PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Weder Bremen: Phút huy hoàng còn sót lại

Thứ năm, 10/03/2011 14:35

Gần một thập niên qua ở Đức, nói về bóng đá tấn công, người ta chỉ có thể nhắc đến những Nhạc công thành Bremen như một câu trả lời mặc định.

Thứ bóng đá quyến rũ, vị nghệ thuật mà bộ đôi Klaus Allofs – Thomas Schaaf định hình cho đội bóng chủ sân Weserstadion từ những ngày đầu, đã tiến đến những đỉnh cao đáng ngưỡng mộ. Chẳng thế mà đã có thời, người ta thậm chí còn so sánh họ như một Arsenal của nước Đức đấy thôi.

Thế nhưng, từ hai mùa trở lại đây, Bremen liên tục có những dấu hiệu cho thấy sự chững lại đáng ngạc nhiên. Dường như niềm vui, cảm hứng và sự say mê ở những đôi chân Nhạc công kia đã và đang có vấn đề gì đấy…

Thomas Schaaf & Klaus Allofs – Đôi bạn thân và huyền thoại ở Weserstadion. Ảnh Daylife.

Căn bệnh mãn tính mang tên Werder

“Tôi vô cùng ngạc nhiên về sự tồi tệ của Werder. Dường như hầu hết trong số họ đều đã từ bỏ hi vọng. Chẳng có một chút tinh thần đồng đội nào ở đội bóng ấy cả. Thậm chí, trong 90 phút họ chẳng buồn nói với nhau lời nào”. Hậu vệ Volkan Yaman (Eskisehirspor – Thổ Nhĩ Kì) – người từng có dịp chạm chán đội bóng nước Đức trong trận giao hữu hồi tháng 1 rồi, đã trao đổi với các phóng viên sau trận như thế.

Đấy là nhận định của một cầu thủ ở ngoài biên giới Bundesliga. Yaman tỏ vẻ rất ngạc nhiên và pha chút thất vọng về đối thủ mà anh đã từng nghe hay thấy ở họ những điều tốt đẹp. Thế nhưng, lời nhận xét ấy quả không sai chút nào. Kết thúc trận đấu, đội quân của Thomas Schaaf thảm bại 1-3. May mà Eskiseyispor chỉ là một đội hạng trung ở Thổ thôi đấy!

Thành tích và phong độ của Bremen trong gần hai mùa qua thật đúng là khó giải thích. Chẳng mấy khi họ có màn trình diễn suôn sẻ trong xuyên suốt cả hành trình. Một kịch bản quen thuộc đã được các cổ động viên nằm lòng: khởi đầu sóng gió, bất ngờ “nóng máy” trong vài vòng đấu kế tiếp rồi lại sa sút không phanh ở cả giai đoạn dài trước khi dùng tất cả sức bình sinh quật dậy vào cuối mùa.

Ban đầu, một vài khoảnh khắc chuệch choạc như thế có thể hiểu như sự thiếu tập trung hay dấu hiệu mệt mỏi. Nhưng khi chúng diễn ra như một thói quen mãn tính, người ta gọi đó là căn bệnh và dĩ nhiên nó không hề dễ chữa chút nào. Đến như Thomas Schaaf, người đã chơi bóng và nắm giữ Bremen trong suốt cả sự nghiệp, còn cảm thấy bất lực nữa huống hồ…

Chuyện gì đang xảy ra?

Mikael Silvestre – hậu vệ kỳ cựu từng khoác áo cả Man Utd và Arsenal, nở nụ cười e ngại với cánh phóng viên ”Nếu biết cụ thể chuyện gì đang xảy ra, tôi đã nói cho các ông và chắc chắn chúng tôi cũng chẳng rơi vào tình trạng thế này”. Chẳng rõ cầu thủ người Pháp suy nghĩ thế nào, lúc sau lại vớt vát thêm “Chúng tôi thiếu trầm trọng sự tự tin cần thiết. Hơn nữa, tình trạng chấn thương dồn dập của các trụ cột cũng khiến tình hình thêm rối ren”. Silvestre, một nhân vật trong cuộc và cũng là kẻ đá chính 2/3 số trận của Bremen mùa này, đã nhận định như thế.

Nhưng dù thế nào, cầu thủ người Pháp cũng không thể lảng tránh khỏi một sự thật rất rõ nét, Bremen đang rất thiếu “con người”. Cụ thể như vị trí trung phong cắm và hộ công, nơi trước đây được xem là đặc sản rất riêng của đội bóng miền Bắc nước Đức.

