Thành công trên cương vị cầu thủ và sau đó ngồi lên ghế huấn luyện, Di Stefano là Chủ tịch danh dự của Real Madrid gần 10 năm nay trong khi Cruyff cũng được suy tôn trước khi bị tân Chủ tịch Sandro Rosell truất phế. Lời nói của cả 2 đều được xem như kim chỉ nam của 2 đội. Vậy nên trong 4 hồi của cuộc đại chiến “Kinh điển” trong vòng có 18 ngày, giới truyền thông Madrid và Catalonia không thể bỏ qua 2 nhân vật này. Họ mời Di Stefano và Cruyff đăng đàn để nói lên cảm nghĩ của mình về 18 ngày vạch định giang sơn. Đáng tiếc, “Kinh điển” của 2 huyền thoại đã thất bại thảm hại, cả 2 đều có những phát ngôn khiến những người từng yêu mến họ phải chau mày. 4 trận thắng 2 Trên tờ nhật báo El Periodico, Cruyff bảo Barcelona không nhất thiết phải thắng cả 4 trận mà chỉ cần thắng 2: đấy là trận chung kết tranh Cúp Nhà vua và trận lượt về trên sân nhà tại bán kết Europa League. Cruyff hiểu rất rõ bầu không khí kình địch và những khó khăn của trận El Clasico mà còn nói thế thì quả là không thể giải thích nổi. 4 trận đánh lớn trong vòng 18 ngày, liệu Barca có thắng nổi trận thứ 2 nếu thua trận thứ nhất, có thắng được trận thứ 4 nếu thua trận thứ 3. Và nếu trận lượt đi bán kết Champions League thua 0-2, lượt về thắng 1-0 thì còn bao nhiêu ý nghĩa? Trong 4 hồi của cuộc đại chiến, mỗi trận đấu tự thân nó cũng đã có ý nghĩa rất lớn. Không có cầu thủ hay HLV nào của 2 bên có thể toàn tâm cho một trận đấu mà không bị chi phối bởi trận trước đó và trận sau đó. Đấy là chưa kể Cruyff còn có ý khinh thường Real Madrid khi nói như thế. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đúng là đã từng thua tan nát 0-4 và 2-6 vài mùa gần đây, nhưng đấy vẫn là một đối thủ lớn, chứ đâu phải cỡ như… Levante hay Getafe để Barca quyết định muốn thắng trận nào thì thắng, muốn dưỡng sức trận nào cũng được? Sư tử và chuột
|
Johan Cruyff là huyền thoại của Barcelona- Ảnh Getty |
Có ý coi thường đối thủ như Cruyff cũng chấp nhận được vì trong một chừng mực nào đó ông là CĐV của Barca nên phải bênh vực đội nhà. Trong khi đó những phát biểu của Di Stefano đúng là không thể chấp nhận được trên tư cách một vị Chủ tịch danh dự của đội bóng. Sau trận hòa 1-1, “mũi tên bạc” lớn tiếng chỉ trích chiến thuật phòng ngự của Mourinho. Theo ông đó là một lối chơi hèn nhát, đi ngược lại truyền thống tấn công cống hiến của đội nhà. Ông còn ca ngợi Barca là chơi bóng với tất cả sự nhiệt thành và đam mê trong khi Real Madrid chỉ biết lui về cố thủ và thiếu tôn trọng khán giả? Có lẽ dạo này Di Stefano ít xem bóng đá. Barca mà ông đang đề cập là đội bóng đã thống trị cả trong và ngoài nước suốt 3 mùa bóng gần đây. Họ đang sở hữu một thế hệ cầu thủ thuộc hàng tuyệt vời nhất trong lịch sử của mình. Người ta không còn bàn cãi xem Barca có là đội bóng mạnh nhất vào thời điểm này hay không mà bàn xem liệu đoàn binh hùng mạnh của Pep Guardiola có chỗ đứng ở đâu trong số những bóng mạnh nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Những số liệu thống kê cho thấy Barca trận nào cũng kiểm soát bóng trên 70%, bao giờ cũng chuyền bóng nhiều gấp 2, gấp 3 lần đối thủ. Đá với một đội bóng có đẳng cấp kiểm soát bóng cực cao như vậy, không chú trọng phòng ngự thì chỉ có nước thảm bại. Điều cơ bản nhất khi tấn công là phải có bóng, không có bóng thì phải lo phòng ngự để lấy bóng lại. Cũng vì tư tưởng “tấn công sòng phẳng” với Barca mà Real Madrid đã thua cả 5 trận El Clasico liên tiếp trước đó với tỷ số 2-16! So sánh Real Madrid với hình ảnh của chuột quả là không hợp lý chút nào. Vị trí của huyền thoại Ai cũng có thời của mình. Di Stefano đã đi cùng với Real Madrid trong giai đoạn rực rỡ nhất của CLB này với 5 danh hiệu vô địch Cúp C1 liên tiếp, 8 chức vô địch La Liga cùng thêm nhiều chiếc cúp lớn nhỏ khác. Lịch sử Barca cũng chia làm 2 giai đoạn trước và sau sự xuất hiện của Johan Cruyff. Cruyff đã mang thứ bóng đá tổng lực lừng danh của Hà Lan đến, khai sáng lò đào tạo La Masia và góp phần lớn tạo ra lối chơi tiqui-taca lừng danh như ngày hôm nay. Nhưng bóng đã giờ đã đổi thay rất nhiều. Không đội bóng nào có thể gom các siêu sao về một đội như thời mà độc tài Franco từng làm để biến Real Madrid thành một đề chế. Thứ bóng đá tổng lực của Hà Lan giờ đã mai một (hãy nhìn đội tuyển Hà Lan thi đấu thực dụng đến như thế nào tại World cup 2010 vừa qua). Bóng đá thế giới đang trải qua một giai đoạn cạn kiệt những cầu thủ xuất chúng. Thời bóng đá cho Di Stefano, Ferenc Puskas, Gento, Raymond Kopa, Johan Cruyff, Johan Neeskens, Hristo Stoichkov, Romario, Michael Laudrup… đã qua rất lâu rồi. Từ sau Zinedine Zidane, người ta không còn thấy bóng dáng của một cầu thủ có thể một mình xoay chuyển cục diện trận đấu. Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều đang là những ngôi sao xuất chúng của thế hệ mình, nhưng họ không có được cái chất thiên tài của Zidane và Ronaldo “người ngoài hành tinh”. Trong bối cảnh đó, vai trò của chiến thuật và các HLV được đặc biệt đề cao. Trên lĩnh vực này, Jose Mourinho và Pep Guardiola rất đáng được trân trọng và đặt để lên những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng những chiến lược gia hàng đầu. Bản thân họ cũng dành cho nhau rất nhiều sự tôn trọng. Ở trận lượt đi, Mourinho đã cuối cả người xuống khi bắt tay với Pep Guardiola như biểu hiện của một sự khâm phục. Trong khi đó Pep Guardiola thì lập tức lên tiếng phản biện sau khi Chủ tịch Sandro Rosell dự đoán Barca sẽ thắng Real Madrid 6-0 trong trận El Clasico tiếp theo. Di Stefano rất ít khi lên tiếng về nội tình Real Madrid trong khi tại Barca, “thầy giáo” Cruyff tuần nào cũng lên lớp cho Pep Guardiola về việc phải đá thế nào, cẩn trọng ra sao trong chuyên mục hàng tuần trên tờ El Periodico. Không phủ nhận Cruyff từng là thầy của Guardiola khi ông là cầu thủ. Nhưng như đã nói, bóng đá thế giới đã biến đổi rất nhiều và chính Cruyff là nạn nhân của sự biến đổi ấy khi phải rời ghế huấn luyện Barca 1996 và từ ấy đến nay không còn cầm quân đỉnh cao nữa. Trước vòng tứ kết, Cruyff từng nhận định Barca sẽ rất khó đánh bại Shakhtar Donetsk và bao đây chính là trận có khả năng gây bất ngờ cao nhất. Kết quả là Barca nghiền nát đối thủ này đến 6-1 sau 2 lượt trận. Cruyff và Di Stefano đúng là đã già mất rồi.