Bạn đừng nghĩ chỉ có bổ sung dinh dưỡng hay uống các loại thuốc mới giúp bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu thực hiện được những điều đơn giản dưới đây, bạn vẫn có thể hoàn toàn khỏe mạnh.
1. Gọi điện cho mẹ để giảm căng thẳng
Mẹ có thể không phải là người đầu tiên bạn nghĩ đến khi muốn giảm lo âu và căng thẳng. Nhưng thực tế, mặc dù mẹ bạn có thể cằn nhằn bạn một vài thời điểm nhưng khi bạn rơi vào trạng thái stress hay căng thẳng thì mẹ của bạn cũng là người giúp bạn giải tỏa tốt nhất.
Một nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Wisconsin Madison đã kết luận điều này. Các nhà nghiên cứu tiến hành chia các cô gái tuổi từ 7-12 tuổi tham gia thành 3 nhóm: một nhóm nói chuyện 15 phút với mẹ, một nhóm gọi điện cho mẹ và nhóm còn lại được xem một bộ phim. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ oxytocin - hormone liên quan đến tình cảm gắn bó - tăng ở cả hai nhóm đã tiếp xúc với các bà mẹ của họ thông qua nói chuyện trực tiếp và gọi điện. Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng mức độ của hormone cortisol giảm ở cả hai nhóm nói chuyện với mẹ.
2. Ăn nhiều để giảm cân
Nếu bạn nghĩ rằng chìa khóa để giảm cân là ăn ít hơn, hãy nghĩ lại. Ăn đồ ăn nhẹ lành mạnh trong suốt cả ngày sẽ không những không khiến bạn tăng cân mà còn giữ cho bạn no lâu, tránh ăn nhiều trong các bữa ăn chính nên cũng giúp bạn giảm cân.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng không phải thực phẩm nào cũng có thể ăn suốt cả ngày. Nên tránh các thực phẩm chiên rán, có hàm lượng calo cao. Thay vào đó hãy chọn nhóm thực phẩm giàu protein như bơ đậu phộng, pho mát và sữa chua... Chúng vừa ngon miệng lại có thể giúp cải thiện sự trao đổi chất của bạn và khuyến khích xây dựng cơ bắp.
3. Uống nước để tăng năng lượng
Nước là "liều thuốc kỳ diệu" của tự nhiên. Nó cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn, thúc đẩy giảm cân và tăng cường sinh lực cho bạn, giúp bạn luôn tỉnh táo... các nhà nghiên cứu tại Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt cho biết.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng uống nước giúp tăng cường hoạt động của hệ thống thần kinh giao cảm (SNS). SNS chịu trách nhiệm kích hoạt phản ứng của cơ thể khi bị căng thẳng, tăng huyết áp nhằm sử dụng năng lượng và sự tỉnh táo.
4. Không ngủ quá nhiều để tránh mắc hội chứng chuyển hóa
Cho dù bạn luôn ngủ ngon giấc thì cũng không nên lạm dụng chúng. Điều quan trọng là giấc ngủ của bạn phải khiến bạn cảm thấy khỏe mạnh nhất. Nếu có thói quen ngủ khoa học, bạn sẽ có thể tự bảo vệ mình chống lại bệnh tiểu đường, bệnh tim và thậm chí đốt cháy calo.
Nhưng ngủ bao nhiêu thì tốt? Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Dược Birmingham cho thấy những người ngủ hơn 10 giờ một ngày, bao gồm cả ngủ trưa sẽ có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 15% so với những người ngủ ít hơn. Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả bệnh tiểu đường và đột quỵ.
5. Tăng cường sức mạnh não với âm nhạc
Để giúp bạn có được cơ thể cân đối, bạn nên đến phòng tập thể dục. Bạn nên làm gì cho não của bạn? Hãy chơi một nhạc cụ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Reviews Neuroscience đã chứng minh tác dụng của âm nhạc đối với não. Họ nhận thấy rằng học âm nhạc, hoặc bất kỳ sự tương tác nào của âm nhạc (như nghe nhạc) cũng có thể cải thiện khả năng xử lý thông tin của não bộ. Các nghiên cứu xem xét cho thấy trẻ em được đào tạo âm nhạc sẽ có vốn từ vựng và khả năng đọc tốt hơn mức trung bình.
6. Cải thiện mối quan hệ xã hội để bảo vệ trái tim
Các mối quan hệ xã hội không phải lúc nào cũng hoàn hảo nhưng nếu bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng hay khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ, bạn có thể đặt mình vào nguy cơ cao của các vấn đề tim mạch. Theo một nghiên cứu do Hiệp hội tâm lý Mỹ tiến hành thì những người thường cảm thấy không an toàn trong các mối quan hệ sẽ gắn liền với nguy cơ cao bị đột quỵ, cao huyết áp, loét và đau tim. Các nhà nghiên cứu đang xem xét những lợi ích sức khỏe của việc loại bỏ những cảm giác sợ hãi này để tốt hơn cho tim của bạn.