PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Tiếng & hình

Thứ tư, 04/05/2011 11:30

Từ chuyện tiếng, chuyện hình liên quan đến Almeida và Đức Dương, chợt nhận ra, cầu thủ dù hưởng mức lương của một cái máy thì vẫn là con người.

Hôm qua, Navibank Sài Gòn (N.SG) đã giành chiến thắng bởi sự tỏa sáng của cầu thủ bị coi là “chỉ còn tiếng, không còn hình”, tiền đạo Almeida. Ngược lại, đã có những cơ hội ngàn vàng, nhưng màn trình diễn vụng về của chân sút vẫn thấy hình nhưng quá lâu rồi bặt tiếng, Trần Đức Dương đã khiến cho Vicem Hải Phòng tiếp tục phải sống trong những ngày ảo não và u ám nhất. 1. Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, Almeida đã nổ súng. Cầu thủ được kỳ vọng rất nhiều, nhưng lại gây thất vọng quá đỗi kể từ đầu mùa giải đã chứng minh rằng mình không phải là món hàng phế phẩm. Những bàn thắng quý như vàng trong chiều qua ngoài việc cho thấy phẩm chất của một “sát thủ” còn có thể cứu rất nhiều người giữa vòng nước xoáy. Đầu tiên là những người đề nghị ký hợp đồng với anh. Một bản hợp đồng đắt giá nhưng trước màn trình diễn rực sáng chiều qua, giá trị sử dụng của Almeida chẳng được là bao. Nếu Almeida tiếp tục im hơi lặng tiếng, ngoài việc phải xét lại cách tiêu tiền và chọn người ở N.SG, người ta phải tính đến những chuyện lớn hơn, đó là tái cơ cấu thượng tầng đội bóng. Khi ấy, mọi việc không chỉ dừng lại ở chuyện một chân sút đánh mất duyên ghi bàn mà nhiều người có thể mất ghế. Thật may là Almeida đã ghi bàn. Những bàn thắng có thể cứu anh thoát khỏi cảnh mất việc. Quan trọng hơn, những bàn thắng ấy đã giúp con tàu N.SG tạm ra khỏi “tọa độ chết”. Và tất nhiên là thủy thủ đoàn trên con tầu ấy cũng thoát khỏi lưỡi hái tử thần. 2. Hôm qua cũng là một ngày đáng nhớ của tiền đạo Trần Đức Dương. Anh có một buổi chiều siêu kinh… khủng. Hàng loạt cơ hội đã trôi qua mũi giầy của Đức Dương một cách đáng tiếc. Thậm chí, khi trong khung gỗ chẳng còn ai thì Đức Dương vẫn dễ dàng đá bóng ra ngoài. Nhìn khuôn mặt thất thần, ánh mắt tuyệt vọng của Đức Dương sau tình huống hỏng ăn không tưởng chiều qua để thấy rằng, anh đang sống trong những ngày tháng bất lực và khủng hoảng nhất trong đời cầu thủ. Vẫn chơi bóng hết mình, vẫn được HLV Vương Tiến Dũng tin tưởng, nhưng cuối cùng, Đức Dương chỉ đền đáp cho ông thầy bằng những bước chạy hùng hục và bế tắc. Có cảm giác Đức Dương đang hoảng loạn. Anh đã cố gắng làm tất cả để thoát ra khỏi cái bóng vàng vọt và èo uột của mình. Thế nhưng, đá bóng trong nỗi sợ hãi, trong sự hồ nghi về năng lực thì thật khó để để thăng hoa. Bi kịch của Đức Dương là thế! Cái đen và cái đau của Đức Dương chính là phong độ tệ hại của anh lại trùng với sự sa sút của V.HP. Thế nhưng, một mình Đức Dương không phải là nguyên nhân chính khiến đội bóng rơi vào thảm cảnh, dù rằng, kết quả trận đấu chiều qua có thể đã khác nếu anh thực sự là một cây ghi bàn. Tiếc là Đức Dương trở thành tội đồ bởi người ta chẳng biết bấu víu vào đâu khi chứng kiến con tầu sắp chìm mà anh lại từ chối những chiếc phao cứu sinh từ trên trời rơi xuống. 3. Từ chuyện tiếng, chuyện hình liên quan đến Almeida và Đức Dương, chợt nhận ra rằng, cầu thủ bóng đá dù hưởng mức lương của một cái máy thì vẫn là con người. Mà con người thì có lúc trồi, lúc sụt nên cách đánh giá phải thật sự công bằng và bao dung. Và nói cho cùng, đội bóng là một tập thể, gánh nặng cần được chia đều cho tất cả các thành viên. Và khi thất bại, lỗi thuộc về hệ thống, về chính sách, chứ không để đổ hết lên vai một ai đó đã phủi hết trách nhiệm của mình.

BongdaPlus