SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Bị sưng nướu răng phải làm sao? Hóa ra 'thủ phạm' chính là chúng, và giải pháp điều trị triệu chứng hiệu quả

Thứ sáu, 15/04/2022 10:49

Sưng nướu răng có thể gây khó chịu, đau đớn, làm ảnh hưởng đến việc ăn uống, giao tiếp. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh khó chịu này nhé.

Sưng nướu hay sưng lợi có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm nướu, nhiễm trùng nướu, thiếu vitamin… Khi bị sưng nướu, bạn có thể gặp khó khăn khi nói chuyện, ăn uống. Biết nguyên nhân và cách trị sưng nướu răng sẽ giúp bạn mau chóng thoát khỏi tình trạng này!

Nguyên nhân gây sưng nướu

Sưng nướu do viêm

Viêm nướu là nguyên nhân phổ biến nhất khiến nướu răng bị sưng. Các triệu chứng của bệnh có thể khá nhẹ nên ít được chú ý điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm nha chu hay rụng răng.

Viêm nướu thường do thói quen vệ sinh răng miệng không đủ sạch khiến mảng bám tích tụ giữa nướu và răng. Mảng bám là một màng gồm vi khuẩn, nước và chất polysaccharide. Mảng bám không được làm sạch trong vài ngày sẽ cứng lại và trở thành cao răng.

Cao răng thường cứng nên khó loại bỏ tại nhà bằng cách dùng chỉ nha khoa hay đánh răng thông thường.

Biểu hiện của viêm nha chu

Tình trạng viêm, sưng nướu cũng có thể là một trong những biểu hiện của viêm nha chu. Khi thấy tình trạng sưng nướu có mủ nghĩa là bệnh đã nghiêm trọng. Nếu mủ ở nướu răng không được điều trị kịp thời sẽ gây hỏng răng, hư xương ổ răng, ảnh hưởng những răng kế cận.

Sưng lợi do mọc răng khôn

Mọc răng khôn cũng có thể khiến nướu răng bị sưng, trong đó phổ biến nhất là tình trạng bị sưng nướu quanh răng khôn hàm dưới. Răng khôn là chiếc răng mọc trong cùng của hàm, xuất hiện trong độ tuổi từ 17-25. Trong vùng răng khôn, mô nướu thường dày và cứng nên khi răng khôn trồi lên, vụn thức ăn bị mắc kẹt trong phần nướu bị tách ở vị trí trong cùng và sẽ bị sưng đỏ kèm theo những cơn đau âm ỉ, nhức nhối.

Cách trị sưng nướu răng đơn giản, hiệu quả, dưới đây là một số mẹo chăm sóc nước răng bị sưng tại nhà:

Làm dịu nướu của bạn bằng cách chải và dùng chỉ nha khoa nhẹ nhàng để không gây kích ứng.

Súc miệng bằng dung dịch nước muối để loại bỏ vi khuẩn trong miệng của bạn.

Uống nhiều nước sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt và làm suy yếu vi khuẩn gây bệnh trong miệng.

Tránh các chất kích thích như nước súc miệng mạnh, rượu và thuốc lá.

Đặt một miếng gạc ấm lên mặt để giúp giảm đau nướu. Chườm lạnh giúp giảm sưng.

Nếu nướu bị sưng hơn 2 tuần, bạn nên nói chuyện với nha sĩ. Nha sĩ sẽ hỏi về thời điểm các triệu chứng của bạn bắt đầu và tần suất chúng xảy ra. Chụp X-quang răng toàn cảnh có thể rất cần thiết. Nha sĩ cũng sẽ muốn biết bạn có đang mang thai hay có bất kỳ thay đổi nào gần đây trong chế độ ăn uống của mình không. Họ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra về tình trạng nhiễm trùng.

Hạ Tú (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới