PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Sau mỗi bàn thắng là một lời cầu nguyện

Thứ ba, 26/04/2011 08:42

Tự bao giờ các cầu thủ, vốn đã là những con chiên ngoan đạo, ngày càng trở nên gắn bó với tôn giáo hơn và coi đó như là một trong những cứu cánh lớn lao về tinh thần?

Kaka: "Tôi thuộc về Jesus"-Ảnh Getty

Những dòng chữ ở áo lót mà cầu thủ vẫn mặc đã nói lên tất cả: “Tôi thuộc về Người”, “100% Jesus”. Những hình xăm thể hiện các ý nghĩa tôn giáo, và rồi những cánh tay giơ lên trời, những ánh mắt ngước lên phía Chúa. Ngoài hay trong sân cỏ, Chúa của các cầu thủ cũng chính là Chúa của mọi tín hữu và họ, lúc nào cũng cảm thấy bị choáng ngợp trước ân sủng của ngài, khi cho họ sự nổi tiếng, tiền bạc và phù hộ cho họ vượt qua những nỗi đau đớn về thể xác và khổ ải về tinh thần. Nếu họ ghi bàn, đấy là ý Chúa. Nếu họ dâng hiến hết cả thể xác và linh hồn, quên đi mình còn có một cuộc sống khác bản năng hơn thì đấy cũng là ý Chúa. Tóm lại, Chúa bao trùm tất thảy mọi hành động cuộc sống của họ, có lẽ chỉ trừ việc họ thay đổi người tình hoặc thay đổi xế hộp như thay áo. Một chứng cuồng tôn giáo đã lan rộng trong giới cầu thủ Serie A từ nhiều năm qua khiến không ít người ngạc nhiên. Em trai của Chủ tịch Bari Antonio Matarrese là một giám mục. Rubin, cựu cầu thủ của đội Torino, chọn số áo 33, vì đó là “số áo của Jesus”. Những biểu hiện của sự kính Chúa đôi khi bị lẫn lộn một chút với sự mê tín: Trong túi áo của cố HLV huyền thoại Nils Liedholm bao giờ cũng có một cái chân gà để lấy may; cựu cầu thủ và HLV Marco Tardelli đã hành hương về San Giovanni Rotondo ở Foggia, nơi có thi hài của Thánh Padre Pio hiển linh; Kaka, trong những năm còn đá ở Milan, hầu như sau mỗi bàn thắng lại giơ hai tay lên trời và để lộ dòng chữ “I belong to Jesus” (Tôi thuộc về Jesus). Trong cái thế giới đảo điên vì khủng hoảng, khủng bố và bất trắc này, những gì thuộc về tôn giáo đang trở thành mốt trong giới cầu thủ. Các sân vận động được so sánh với các thánh đường, trong khi thánh đường thực sự lại hiện hữu ngay trong phòng ngủ của cầu thủ ở các trại tập. Năm 1984, một tổ chức có tên “Những vận động viên của Chúa” được thành lập ở Brazil. Giáo đoàn này đến Italia vào năm 1998 và ngay lập tức thu hút nhiều cầu gia nhập. Cái giá cho Chúa không rẻ: Giáo đoàn thu 10% lương của cầu thủ để “tăng cường quảng bá hình ảnh của Chúa” trong giới và các hoạt động bia rượu bị cấm. Cựu cầu thủ Roma Paulo Sergio biến phòng ngủ của mình thành một giáo đường, còn tivi đối với anh không gì hơn là công cụ để xem trực tiếp các lễ cầu kinh Chủ nhật trên kênh RAI. Cựu tiền vệ Milan Kaka thề thốt rằng anh còn “trinh bạch” cho đến tận hôn nhân. Còn Nicola Legrottaglie lại đi xa hơn thế. Sau khi bị Juventus đầy về Siena một thời gian, tôn giáo là một niềm đam mê lớn đối với anh, để rồi trong những đêm không ngủ, anh đã cho ra đời vài cuốn sách về trải nghiệm bản thân anh với đạo. Đấy