1. Như chúng tôi từng hơn một lần đề cập, rất thường xuyên trong đội hình của N.SG, Quang Hải không được sắp đá vị trí sở trường là tiền đạo lùi. Hải hoạt động ở bên cánh và nó rất xa khung gỗ. Và kỹ năng qua người và dứt điểm vẫn được xem là điểm mạnh của Quang Hải vì thế mà bị triệt tiêu. HLV Mai Đức Chung và hầu hết các đồng đội đều nhận thấy điều này, nhưng thay đổi sơ đồ - chiến thuật là chuyện khó xảy ra ở N.SG. Trong nhiều tình huống, cầu thủ phải phục vụ chiến thuật của đội bóng, chứ không bao giờ có chiều ngược lại, trừ phi anh là cá nhân kiệt xuất. Thống kê cho thấy, Quang Hải và F.Endene luôn là những cầu thủ chạy nhiều nhất trên sân trong các trận đấu của N.SG. Săn bóng, chạy chỗ và tìm cơ hội. Tuy nhiên, có vẻ như cuộc sống không thật công bằng, ít nhất là so sánh giữa 2 trong số những cầu thủ chơi hay nhất trên hàng tấn công của N.SG kể từ đầu mùa. Thể lực vẫn luôn là điểm mạnh của những cầu thủ người nước ngoài, và ngoài ra, Endene còn có một nền tảng kỹ thuật cơ bản tốt, có dư độ quái. Trong khi đó, thể lực lại chưa bao giờ là điểm mạnh của Quang Hải. Endene có thể lùi về kiến thiết, trước khi băng lên áp sát khung thành đối phương và ghi bàn. Còn với Quang Hải, cố lắm anh cũng chỉ hoàn thành được vế đầu. Bàn thắng mà Hải ghi vào lưới Singapore ở bán kết AFF Suzuki Cup 2008 có lẽ là một ngoại lệ, khi Hải là người khởi đầu (từ giữa sân) và kết thúc (cận thành) ở pha bóng diễn ra trong chỉ vài giây.
|
Chỉ thiếu bàn thắng nữa thì mọi sự với Quang Hải ở N.SG sẽ trở nên thực sự hoàn hảo |
2. Việc thay đổi môi trường thi đấu luôn là một khó khăn thật sự với bất cứ cầu thủ nào để có thể thích nghi một cách hoàn toàn. Nếu như ở K.KH, Quang Hải nhận được sự phục vụ của gần như 10/11 cầu thủ trên sân, thì tại N.SG, Hải phải làm điều ngược lại. Tại phố biển, mọi đường bóng đều hướng về phía Quang Hải và anh có quyền làm điều mình muốn. Rất nhiều những bàn thắng đã đến theo cách đó, để rồi Quang Hải trở thành “Vua phá lưới nội” với 13 bàn thắng, còn K.KH hiên ngang lọt vào tốp 4 đội dẫn đầu V-League 2010. Với cách vận hành của N.SG, mọi đường bóng đều hướng tới Endene và Almeida, những ngoại binh có tầm ảnh hưởng lớn trong lối chơi. Và điều đó chứng minh rằng, Quang Hải chưa phủ sóng được với phần còn lại. Chính xác là Hải thiếu cái uy của một cầu thủ lớn. Một câu hỏi đặt ra lúc này, là tại sao Quang Hải chấp nhận làm số 2, số 3 thay vì có quyền đề bạt, thậm chí đòi hỏi?! Nó thuộc về tính cách của mỗi con người. Hải biết rõ, việc mình chưa thể ghi bàn là vấn đề lớn và nhạy cảm, khi những kỳ vọng vào đôi chân bạc tỷ như anh là có thật. Ganh tị hay thỏa hiệp ở hậu trường đã và không bao giờ thuộc về Quang Hải. Với những nỗ lực nghiêm túc, tính độc lập và một môi trường được xem là khá lành như N.SG, Quang Hải vẫn hy vọng một buổi chiều đẹp trời nào đó, bàn thắng sẽ đến. Nó có thể là cuộc đối đầu với đội bóng cũ K.KH vào cuối tuần này?! Với kinh nghiệm của đàn anh Việt Thắng (người cũng không ghi bàn sau 5 – 6 lượt trận đầu tiên trong màu áo đội bóng mới V.NB ở V-League 2010) hay người bạn thân Công Vinh (chỉ có 4 bàn thắng ở giai đoạn 1 V-League 2009, khi Vinh khoác áo HN.T&T)…, Quang Hải có lý do để tự an ủi mình và cần phải được mọi người thông cảm. Hoàn cảnh của Quang Hải khác với vấn đề mà “Vua phá lưới nội” V-League 2008 Ngọc Thanh gặp phải ở mùa bóng 2009 và 2010, khi Thanh chịu sự chi phối phần nhiều vì ngoại cảnh. Thông thường, chúng ta vẫn có thói quen đòi hỏi, thay vì phải nhìn trực diện vào những gì đang diễn ra. Về tiêu chí, chiến thắng của đội bóng mới là điều quan trọng nhất, còn việc ai ghi bàn, chỉ là thứ yếu. Và nữa, cũng khó thể cào bằng, rằng tất cả các ngôi sao phải cùng tỏa sáng trong một trận đấu, bởi điều đó là không tưởng.