PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Tại sao phải 3 trong 1?

Thứ tư, 09/03/2011 10:13

Một trong những tiêu chí được đưa ra trong quá trình tuyển chọn người thay thế HLV Calisto là tiếp tục phải nắm ĐTQG và ĐT Olympic.

Điều này khác hẳn với quan điểm cho rằng cần phải “phân quyền” cho nhiều HLV ở các đội tuyển khác nhau. 
 
Đặc thù Đông Nam Á
Với nhiều nền bóng đá phát triển, việc một HLV một lúc nắm 3 đội tuyển ít khi xảy ra. Nhưng với bóng đá ĐNA, nguyên tắc “3 trong 1”, mà thực chất là 2 trong 1 vì ĐT Olympic được hiểu như ĐT U23 được áp dụng rất phổ biến. Không chỉ Việt Nam, những nền bóng đá hàng đầu trong khu vực ĐNA đều giao quyền cho một HLV. HLV R.Avramovic khi thì xuất hiện với vai trò HLV trưởng ĐT U23 dự SEA Games, lúc lại nắm quyền tại ĐTQG tại AFF Suzuki Cup. Tương tự vậy, ông K.Rajagobal cũng là tổng chỉ huy của ĐTQG và U23 QG. Ngay cả Thái Lan, nền bóng được cho là hùng mạnh và chuyên nghiệp nhất ĐNA cũng hướng đến nhiều mục tiêu bằng trí tuệ của một ông thầy, đó là HLV B.Robson.
 
 

HLV Rajagobal

Thực ra, không phải các LĐBĐ tại khu vực ĐNA nghèo đến mức phải “tận dụng” một ông thầy cho nhiều đội tuyển. Bóng đá ĐNA có những điều kiện đặc thù, mà điều dễ nhận thấy nhất là tất cả các nước đều coi hai đấu trường là AFF Suzuki Cup và SEA Games có vai trò quan trọng như nhau. Vì thế, HLV trưởng ĐTQG đảm đương luôn trọng trách tại ĐT U23 cũng là dễ hiểu.
 
 

HLV Bryan Robson

Màu sắc Việt Nam
Tại Việt Nam, không thể có chuyện vì hướng tới những mục tiêu lớn ở ĐTQG mà quên mất tham vọng cùng ĐT U23 và ngược lại. Dù đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập với những nền bóng đá mạnh, nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, chúng ta vẫn chưa thực sự “thống trị” bóng đá khu vực. Thế nên, xác định vị thế độc tôn, tìm kiếm cảm giác hạnh phúc trọn vẹn ở sân chơi khu vực đã là một thành công vang dội. Chính vì thế mà việc tìm kiếm HLV trưởng ĐTQG cũng như ĐT U23 phải thỏa mãn được yêu cầu ổn định để có thành tích. Nghĩa là bằng mọi cách, chúng ta phải dành cho cả ĐTQG lẫn ĐT U23 những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là HLV trưởng.
Chúng ta không nên tách ĐTQG và ĐT U23 thành những mảng nhiệm vụ khác nhau, bởi thời điểm hiện tại nội lực của nền bóng đá chưa cho phép. Nhắc đến điều này để thấy, việc giao ĐTQG cho một HLV được thuê với mức lương rất cao để tham dự vài trận vòng loại World Cup, thậm chí cả Thế vận hội 2012 là cả một sự lãng phí và không cần thiết. Có thể chúng ta vẫn đặt mục tiêu cao ở đấu trường lớn, nhưng không phải vì thế mà quên mất nhiệm vụ chính là SEA Games 26 được tổ chức tại Indonesia vào cuối năm nay. Vì thế, tiêu chí “3 trong 1” trong lúc này không chỉ phù hợp với đặc thù của bóng đá ĐNA mà còn rất hợp với hoàn cảnh và những toan tính của chúng ta.
Tiêu chí “3 trong 1” được bảo lưu không chỉ hợp lý về tài chính mà còn góp phần giúp chúng ta xây dựng được một lối chơi xuyên suốt từ ĐT U23 đến ĐTQG. Ai cũng biết, mỗi ông thầy là một tư tưởng, một triết lý bóng đá khác nhau. Việc có chung một ông thầy sẽ giúp lối chơi của các đội tuyển Việt Nam thống nhất và có bản sắc. Đó là chưa kể đến việc, trong nhiều năm qua chúng ta luôn xây dựng đội tuyển “2 trong 1” bởi nhiều cầu thủ trẻ cũng thuộc biên chế ĐTQG. 
 