là những cuốn sách hiếm hoi do cầu thủ viết được bày bán ở các hiệu sách nhà thờ quản lý. Điều đó đồng nghĩa với sự đánh giá cao của cánh áo chùng đối với cánh quần đùi áo số. Trong một cuốn, anh viết: “Tôi không có mâu thuẫn cá nhân gì với giới đồng tính, nhưng Chúa không ưa tội lỗi”. Anh lại viết: “Tôi đã không ân ái với một người phụ nữ nào từ nhiều năm nay. Đấy là cả một sự giải thoát”. Anh tuyên bố một điều mà nhà thờ hoàn toàn ủng hộ: “Tôi chống lại việc nạo phá thai”. Ngày càng được ra sân ít hơn, Legrottaglie ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động tôn giáo. Anh chống lại quyết định của FIFA cấm các cầu thủ Brazil cầu nguyện tập thể trên sân trước khi trận đấu diễn ra. Anh chống lại cuộc sống ngang tàng và trụy lạc của những cầu thủ như Adriano, người mà Legrottaglie cho là Chúa sẽ không thể dung thứ vì bất cứ điều gì. Legrottaglie vì thế ca ngợi sự tận hiến của những người như Taribo West, cầu thủ người Nigeria, từng bị coi là một “tên đồ tể” của Serie A, từ nhiều năm nay là một linh mục. Anh phụng sự Chúa trong một nhà thờ nhỏ ở ngoại ô Milano. Taribo đã làm lễ cho nhiều người trong giới cầu thủ và biểu diễn. Nhưng thiên hướng tôn giáo của West đã nảy nở từ hồi anh còn xỏ giày ra sân thi đấu. Anh đã từng mời các đồng đội ở Inter đến nhà để cầu nguyện đến tận nửa đêm. Mùa bóng 1999-2000, khi bị Marcello Lippi gạt ra khỏi đội hình chính thức, West đã đến gặp Lippi và bảo: “Thưa ngài, đêm qua tôi mơ thấy Chúa. Và Chúa bảo tôi xứng đáng được ra sân”(!). Lippi cũng là một con chiên ngoan đạo, nhưng ông nghe tiếng nói của lý trí mình hơn là ý Chúa. Trong nhiều trường hợp, đức tin trở thành một câu chuyện gia đình. Nổi tiếng nhất là chuyện nhà Albertini, khi em trai của cựu cầu thủ Milan và đội tuyển Italia Demetrio Albertini, là một linh mục; chuyện nhà Trapattoni, khi Romilde Trapattoni, chị gái của ông HLV nổi tiếng Giovanni Trapattoni, là một bà sơ sùng đạo. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Trap là một chuỗi các sự kiện gắn liền với những lời cầu nguyện của Romilde cho ông. Cầu nguyện trong chiến thắng và cả những chiến bại. Hồi World Cup 2002, bà đến làm lễ cho các cầu thủ hàng ngày, trong trại tập trung của họ. Nhưng Chúa không cứu được đội “Thiên thanh”, và họ bị đánh bật khỏi giải một cách nhục nhã. Và nữa, những vận động viên của Chúa đôi khi cũng chỉ cần một dấu hiệu nào đó là có thể thay đổi ý định một cách nhanh chóng. Chẳng hạn như với thủ thành Brazil Claudio Taffarel, người đã nhảy trên vạch vôi và làm anh chàng Phật tử Roberto Baggio đá hỏng quả penalty trong trận chung kết World Cup 1994 ở địa ngục Pasadena, chỉ cần một trục trặc nhỏ ở động cơ của chiếc BMW anh đang đi là ngay lập tức anh từ chối ký hợp đồng thi đấu cho Empoli: “Bàn tay của định mệnh đã khuyên tôi đừng chấp nhận”. Stefano Albanesi, vừa được CLB Pescara tuyển mộ, đã ngay lập tức xé bỏ một hợp đồng để mặc lên người chiếc áo