PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

V-League: Mỏ tiền của ngoại binh

Thứ tư, 04/05/2011 10:46

"Nếu không chơi bóng ở V.League, có lẽ tôi vẫn sống ở những căn nhà lụp xụp được dựng lên bởi vài tấm tôn hoặc bìa cát- tông tại Soweto, Nam Phi” - Philani tâm sự một cách tự hào.

Cách đây một năm, khi đất nước Nam Phi tưng bừng tổ chức World Cup 2010 thì một cầu thủ đang chơi ở V.League bỗng trở thành một hướng dẫn viên tình cờ. Đó là Philani, cầu thủ đến từ một vùng quê nghèo của Nam Phi. Chiếc BMW đắt tiền và cuộc sống mới Các phóng viên Việt Nam có điều kiện tác nghiệp ở Nam Phi không khỏi trầm trồ khi nhìn Philani phóng vun vút trên chiếc BMW láng cóng, rất sành điệu. Ở Nam Phi không thiếu xe hơi, nhưng người dân tại đây không quen dùng những chiếc xe thật đắt tiền và vì thế Philani nổi bật với chiếc xe của mình.

Chính việc chơi bóng và lãnh lương ở V.League đã giúp Philani đổi đời và trở thành một người giàu có ở Nam Phi.

"Nếu không chơi bóng ở V.League, có lẽ tôi vẫn sống ở những căn nhà lụp xụp được dựng lên bởi vài tấm tôn hoặc bìa cát- tông tại Soweto, Nam Phi” - Philani tâm sự một cách tự hào. "Ở Nam Phi lương của cầu thủ không cao, nhất là những cầu thủ không phải là ngôi sao. Vì thế, nếu cứ chơi bóng tại quê nhà, hẳn tôi sẽ không có chiếc xe này". Philani từng là một cầu thủ được gọi vào đội tuyển U20 Nam Phi nhưng ở đất Nam Phi, những cầu thủ như Philani bạt ngàn như cây rừng. 6 năm trước Philani cập bến B.Bình Dương với mức lương khởi điểm là 6.000 USD/tháng, không quá thấp so với mặt bằng chung cầu thủ ngoại khi ấy. Điều mà tất cả các cầu thủ B.Bình Dương ghi nhận là Philani rất… tiết kiệm, khoản lương ấy hầu như được cầu thủ này gửi về gia đình. Tại sao những cầu thủ như Philani chấp nhận đến Việt Nam, nơi vẫn được cho là vùng trũng của bóng đá mà không đến châu Âu hay Úc? Câu trả lời là vì tiền. Có vẻ như nghịch lý khi so sánh một năm làm việc của Philani chỉ bằng thù lao… một tuần của của những siêu sao cỡ Rooney hay C.Ronaldo. Tất nhiên Philani không thể gọi là siêu sao, trình độ của cầu thủ này là phù hợp với bóng đá Việt Nam, nơi anh có thể đá bóng và đổi đời. Đầu mùa bóng này, Philani được ký tiếp hợp đồng 2 năm với khoản lương mới là 8.000 USD/tháng và số tiền lót tay lên tới 200.000 USD. Đối với người Nam Phi, đó đã là một khoản tiền rất lớn đặc biệt là sau khi trừ thuế. Thử hỏi làm sao mà Philani không tiếp tục gắn bó để có thể trở thành giàu có sau một vài năm nữa. Điểm đến lý tưởng Nhiều cầu thủ từ châu Phi đến Việt Nam du lịch, với tố chất và thể lực tốt nhiều người thử sức mình trong lĩnh vực bóng đá để hy vọng kiếm được một khoản kha khá. Đã có những người thành công. Chẳng hạn như cầu thủ Antonio Rodrigues trong một lần đến thăm anh trai của mình là Carlos khi đó là cầu thủ ở ĐT.LA đã được phát cho đôi giày và thử chơi bóng. Không ngờ Antonio chơi được và "bỗng nhiên" trở thành cầu thủ chuyên nghiệp từ đó tới giờ với mức lương khoảng 10.000 USD/tháng. Đối với nhiều cầu thủ, đến Việt Nam chơi bóng - kiếm tiền là một công việc khá dễ dàng. Năm 2008, V.League rộ lên chuyện cầu thủ từng lập kỷ lục thế giới về chuyển nhượng là Denilson cập bến Hải Phòng. Nếu không phải cái đầu gối bị đau thì có lẽ Denilson đã kiếm được một mớ kha khá mà nằm mơ giữa ban ngày cầu thủ này cũng không hy vọng có được. Lee Nguyễn - cầu thủ từng khoác áo tuyển Mỹ đã có lần bật mí: "Ở Mỹ, một cầu thủ đá bóng trung bình không hy vọng bỏ túi hàng tháng khoảng 10.000 USD. Nếu xét về lương, họ có thể cao hơn nhưng thuế và các khoản chi phí khác khiến cho nghề bóng đá ở Mỹ chi đủ sống, tất nhiên là trừ những ngôi sao luôn có những cái giá đặc biệt". Không ngẫu nhiên mà Lee Nguyễn từ chối những CLB ở châu Âu để về Việt Nam thi đấu."Việt Nam bây giờ là điểm đến lý tưởng cho những cầu thủ nhàng nhàng đến kiếm tiền" - Lee Nguyễn nói. Một trường hợp khác, Leandro cầu thủ đang chơi cho Bình Dương, cũng từng khoác áo U20 Brazil song có lẽ chính cầu thủ này cũng không thể ngờ rằng chỉ sau 2-3 năm chơi bóng ở Việt Nam, anh có thể kiếm nửa triệu USD từ tiền lót tay và mức lương 20.000 USD/tháng. Đất lành chim đậu V.League 2011 có một điểm đặc biệt là số lượng các cầu thủ ngoại đã và đang khoác áo ĐTQG khá đông. Một con số ít người chú ý đến là có đến 13 ngoại binh đã và đang là tuyển thủ của 9 ĐTQG khác nhau. Số lượng "hàng tuyển" này chiếm đến 23% tổng số ngoại binh ở V.League. Đây là con số khá cao so với 1 giải đấu ở vùng trũng như V.League.

Mùa bóng 2011, cả V.League và giải hạng nhất quy tụ tới 108 ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Trong đó, V.League với 66 cầu thủ (56 ngoại binh và 10 cầu thủ nhập tịch).

Trong số 13 "hàng tuyển" trên, có nhiều người đang là tuyển thủ quốc gia như Kavin Bryan đang khoác áo ĐTQG Jamaica hay Danny Davids cũng được ĐTQG Tanzania gọi về khoác áo ĐTQG ở loạt trận giao hữu vừa qua. Ngoài ra, còn có một số cầu thủ cũng mới được tập trung ĐTQG trong thời gian vòng 1 năm qua như Allan Wanga (Kenya), Devon Hodges (Jamaica), Osas Idehen (Nigeria) hay Abdi Kassim (Tanzania)…

Có lẽ trong lịch sử chưa bao giờ V.League xuất hiện nhiều "hàng tuyển" đến thế. Song nó cũng chứng minh một điều là V.League giờ có sức hút rất mạnh khi mà giá chuyển nhượng cũng như những khoản lương rất "ngon" đang vẫy gọi.

Dân Việt