồ xây cho mình một ngôi nhà nữa, không đủ sức đi theo những bước cao xa nữa, và nói lời vĩnh biệt.

Cơ hội không phải là thứ người ta muốn mà có. Ngược lại, nó đỏng đảnh một cách khó lường. Và có những việc mà nếu không làm ngay, cơ hội có thể sẽ vĩnh viễn biến mất.

2. Premiership 2011/12 sắp bắt đầu lại là lúc người ta nói về cái thực tế cũ kỹ đã bám lấy giải đấu này cả thập kỷ qua: giải VĐQG Anh không hề đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Anh, mà trái lại còn kéo lùi nó xuống.

Người khổng lồ Premiership vẫn đang theo đuổi những điều khổng lồ. Còn người Anh, sau những cay đắng có suốt từ 2007 đến nay, lại đang rất cần một “ngôi nhà nhỏ có giàn hoa râm mát”. Đó là một giải VĐQG nuôi nấng và đào tạo được những cầu thủ Anh, cho họ một đội tuyển mạnh. Đó là điều mà giải VĐQG Nhật Bản hay Mỹ còn làm tốt hơn Premiership bội phần.

Mong muốn ấy đã tha thiết lắm, nhưng người khổng lồ không thể cúi xuống mà bước ngắn lại. Nếu soi xét động lực của từng CLB, nếu nhìn vào cái thế “tiến thoái lưỡng nan” không thành công thì… vỡ nợ của cả giải bây giờ, việc họ phải nghĩ đến điều gì vĩ mô hơn chiến thắng là bất khả.

Trong cảnh nước sôi lửa bỏng này, khi nơi nơi người ta nói về “vô địch”, “Top 4”, “chống xuống hạng” và “chuyển nhượng cầu thủ”, thì CLB duy nhất có ý định làm một-cái-gì-đó với hệ thống đào tạo trẻ là Man City. CLB này đang có ý định nâng cấp học viện với tiền từ các ông chủ Ả-rập. Nhưng với sức mua sắm của The Citizens và tham vọng của họ, việc City of Manchester có thể trở thành chỗ nuôi dưỡng những tài năng trẻ của Anh không hẳn ai cũng đã có câu trả lời.

3. Mọi chuyện diễn ra như một thực tế hiển nhiên trong suốt nhiều năm qua: Lợi ích của “Barclay Premier League” không còn gắn bó gì với lợi ích của bóng đá Anh. Không ai trách được họ. Các CLB không có trách nhiệm gì khi đội tuyển Anh thiếu thủ môn Anh, thiếu tiền đạo Anh, thiếu HLV Anh, thiếu cả một thứ tư duy chiến thuật gọi là “bản sắc Anh”.

Nếu 25 phút chậm trễ có thể làm thay đổi cuộc sống của một con người thì cuộc chờ đợi kéo dài nhiều năm mà các CLB Anh đang bắt người Anh phải chịu đựng, không biết sẽ bẻ cong số phận của bao nhiêu cậu bé mê đá bóng.

Đúng là chẳng dễ chịu gì khi người ta yêu một người khổng lồ, và chẳng sung sướng gì khi có một giải đấu trót mang danh “hấp dẫn nhất hành tinh”.

BongdaPlus
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới