PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Sân cỏ và thế giới muôn màu của các trọng tài

Thứ năm, 24/03/2011 11:33

Không có gì lạ. Ngay tại nước Anh, địa chỉ quen thuộc nhất để các nền bóng đá khác rước thầy về dạy cho trọng tài bản xứ của họ, giới “vua sân cỏ” cũng bị chỉ trích liên tục...

Dĩ nhiên, vai trò của trọng tài là phân xử khi có cầu thủ phạm lỗi, quyết định các tình huống tranh cãi và nói chung là giữ cho trận đấu diễn ra trong khuôn khổ luật lệ, ai cũng biết rồi. Thế nhưng, nói vậy thì chẳng khác gì... chưa nói, vì kiểu nói chung chung như thế, ai mà chẳng biết. Người ta thường chỉ tranh luận, hoặc nặng hơn là chỉ trích, mắng nhiếc các quyết định của trọng tài khi xảy ra những tình huống không rõ trắng đen, ai muốn nói sao cũng được. Ví dụ: trọng tài có nên phạt thẻ vàng một cầu thủ vừa phạm lỗi hay không, nghĩa là mức độ phạm lỗi của cầu thủ ấy có nặng đến nỗi phải nhận thẻ vàng hay không. Trước những tình huống như vậy, bạn đừng phí công dở sách hoặc vào trang fifa.com trên internet để xem lại quy định về những hành động dẫn đến hình phạt thẻ vàng. Luật thì cũng có, nhưng không cụ thể. Mà cái chỗ không cụ thể ấy lại chính là chỗ quan trọng để người ta phân biệt đẳng cấp của các trọng tài!  

Ông Pierluigi Collina trong thời gian còn là “vua sân cỏ”

Thế mới có chuyện, trọng tài huyền thoại Pierluigi Collina định nghĩa vai trò của trọng tài một cách... trớt quớt, chẳng ăn nhập gì với các định nghĩa đầy tính chuyên môn của FIFA hoặc IFAB - tức Hội đồng luật bóng đá, tồn tại độc lập với FIFA. Bạn có biết rằng ông Collina đi vào huyền thoại, được công nhận là trọng tài số 1 thế giới trong một khoảng thời gian rất dài, chủ yếu vì những quyết định sai luật của ông ta, chứ không phải vì những quyết định đúng luật? Ông Collina nói: “Trọng tài chúng tôi chỉ giữ một vai trò phục vụ trong trận đấu. Việc của chúng tôi là giữ cho trận đấu trôi đi một cách tự nhiên, chứ không phải là cắt vụn trận đấu bằng những tiếng còi nhân danh luật lệ”. Khi tiên đoán trận đấu mà mình sẽ điều khiển là rất quyết liệt, có nguy cơ tan vỡ vì sự cay cú, thô bạo, trọng tài Collina thường nhanh chóng phất ngay thẻ vàng kể cả đối với một lỗi mà ông thấy là chưa đến mức phải nhận thẻ vàng. Chiếc thẻ vàng “chiến thuật” ấy sẽ được rút ra ngay trong tình huống đáng kể đầu tiên, bất chấp cầu thủ phạm lỗi thuộc đội khách hay đội chủ nhà, nổi tiếng hay chưa có tên tuổi. Và ông sẽ gọi ngay thủ quân hai đội để... bày tỏ thái độ: “Bảo đồng đội của các anh đừng giỡn mặt với tôi nhé”! Còn khi trận đấu đã có tỷ số 3-0, mọi chuyện không thể thay đổi trong vòng 15 phút chót, ông Collina thường không bận tâm đến chiếc thẻ vàng kể cả khi cầu thủ phạm lỗi đáng bị phạt thẻ. Đấy chỉ là một trong nhiều ví dụ mà sau này trọng tài Collina kể lại khi đã treo còi, tạm gọi là bí quyết giúp ông trở thành trọng tài nổi tiếng nhất thế giới. Thế đấy, cách cầm còi của một trọng tài giỏi đôi khi khác xa với những quy định trong luật bóng đá. Khi Cameroon và Đức gặp nhau tại World Cup 2002, hoặc Bồ Đào Nha và Hà Lan gặp nhau tại World Cup 2006, các trận đấu ấy đều có đến 16 chiếc thẻ vàng. Người ta lập tức chỉ trích trọng tài chứ chẳng thấy ai mổ xẻ, phân tích xem những chiếc thẻ vàng ấy có hợp lý về mặt luật lệ hay không. Họ rút thẻ vàng theo đúng phận sự của một trọng tài trên sân cỏ. Thế nhưng rõ ràng, họ không hề là “người phục vụ”, là người có mặt trên sân để đảm bảo cho trận đấu diễn ra một cách tự nhiên, như quan điểm của trọng tài Collina. Bạn nên cắt nát trận đấu một cách đúng luật, hay nên sẵn sàng “nắn” luật để bảo vệ trận đấu? Chỉ mới nhìn vào một khía cạnh rất cụ thể là phạt hay không phạt thẻ vàng, đã thấy quá phức tạp rồi. Mà trọng tài có mặt trên sân đâu phải chỉ để phạt thẻ vàng!

Báo Thể thao TP.HCM