Dù thế, dường như dư luận đã dễ dàng đoán định chủ nhân của Quả bóng vàng 2010 khó thoát khỏi tay tiền vệ Minh Phương. Đơn giản bởi Phương là tiêu biểu của mẫu cầu thủ chuyên nghiệp, tài đức vẹn toàn. Đã thế, Minh Phương càng “ghi điểm” khi tuyên bố giã từ màu áo ĐT Việt Nam, khiến cho sự ủng hộ anh càng mãnh liệt.
Nếu quả thực Phương “trúng cử” đợt này, hẳn những Tấn Trường, Thành Lương, Trọng Hoàng, Vũ Phong hẳn cũng đồng tình ủng hộ. Phương không nổi trội trong năm 2010, nhưng nhìn xuyên suốt hơn 10 năm cống hiến, anh xứng đáng được ghi nhận bằng một danh hiệu cao quý.
Với bóng đá Việt Nam, để tìm ra mẫu cầu thủ khiến dư luận hoàn toàn tin tưởng về tư cách như Minh Phương, là không nhiều. Những scandal liên quan đến sao bóng đá đã phổ biến chẳng khác gì sao ca nhạc. Tính chất thương mại hóa, kể cả có phần giải trí hóa, trong thể thao vua đã thực sự khiến cho các nhà tổ chức khó tìm ra những thần tượng trong mỗi lần bầu bán. Bản thân không ít cầu thủ sau khi đạt danh hiệu Quả bóng vàng đã rẽ sang một hướng khác, không kém phần tiêu cực. Thực tế, qua ứng xử và lối sống, một bộ phận lớn những ngôi sao bóng đá Việt Nam vẫn chưa nhận được sự thiện cảm của xã hội.
Minh Phương (12) may mắn có cả tài năng lẫn đức độ
Trong bối cảnh đó thì những ứng cử viên vượt trội về tiêu chí tư cách, đạo đức so với các đối thủ, sẽ chiếm ưu thế và nhận được sự đồng thuận trong dư luận. Cuộc bầu bán Còi vàng cũng kết thúc có hậu. TT Võ Minh Trí đã chiến thắng, dù ai cũng biết ông này chẳng được lòng HĐTT QG cũng như anh em trong nghề. Nhưng, ông Trí vẫn nổi trội về tư cách lẫn độ sạch. Minh Phương may mắn có cả 2, nên việc anh giành chiến thắng lần này, là chuyện dễ hiểu. Chiến thắng này mang một thông điệp: nếu cầu thủ biết quý trọng cái nghề của mình, thì chắc chắn sẽ nhận được kết thúc có hậu. Hôm rồi, trao đổi với chúng tôi, Văn Quyến, người đoạt danh hiệu Quả bóng vàng năm 2003, đã tiếc nuối rằng: “Thành công sớm đã hại tôi”. Đúng thế, cầu thủ chúng ta giờ thu nhập quá cao, nên ứng xử với đồng tiền rất lúng túng, rất dễ nhiễm những thói hư tật xấu để rồi đánh mất mình. Năm nay đã 31 tuổi, dù thể lực không sung mãn, nhưng Minh Phương vẫn có cái giá 5,7 tỷ, con số đó biết quả thực biết nói. Bóng đá cũng như cuộc đời, để tìm ra những người tử tế trong thời buổi kim tiền đang leo thang, quý lắm. Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn nửa nghiệp dư, nửa chuyên càng cần những nhân tố mang tính biểu tượng, để tạo được niềm tin cho người hâm mộ về công cuộc chấn hưng bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Các ứng cử viên cho danh hiệu Quả bóng vàng lần này cũng ổn về tư cách, lại trẻ trung. Trong số đó, Minh Phương thực sự là tấm gương sáng. Chắc chắn sau này, khi anh theo đuổi nghề HLV sẽ nhận được sự tôn trọng của học trò. Thầy nào, trò nấy mà! Nếu như Huỳnh Đức ngày mới ra Đà Nẵng không được đồng đội nể phục khi đeo băng đội trưởng, thì Minh Phương lại khác. Tiền vệ này vẫn nhận được sự tôn trọng của anh em cầu thủ, kể cả những người Đà Nẵng. Quả bóng vàng 2010 đang vẫy gọi cựu thủ quân ĐT Việt Nam, vẫy gọi bóng đá TPHCM sau 8 năm vắng bóng. Huỳnh Đức đoạt danh hiệu này năm 2002, sau đó đã ra Đà Nẵng lập nghiệp. Với những người có trách nhiệm với bóng đá Sài Gòn, họ nghĩ gì khi 2 danh hiệu cao quý năm 2010 (Còi vàng Võ Minh Trí và Minh Phương nếu đoạt Quả bóng vàng) chủ nhân của nó có hộ khẩu Sài Gòn, mà bóng đá địa phương lại đang bê bết? Kể cũng trớ trêu thật!