chùng và trốn đời trong một tu viện. Trong khi đó, tiền đạo người Italia gốc Brazil Victor Claudio Valentini đã rời bỏ Lazio khi mới 19 tuổi để suốt 10 năm nay náu mình trong một nhà tu. Khi ra đi, họ đều là những cầu thủ tài năng. Chúa đã lấy đi của bóng đá những người mà ai biết được, đến bây giờ có thể trở thành những Ronaldo hay Van Basten mới. Ảnh hưởng của nhà thờ Thiên chúa giáo ở một đất nước như Italia là rất lớn và việc so sánh những gì các cầu thủ đã làm với các phép màu cũng là chuyện không hề khó tin. Các CĐV Roma đã từng mô tả Cesar Gomez, một hậu vệ có tài năng khá khiêm tốn, với Beckenbauer, vì những điều “kì diệu” anh đã làm được trong 4 năm anh khoác áo đội bóng thủ đô (4 năm, nhưng chỉ ra sân đúng... 3 lần, sau này mới biết là Giám đốc Roma đã nhầm anh với một cầu thủ khác lẽ ra ông phải đưa về). Trên thực tế, đấy lại là cách mà họ sỉ nhục anh ta. Những buổi tập của Cesar Gomez tràn ngập những lời chửi rủa. Khi anh đến gần họ, các tifosi kêu lên: “À, phép màu đấy à. Xin một chữ ký nào”. Trước đó, ở Lazio cũng có một cầu thủ Brazil có tên Amarildo. Anh tặng cho đối thủ sách Kinh thánh và bảo: “Chửi thề cũng được, nhưng làm ơn hãy làm điều đó sau trận đấu. Còn bây giờ, thì im mồm đi cho”. Cái mà người ta gọi là “cách xử sự kiểu Lotito” (cắt giảm lương của một loạt cầu thủ và cứng rắn với họ) đã khiến cầu thủ trẻ Artipoli chìm trong khủng hoảng. Trong khi các đồng đội của anh nằm dài trên bãi biển, thì mùa Hè vừa rồi, anh náu mình trong một tu viện ở xứ Toscana để “tìm lại sự thanh thản”. Còn Cavani, siêu sao mới của calcio, người đã đưa hàng triệu tifosi Napoli lên đỉnh hạnh phúc bằng những bàn thắng của mình? Anh sung sướng nói về Chúa: “Tôi vừa nói chuyện với ngài mới rồi. Ngài đã cho tôi sức mạnh”. Cavani, theo cách ấy, đã che mờ huyền thoại Maradona, cho tới giờ là ông thánh duy nhất được tôn thờ ở Napoli cạnh Thánh bảo trợ Gennaro. Cách bao biện về bàn thắng anh ghi bằng tay vào lưới đội Anh ở Mexico 1986 là “bàn tay của Chúa” đã trở thành một thuật ngữ mang tính toàn cầu. Bây giờ, Maradona vui thú với hạnh phúc hiện tại. Sau mỗi trận đấu trên sân nhà, các CĐV Napoli lại biến sân San Paolo thành nhà thờ, thờ một người duy nhất là Maradona. Ngày Giáng sinh của họ cũng là ngày sinh nhật của Diego huyền thoại. Bất kể anh đã sử dụng ma túy, đã đi lại với những tên trùm camorra (mafia Napoli) và thậm chí từng có lúc so sánh chính anh với Chúa. Trong một cuốn sách viết về anh ở Italia, người ta đã viết (một cách hài hước) thế này: “Diego của chúng ta được Chúa phù hộ cho một cái chân trái kì ảo. Anh đến với chúng ta bằng thứ bóng đá tuyệt diệu của anh, cứ như là anh đem thiên đường xuống mặt đất. Anh đã giúp chúng ta có những liều thuốc kì ảo, anh tha thứ cho người Anh, như chúng ta đã tha thứ cho bọn camorra. Anh không đưa chúng ta đến bẫy việt vị và giải thoát chúng ta khỏi Havelange (cựu Chủ tịch FIFA). Amen”.

TTVH Online