Những người chỉ nhìn vào bảng kết quả sẽ dễ nghĩ rằng thế thống trị của Man United ở Premiership bây giờ là không thể cưỡng lại. Man City mất điểm trận đầu tiên trước một đối thủ đang khủng hoảng (Fulham). Liverpool đại bại trước một kẻ đang suy yếu (Tottenham). Arsenal không còn gì để hy vọng. Còn Chelsea lại chính là bại tướng dưới tay thày trò HLV Alex Ferguson.
M.U đang thể hiện một phong độ ấn tượng. Không có lý do gì để nói phong độ ấy là nhất thời, khi nó được tạo ra bởi sự vận hành trơn tru của cả một hệ thống. Nhưng cũng chưa thể gạch tên những đối thủ chỉ sau một vòng thất bát.
Man City bị cầm hòa bởi các sai lầm cá nhân. Bản lĩnh của họ vẫn luôn là thứ đáng nghi ngờ trong suốt 3 mùa giải qua. Nhưng về thế trận, họ vẫn áp đảo Fulham, cầm bóng tới 70% trên sân khách. Và những sai lầm cá nhân khó có thể là thứ trở thành hệ thống. Họ mất điểm, nhưng cái sự mất điểm ấy không phải là dấu hiệu của sự suy yếu. Man City vẫn là Man City. Và theo cái quan điểm kỳ quặc của HLV Mancini về nhân sự, đến lúc này vẫn than rằng mình thiếu quân, họ còn có thể tiếp tục… chi tiền trong mùa Đông.
Man Utd đang thể hiện được sức mạnh của mình. Ảnh Getty
Chelsea thất bại trước chính đại kình địch Man United. Nhưng là sau khi đối phương mở tỷ số nhờ một tình huống sơ suất của trọng tài. Chris Smalling ghi bàn từ tư thế việt vị quá rõ. Nếu không có bàn thắng ấy, rất khó có thể nói chuyện đã diễn tiến theo hướng nào. Cũng xét về toàn cục, đây là một trận đấu mà Chelsea chơi hay, ngang ngửa đối phương. Và quan trọng nhất là Fernando Torres cho người ta thấy lại bóng dáng của anh 2 năm về trước.
Premiership, với những đặc thù về lịch thi đấu dày, lối chơi bóc lột thể lực và cung cách “chặt chém” dễ gây ra chấn thương, luôn là giải đấu “ăn nhau lúc gà gáy”. Những ví dụ trong quá khứ nói lên điều đó.
Bằng giờ này năm ngoái, đội dẫn đầu bảng đang là Chelsea. Thành tích của thày trò HLV Carlo Ancelotti khi ấy còn ấn tượng hơn M.U bây giờ: toàn thắng 5 trận, ghi 21 bàn và chỉ để lọt lưới 1 bàn (M.U để lọt lưới 4 bàn). Những đối thủ khi ấy cũng khởi động chậm hơn, khi đội thứ 2 Arsenal chỉ có 11 điểm (Man City đang có 13 điểm). Thế mà rồi, Chelsea trải qua một mùa giải lận đận, khiến Ancelotti phải ra đi. Còn M.U, mùa giải năm ngoái đến tận vòng 15 mới biết ngôi đầu bảng là gì, lại vô địch.
Hoặc những người yêu M.U hẳn vẫn nhớ rất rõ mùa 2008/09, khi đến tận cuối năm 2008, người ta vẫn còn đang nói về cuộc đua song mã giữa Chelsea và Liverpool, hai đội thay phiên đứng đầu bảng suốt từ tháng 8. Thế mà nhà vô địch lại vẫn là M.U.
Nếu nhìn vào những ví dụ ấy, thì những kết quả vòng 5 vừa qua chỉ nói lên rằng M.U vẫn đang là một đội bóng mạnh, ứng cử viên hàng đầu, và những đối thủ của họ sẽ còn nhiều việc để làm. Man City cần cải thiện sự tập trung để hòa nhập với cuộc sống có Champions League. Chelsea cần tiếp tục ổn định lối chơi và tìm cách khai thác tối đa Torres. Ngay cả Liverpool, một trận thua dù đậm đến mấy cũng không phủ nhận được những gì Kenny Dalglish đã làm, phủ nhận được việc họ có một đội hình mạnh.
Đường dài mới biết ngựa hay. Và cuộc đua sẽ còn hay, chứ không đến nỗi trở thành đơn điệu ngay từ lúc này!
Thống kê.
2.Suốt lịch sử Premiership, mới chỉ có 2 đội để lọt lưới sau 5 vòng đầu nhiều hơn Arsenal (14 bàn) ở mùa này, là Derby (2007/08) và Southampton (1998/99).
3.Với 3 điểm có được từ cuộc lội ngược dòng trước Arsenal, Blackburn làm được nhiều hơn cả mùa năm ngoái, khi họ chỉ có 2 trận hòa sau khi thủng lưới trước.
5.Lần đầu tiên trong lịch sử CLB, Bolton thua liên tiếp 5 trận sân nhà ở hạng đấu cao nhất nước Anh.
9.Rooney trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử Premiership ghi được tới 9 bàn trong 5 vòng đầu.
28.Thủ môn De Gea (Man United) có tới 28 pha cản phá sau 5 vòng, nhiều nhất giải và bằng 35% tổng số pha cứu thua của Van der Sar trong suốt mùa trước.
Chân sút hàng đầu.
9 bàn: Rooney (Man United) 8 bàn: Aguero (Man City) 6 bàn: Dzeko (Man City)