Trong lối chơi mà Nhạc công đã thiết lập và định hình suốt hơn một thập niên qua, vị trí hộ công hay nhạc trưởng trong lối chơi chính là nơi quyết định tính sống còn của cả hệ thống. Johan Micoud về Pháp nghỉ hưu, Diego đến và chinh phục hàng triệu trái tim, khi số 10 người Brazil ra đi thì Oezil xuất hiện. Dưới bàn tay sắp đặt của Schaaf, tất cả họ đều nhanh chóng hòa nhập vào lối chơi tổng thể và phát huy tốt nhất mọi phẩm chất có thể.

Những giờ đây đó đã là chuyện của quá khứ, của những năm rồi tháng nọ. Bremen hiện tại, có đào xới cả hàng tiền vệ lên, cũng chẳng thể tìm ra một ai đó có phong cách và hình ảnh của những bậc tiền bối. Cái tên khả dĩ nhất là Aaron Hunt lại luôn mang đến một ý niệm, anh mãi mãi chỉ là một cầu thủ loại hai mà thôi! Sở hữu một vài ưu điểm khá thích hợp cho vị trí hộ công, tuy nhiên phong độ thất thường và bản lĩnh yếu kém đã khiến anh sa sút theo thời gian. Cầu thủ 21 tuổi gốc Bosnia Marko Marin lại không phải mẫu nhạc trưởng điển hình. Anh sở hữu thể hình nhỏ nhắn, nhanh nhạy và khéo léo, có thể đáp ứng yêu cầu kiến tạo lẫn trực tiếp ghi bàn. Thế nhưng, cũng như Hunt, Marin chỉ chơi tốt nếu được bố trí đá bên cạnh một thủ lĩnh đúng nghĩa. Và thực tế, kể từ khi đến Bremen, phần lớn vị trí mà Marin được đặt vào vẫn là ở hai cánh hoặc trở thành tiền đạo ảo hỗ trợ cho trung phong Pizarro.

Tuổi 35 không ngăn Frings ngừng chiến đấu. Ảnh: Daylife.

Không thể nhận thông tin lạc quan từ những người thay thế, Schaaf trông đợi cả vào tài năng và bản lĩnh của cựu binh Torsten Frings – người được giao nhiệm vụ lĩnh xướng cả trục xương sống mà Bremen đang thiết lập. Nhưng đó lại là một niềm tin vô vọng, bởi Frings – một cầu thủ đã bước sang tuổi 35, phong độ và thể lực đã suy giảm trầm trọng, không thể gánh vác nổi trọng trách ấy. Những vệ tinh được bố trí bên cạnh anh, cũng chẳng thể tạo nên chút lạc quan ít ỏi nào. Philipp Bargfrede, Tim Borowski, Aaron Hunt hay Daniel Jensen – kẻ thì quá non, người thì già cỗi, sa sút đến không phanh hoặc cả hai lí do ấy. Như Borowski chẳng hạn, kể từ ngày trở về từ Munich, anh chơi bóng cứ như kẻ mộng du và mất hút từ tận mùa năm ngoái.

Tuyến giữa, một trong những điểm sáng nhất trong lối chơi Werder Bremen gần một thập niên qua, bỗng dưng trở thành gánh nặng cho toàn đội. Hỗ trợ phòng thủ cũng tệ mà tham gia tấn công cũng chẳng nên hồn. Khi trục xương sống không còn vững vàng, nguy cơ sụp đổ của cả hệ thống mà Schaaf xây dựng hoàn toàn luôn ở trong tình trạng báo động. Ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng nhất là hàng công, nơi Claudio Pizarro vốn dĩ đang bị nhiều chấn thương hành hạ suốt cả mùa qua, liên tục rơi vào tình trạng đói bóng hoặc bị cô lập. Các mũi tấn công khác như Sandro Wagner lại không tạo được dấu ấn như mong đợi hoặc thậm chí còn làm tình hình đội bóng thêm rối ren như trường hợp của Marko Arnautovic. Với những lí do đó, thật chẳng ngạc nhiên khi số trận đấu Bremen không ghi bàn hoặc kết thúc ở tỉ số 0-0 xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là một sự thật mà không ai tưởng tượng nổi ở một đội bóng nổi tiếng chơi tấn công đẹp mắt và hiệu quả nhất nhì Bundesliga!

Tấn công vốn dĩ là bản sắc và truyền thống của Nhạc công. Nhờ nó mà lối chơi toàn đội được vận hành trơn tru và thanh thoát hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tuyến trên rơi vào tình trạng lúng túng, không lối ra thì hàng phòng ngự cũng bỗng dưng trở chứng không đúng lúc. Thủ lĩnh Mertesacker sa sút và không ít lần cùng đàn em Sebastian Prodl (đá thay Naldo chấn thương, nghỉ hết mùa) trở thành trò đùa để tiền đạo đối phương khai thác. Bên cánh trái, Mikael Silvestre tiếng là từng đá cho hai đội bóng lớn nhất nước Anh nhưng về khoản phạm sai lầm thô thiển, khó ai qua được lão tướng 34 tuổi này!

