PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

V-League nhìn từ đội tuyển quốc gia: Một gánh nặng?

Thứ sáu, 01/07/2011 16:21

Giải vô địch quốc gia là nơi cung cấp cầu thủ cho đội tuyển, cái đó thì ai cũng biết. Thành ra, cứ nhìn chất lượng của đội tuyển thì sẽ hiểu V-League đang hoạt động “lành mạnh” hay không.

Sự tỏa sáng của Lê Công Vinh được ghi nhận như nỗ lực của cá nhân anh nhiều hơn quá trình anh hồi phục phong độ nhờ V-League. Ngược lại, như trường hợp của Quang Hải hay Tài Em thì V-League lại là nơi che mờ tài năng của họ. Hồi năm 2010, Quang Hải chơi rất hay trong màu áo Khánh Hòa. Khi anh lên tuyển đá chính và không ghi được bàn, tưởng là sẽ lấy lại tất cả khi được chuyển sang chơi bóng cho đội nhà giàu Navibank Sài Gòn. Ai ngờ, tại đây Quang Hải tiếp tục “chìm” và khi trở lại tuyển, anh vẫn tiếp tục là cái bóng của chính mình. Tài Em thì không sa sút rõ bởi anh không phải đảm nhiệm việc ghi bàn nhưng cách chơi của tiền vệ này đang có chiều hướng thụ động sau một quá trình dài không “bật” lên nổi ở Navibank Sài Gòn. Hồi còn đá cho ĐT.Long An, Tài Em thể hiện thường xuyên chất thủ lĩnh nhưng bây giờ, anh đang cố đá cho tròn vai.  

Tài Em không còn giữ được “chất” thủ lĩnh như trước đây. Ảnh: Hoàng Hùng

Một loạt tuyển thủ quốc gia đang rơi vào trạng thái tuột dốc trong môi trường V-League. Như Thành, Việt Thắng, Tấn Trường, Hồng Sơn, Minh Châu… Một phần là do họ, phần còn lại là vì sự sa sút chung của cả CLB. Nhưng nhìn đi, nhìn lại, cũng chẳng thấy ai thay thế họ cả. Vậy thì chất lượng V-League được đánh giá thế nào? Mang tiếng là một giải chuyên nghiệp nhưng cho đến nay, một hệ thống theo dõi chuyên môn cho khoa học đối với V-League hầu như không có. Người ta đang có thói quen đo lường sức mạnh của một đội bóng dựa trên các cái tên. Tất nhiên, đo kiểu ấy thì chỉ là tương đối. Nhìn từ phần còn lại của mùa giải 2011 này, thấy gì? Cơ bản cũng chỉ là sự cuốn hút từ nhóm đang cố trụ hạng chứ không phải cuộc đua tam mã bên trên. Với chức vô địch, có lẽ chỉ còn chờ cuộc đối đầu trực tiếp giữa SHB Đà Nẵng và SLNA ở vòng tới mà thôi. Ai thắng trong trận đó, có nhiều khả năng sẽ đăng quang cuối mùa. Nhưng điều quan trọng hơn, chẳng phải đến bây giờ mà kể từ khi kết thúc lượt đi, người ta cũng chỉ biết có những cái tên ấy cho danh hiệu vô địch mà thôi. Vậy thì làm sao gọi là cạnh tranh được. Trong khi đó, ở cuộc đua còn lại, thật ra cũng chỉ là những tính toán “tránh” và “né” chứ không phải giành giật nhau từng điểm. Các HLV sẽ tìm cách tập trung cho những trận phải thắng và hòa hoãn ở các trận còn lại. Đá bóng kiểu như vậy, lấy gì sản sinh ra cầu thủ giỏi. Lỗi không phải nằm ở các HLV. Họ buộc phải làm thế. Vấn đề là tại sao một giải đấu vô địch mà lại không còn nhiều người đua tranh ngay khi kết thúc lượt đi. Khát vọng ở đâu? Quyết tâm ở đâu? Tự trọng nghề nghiệp ở đâu? Có chuyện thế này: ở một số đội bóng trong thời điểm hiện tại đang tính chuyện cho… mùa sau. Họ đang lên kế hoạch mua quân, tuyển tướng, làm giá cho mùa kế tiếp sau khi đã tìm được cách “hạ cánh an toàn” ở mùa này. Cầu thủ đi đá bóng mà cứ nghe lãnh đạo an ủi kiểu “cứ đá trụ hạng đi đã, chờ mùa sau” thì còn gì mà phấn đấu? Thế thì chúng ta mới có một đội tuyển mà ngay từ lúc tập trung thôi đã không đủ người giỏi nhất và thiếu từ thủ lĩnh đến những cá nhân nổi bật.

SGGP Online