PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Tại sao Guardiola quá "yêu" Wembley?

Thứ sáu, 06/05/2011 08:55

Với Pep Guardiola, cái tên Wembley đánh thức trong ông một trong những kỷ niệm ngọt ngào nhất của cuộc đời cầu thủ.

Khi tiếng còi chung cuộc trận đấu tại Nou Camp đêm thứ Ba vừa rồi cất lên, Guardiola vui mừng nắm chặt hai tay hướng về phía các khán đài. Hiếm khi nào vị chiến lược gia lịch thiệp này bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ đến vậy. Nhưng sau đó, ông không quên bước đến bắt tay Aitor Karanka, người thay thế Jose Mourinho trên băng ghế chỉ đạo trận vừa rồi.

Đó chỉ là một cử chỉ xã giao rất đỗi bình thường, nhưng giữa bầu không khí nóng bỏng của trận El Clasico, rất nhiều người khác có thể đã quên cả phép lịch sự tối thiểu bởi còn bận ăn mừng chiến thắng giữa vòng vây của camera và ánh đèn flash chớp sáng lia lịa.

Guardiola không phải mẫu người như vậy. Trong buổi họp báo sau trận, ông khéo léo xử trí trước những lời phàn nàn gay gắt từ đối thủ bằng phát biểu hàm chứa đầy hoài niệm: "Bóng đá sắp trở về nhà". Một câu nói đủ để gợi mở về trận chung kết Champions League, về Wembley và về chiếc cúp vô địch châu Âu đầu tiên mà Barca giành được chính trên sân bóng lịch sử đó năm 1992, khi Guardiola vinh dự góp mặt với tư cách cầu thủ đã nâng cao chiếc cúp bạc ngay tại mảnh đất vẫn thường được gọi là "quê hương" của bóng đá.

Hơn 130 năm về trước, bóng đá đã được những công nhân đường sắt người Anh du nhập vào Tây Ban Nha. Họ là những người tổ chức một trận đấu chính thức đầu tiên tại Andalucia, mở đường cho sự ra đời của những đội bóng tên tuổi lừng lẫy trên Xứ sở đấu bò sau này.

 

Guardiola nâng cao cúp vô địch tại Wembley

 

Những người Anh có dấu ấn quan trọng trong những ngày đầu mới thành lập của Barcelona. Đó là lý do giải thích vì sao lá cờ của Thánh George xuất hiện như một phần trên huy hiệu của CLB khổng lồ xứ Catalan ngày hôm nay.

Những lá cờ chữ thập đỏ trên nền trắng cũng đã xuất hiện nổi bật bên trên khán đài Nou Camp sau bàn mở tỷ số của Pedro trong trận đấu với Real vừa qua. Và ở giữa trung tâm thành phố Barcelona, người ta có thể thấy một nhà hàng mang tên "Wembley".

Và nếu như sân Wembley từng là nơi Man Utd lần đầu tiên bước lên ngôi Vua của châu Âu vào năm 1968, thì nó cũng luôn có một vị trí trang trọng và ý nghĩa trong lịch sử hào hùng của Barcelona.

Vào tháng 11/2002, một nhân viên phụ trách phòng trưng bày chiến tích của Barca đã được cử sang tận London để thương lượng mua lại khung thành, cửa ra vào và một trong số 39 bậc thang nổi tiếng của Wembley trước khi sân bóng này bị phá hủy hoàn toàn để xây dựng mới. Tất cả giờ đây được Barca lưu giữ như những kỷ vật vô giá của mình.

 

Hiếm khi Guardiola bộc lộ niềm vui tột độ từ khi trở thành HLV

Quay ngược lại bánh xe thời gian, trước thềm trận chung kết Champions League 1992 tại Wembley, phó chủ tịch Barca khi đó là Joan Gaspart đã hứa rằng ông sẽ nhảy xuống dòng sông Thames ăn mừng nếu đội nhà đánh bại được Sampdoria. Đội bóng của Gaspart đã thành công và ông vui vẻ thực hiện lời hứa của mình.

"Bóng đá trở về nhà" - một thông điệp nhẹ nhàng nhưng bao hàm tất cả ý nghĩa lịch sử. Nhưng đó cũng là một cách Guardiola bày tỏ niềm tự hào về phong cách mà đội bóng của ông đang trình diễn, hoặc cố gắng để trình diễn.

Khi Guardiola nói ra điều đó, một cách rất tự nhiên, ông đã không hề nhắc đến dấu ấn của mình trong vai trò kiến trúc sư của đội bóng. Người đàn ông 40 tuổi này gây ấn tượng là một phần của câu chuyện sâu sắc hơn thế nhiều.

Đó là câu chuyện của FCB, Futbol Club Barcelona, một "ngôi nhà" mà ông đã gia nhập và cống hiến suốt 3 thập kỷ qua, từ khi còn là một cậu bé nhặt bóng, lớn hơn một chút được kỳ vọng như một tài năng trẻ, sau đó trở thành tiền vệ trụ cột, một đội trưởng, một HLV đội trẻ và đến bây giờ là người thày dẫn dắt đội hình một.

Khi Xavi phát biểu hôm thứ Hai về tầm quan trọng của Barca "là trung thành với triết lý bóng đá của chính mình" thì Guardiola là người hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Theo huyền thoại Johan Cruyff, Guardiola là một phần trong sự phát triển của tư tưởng đó.

Trong 3 năm kể từ khi Guardiola kế nhiệm Frank Rijkaard, tư tưởng trên càng được chú trọng và trau truốt. Barca luôn coi trọng tính kế thừa của học viện La Masia do họ xây dựng lên. Ở đó, họ đào tạo ra những cầu thủ phù hợp với tư tưởng mà CLB theo đuổi. Đây là một phần công việc quan trọng Guardiola đang làm.

Lối chơi tiqui-taca dựa trên những đường chuyền ban nhanh, liên tục và khả năng kiểm soát bóng cực tốt được Barca phát triển lên tầm bóng đá nghệ thuật. Có được như vậy là nhờ công sức không nhỏ của Guardiola và biến ông trở thành hình ảnh đối lập với sự thực dụng đến tàn nhẫn của đồng nghiệp Mourinho bên phía Real.

Guardiola quản lý một nhóm cầu thủ giàu có với những cá tính phức tạp. Song ông thừa thông minh và uy tín để thuyết phục những ngôi sao như Xavi, Andres Iniesta hay Lionel Messi tin tưởng tuyệt đối ở mình. Trên cơ sở đó, ông sắp mang về chức vô địch La Liga thứ ba liên tiếp cho Barca và đang đứng trước cơ hội vô địch Champions League lần thứ 2 trong vòng 3 năm.

Guardiola đã có được điều này một phần vì ông là một tấm gương mẫu mực để các học trò học hỏi. Như Xavi từng nói, Guardiola là người mà họ luôn sẵn sàng phục tùng.

Ông đích thực là hiện thân của đội bóng này. Trong buổi lễ mừng công sau khi trở về từ Wembley năm 1992, người hùng Guardiola đã mượn lời của một chính trị gia xứ Catalan từng phải sống lưu vong dưới thời tướng Franco để tuyên bố trước 1 triệu người hâm mộ Barca: "Các công dân của Catalan, các bạn đã có chiếc cúp ở đây".

Vào ngày 28/5 tới, Guardiola sẽ trở lại Wembley trên cương vị một nhà cầm quân. Liệu rằng định mệnh có mỉm cười với ông lần nữa?

BongdaPlus