Brazil cũng “2 trong 1”
Có nhiều nhà cầm quân tài ba, lực lượng lại hùng hậu và rất chuyên nghiệp, nhưng LĐBĐ Brazil từng giao phó cả ĐTQG lẫn ĐT Olympic cho HLV C.Dunga. Thực ra không hề có sự chồng chéo, hay quá tải khi cùng một lúc phải nắm 2 đội tuyển. Đơn giản vì lịch thi đấu của ĐT Olympic và ĐTQG luôn được bố trí lệch nhau. Việc hai đội tuyển được dẫn dắt bởi một HLV sẽ góp phần giúp công tác tuyển trạch diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.
 
Họ đã nói:
 
 
Như đã thông tin, bộ phận chuyên môn của LĐBĐ Việt Nam đã gửi đến Hội đồng HLV Quốc gia hồ sơ của một số ứng viên cho chức danh HLV trưởng ĐTQG. Đó là các ông Mai Đức Chung, Lê Huỳnh Đức và Phan Thanh Hùng. Điều này cho thấy, VFF đã tính đến khả năng giao quyền cho HLV nội. Chỉ có điều, ngay cả các ứng viên lại tỏ ra rụt rè trước việc được tín nhiệm. 
 
HLV Mai Đức Chung: “Cái duyên của tôi với ĐTQG chưa đến”
“Tôi đã biết mình có tên trong danh sách đề cử HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Tôi hạnh phúc vì điều này. Trở thành HLV trưởng đội tuyển quốc gia luôn đối mặt với nhiều sức ép và khó khăn, nhất là với các HLV nội.
 
 
Cá nhân tôi không quản ngại điều này. Thậm chí, tôi coi đó là một vinh dự lớn lao. Tuy nhiên, như các bạn đã biết, tôi mới gắn bó với CLB Navibank Sài Gòn nên còn rất nhiều việc phải làm ở đây. Bởi thế, nếu có may mắn được lựa VFF lựa chọn, tôi cũng rất khó xử với lãnh đạo CLB, với các học trò - những người đang đặt hết niềm tin vào tôi. Hơn nữa, giữa tôi và Navibank Sài Gòn còn có những ràng buộc về mặt pháp lý. Trong tương lai, khi không còn nhiều ràng buộc, hoặc đã hoàn thành sứ mệnh của mình với CLB, tôi sẵn sàng đứng ra gánh vác nhiệm vụ này. Có lẽ, cái Duyên của tôi với ĐTQG chưa đến. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn nên có HLV ngoại. Họ có cái uy, tiếp cận kiến thức mới nhanh hơn, lại không có bất cứ ràng buộc nào nên sẽ tập trung tốt hơn cho công việc. Tôi nghĩ rằng, áp lực khi dẫn dắt ĐTQG rất lớn nên phải giao cho những người hội đủ tiêu chuẩn”. HLV Phan Thanh Hùng: “Tôi có cái khó của mình”
“Tôi đã nghe thông tin mình được đề cử vào vị trí HLV trưởng ĐTQG. Tôi nghĩ, không chỉ cá nhân tôi mà bất cứ HLV nội nào đều vui khi biết mình nằm trong “tầm ngắm” của LĐBĐ Việt Nam. Bởi, đó không chỉ đơn thuần là công việc mà trên hết là nghĩa vụ với Tổ quốc.
 
 

Hơn nữa, việc trở thành người kế thừa di sản HLV H.Calisto - người mà tôi rất kính trọng, là một vinh dự lớn. Tuy nhiên, tôi cũng có cái khó của mình. Hiện tại, tôi đang dẫn dắt Hà Nội T&T và mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ thành công chức Vô địch V.League. Nhưng vào lúc này, CLB đang gặp phải nhiều khó khăn. Đây là thời điểm mà tôi cần giúp Hà Nội T&T đứng vững trước sức ép cũng như sớm tìm lại bản ngã. Thế nên, lúc này tôi chỉ muốn tập trung vào công việc tại CLB. Còn trong tương lai, nếu điều kiện cho phép, tôi sẵn lòng gánh vác trọng trách nếu được tín nhiệm”.

Bongdaplus