PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Vô địch V-League - vừa sướng vừa sợ

Thứ năm, 21/04/2011 14:47

Với bóng đá, hơn chục đội cày trối chết mới có một anh vô địch. Thế nên, đoạt được ngôi quán quân vinh quang và hạnh phúc quá còn gì.

Tâm lý sợ vô địch bắt nguồn từ thời bao cấp, khi vô địch phải đi đá các giải châu lục vừa tốn tiền lẫn hành xác. Thời buổi ngăn sông cách chợ, tiền đâu ra, phải như bây giờ xuất ngoại không còn nặng nề với các đội bóng. Chính SLNA năm 2001 từng chấp nhận nộp phạt 2.000 USD để tránh cái của nợ AFC Champions League.

HN.T&T mới vô địch V-League một lần nhưng lãnh đạo đội bóng đã lo lắng về chuyện cầu thủ không còn động lực. Ảnh: VSI

Sợ vô địch, thế mới có cảnh cái Cúp QG đội nào cũng chối đây đẩy, đủ chuyện hài hước xẩy ra. Ví dụ như năm 2008, HN.ACB của bầu Kiên đã đánh bại nhà vô địch B.BD làm thiên hạ ngã ngửa. Đến thời điểm này, chuyện sợ vô địch đã phát triển theo hướng khác. Trước hết, muốn vô địch, tất nhiên phải thắng nhiều, đồng nghĩa với ông chủ phải mở két liên tục để thưởng. Để có được 2 chức vô địch của SHB.ĐN và HN.T&T, bầu Hiển đã phải chi hơn 100 tỷ đồng. Nhớ mùa giải 2009, cô kế toán trưởng Công ty CP Thể thao SHB.ĐN có lần nhận tin thầy trò Huỳnh Đức thắng kêu lên thất thanh: “Lại thắng nữa à”, rồi suýt “ngất”! Câu chuyện ấy có thật, vì cô là phụ nữ nên không khỏi nóng mặt khi chi tiền liên tiếp với số lượng nhiều như vậy. Bầu Hiển vụ đó đã phải nhắc nhở cấp dưới không nên có thái độ thế, đội thắng lẽ ra phải vui, “tiền có phải của cô đâu mà xót”. Rồi, HN.T&T vô địch, bầu Hiển còn còn phải thưởng một cục 5 tỷ như đã treo ban đầu, choáng! Tất nhiên, không phải đội nào cũng có ông chủ hào phóng và nhiều tiền như bầu Hiển. SLNA lượt về muốn vô địch, thì dứt khoát Ngân hàng Bắc Á phải bơm nhiều tiền thì quân mới không mỏi gối. Không khó cảm nhận mấy ngày qua, BHL và lãnh đạo SLNA đang ngóng chờ một tín hiệu bắn ra từ nhà tài trợ. Đồng Tháp cũng đâu phải là đội bóng dư giả tài chính. Nỗi sợ hậu vô địch cũng ám ảnh ghê gớm. Cuộc đời là thế, khi đã đạt đến đỉnh, thì không còn động lực để phấn đấu là chuyện khó tránh khỏi. Mặt khác, áp lực để bảo vệ hình ảnh một quân vương khiến nhà vô địch dễ mất phương hướng. ĐTQG sau khi đăng quang AFF Suzuki Cup 2008 đã không còn là mình, áp lực của kẻ số một còn đè nặng cả đàn em U23. Đá bán kết gặp Malaysia sân họ lẽ ra phải chơi phòng ngự-phản công sở trường, thì chơi tấn công vì “nhà vô địch không thể chơi phòng ngự-phản công”, khổ chưa? Ở cấp độ CLB, HA.GL, ĐT.LA, B.BD đã trôi một mạch khi nhận cú đúp. SHB.ĐN một năm sau khi làm vua, đã gây thất vọng não nề, không ai có thể tin nổi. Nhiều cầu thủ của họ cũng thừa nhận, từ ngày vô địch đội nào gặp SHB.ĐN cũng đá chết bỏ, “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Bản thân các ông HLV trưởng đội bóng vô địch cũng luôn phải đối diện với ám ảnh bị lãnh đạo cho ra đường. Bất cứ HLV nào cũng sợ phát khiếp quân mình bị chèo kéo khi đã đạt chút thành tựu. Khi vô địch, tư thế và giá trị của cầu thủ nghiễm nhiên lên cao, họ yêu sách đủ bề. SHB.ĐN sau mùa giải 2009, đùng một cái hàng loạt cầu thủ buộc lãnh đạo phải lót tay, nâng giá cho mình. Lãnh đạo đội bóng chần chừ, thế là mùa giải 2010 họ không chịu đá, nội tình cứ loạn lên để đòi bằng được điều mình muốn. Bầu Hiển cuối cùng phải đáp ứng yêu sách, nhưng đã muộn khi SHB.ĐN đã nát một mùa bóng. K.KH, TĐCS.ĐT chưa vô địch, năm nào cũng bị chảy máu lực lượng vì đá tốt nên các đại gia nhòm ngó. Đội bóng của HLV Phạm Công Lộc đang có dấu hiệu bị “chích quân” rồi đấy! Nếu năm nay đội bóng xứ bưng biền lỡ đăng quang thì sang năm e không còn người đá. Thế nên, vô địch vừa sướng vừa sợ, sợ nhất là hậu vô địch thường có có kịch bản rất đen tối.

TTVH Online