Tóm lại, chưa có mùa nào Bremen chơi tệ như mùa này. Từ công cho tới thủ, tất cả đều gặp những vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Lần đầu tiên, hàng thủ lập kỉ lục giúp Bremen trở thành đội bóng có số bàn thua đứng thứ nhì ở Bundesliga. Tuyến tấn công chơi thiếu sáng tạo, không có thủ lĩnh đúng nghĩa giúp điều tiết và phân phối bóng hợp lí như trước đây. Hơn nữa, hầu hết các vị trí trụ cột nếu không dính chấn thương dài hạn thì cũng đều có phong độ sa sút thảm hại, cộng thêm tinh thần và sức đoàn kết không thật sự ổn định, thế nên chẳng ngạc nhiên khi Nhạc công chơi bê bết đến thời điểm này của mùa giải.

Ánh sáng cuối đường hầm hay chút tàn dư của ngày huy hoàng?

Với Werder Bremen, những hình ảnh này đã không còn xa lạ. Ảnh: Daylife.

Phút 90, Marko Marin dốc bóng từ vòng tròn giữa sân đến tận khu cấm địa Freiburg, một nhịp sửa bóng qua đôi tay thủ thành Oliver Baumann trước khi đệm lòng vào lưới trống. 3-1 cho Bremen! Bên ngoài sân, Thomas Schaaf nhảy cẫng lên như một đứa trẻ, rồi ông ôm chầm lấy Tim Borowski, Petri Pasanen cùng các cầu thủ dự bị vốn đã đứng sát đường biên tự lúc nào chẳng rõ. Cái cách mà họ thể hiện sự sung sướng được truyền hình quay chậm đến đôi ba lần, cứ như thể đây là trận quyết đấu để giành Đĩa bạc vậy.

Như vậy, đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đến một tuần, thầy trò HLV Thomas Schaaf lại có dịp hỉ hả cùng các cổ động viên. Trước đó, trong trận đấu với Leverkusen, Sebastian Prodl với cú đánh đầu xuất thần trong những giây cuối cùng, đã giúp Nhạc công bất ngờ giữ lại một điểm ở Weserstadion.

Chút màu xanh hi vọng ở đường hầm tối tăm, với những ai yêu mến và am hiểu về đội bóng này, hình ảnh đó chẳng còn chút gì lạ lẫm nữa rồi. Tuy nhiên, khi Bremen vẫn cứ đang tiếp tục duy trì kiểu cách chơi bóng đáng xấu hổ ấy, không hiểu Klaus Allofs – Thomas Schaaf, bộ đôi huyền thoại của Weserstadion đang nghĩ gì nữa.

Và khi lãnh đạo đội bóng còn đang bận tâm tìm mọi cách chống chọi với dư luận và người hâm mộ thì Daniel Jensen – một cựu binh người Đan Mạch đã lên tiếng “Tôi đã ở đây gần bảy năm, nhưng chưa bao giờ Bremen lại đi ngược truyền thống chơi bóng tấn công quen thuộc như hiện nay cả”. Nói như Jensen, Nhạc công chẳng những không theo kịp nhịp sống sôi động mà Bundesliga đang đổi thay từng giờ từng ngày, mà còn đánh mất luôn cả bản sắc và những con người đích thực từng làm nên thứ bóng đá đắm say hàng triệu triệu khán giả.

Werder Bremen cần một sự thay đổi, cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Thực tế là vậy, nhưng làm một cuộc cách mạng đâu phải dễ dàng gì, nhất là người lãnh đạo đội bóng này là một gã đàn ông tiêu biểu cho đế chế của sự bảo thủ – Klaus Allofs. Chưa kể, lòng tin của người hâm mộ dành cho Thomas Schaaf chưa hẳn đã nguội lạnh. Khẩu hiệu “Thomas Schaaf bliebt” – “Thomas Schaaf, hãy ở lại!” liên tiếp được giương lên trên khán đài hai trận gần đây có thể xem là bằng chứng cụ thể.

Vẫn những con người cũ kỹ, sống nhờ vào niềm tin bất diệt ở quá khứ cùng một tư duy không thay đổi, chẳng hiểu tương lai của Werder Bremen rồi sẽ trôi về đâu. Ngôi sao đáng kể thì cũng còn Wiese, Mertesacker hay Marin trong khi tài năng trẻ tiêu biểu có thể kể đến Florian Trinks hoặc Felix Kroos. Nhưng nếu cứ “gặt” mãi mà không “ươm trồng” đâu ra đó thì sớm muộn gì cũng từ mất mùa đến phá sản mất thôi!

Tinthethao365
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới