Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến bạn khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình hoặc bạn bè, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn bạn đến ý định tự tử. Vậy làm sao để nhận biết bản thân đang bị trầm cảm và đưa ra hướng điều trị tốt nhất trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra? Hãy tìm hiểu những dấu hiệu dưới đây nhé.
Cảm xúc tiêu cực kéo dài hơn hai tuần
Các triệu chứng của trầm cảm (Ảnh minh họa)
Đôi khi chúng ta cũng có cảm xúc tiêu cực, nó thường kéo dài và mọi người thường sử dụng các phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề như chia sẻ vấn đề với người khác, mua sắm, gào thét, khóc hay thậm chí đập phá một thứ gì đó. Sau đó cảm xúc tiêu cực sẽ thường biến mất.
Nhưng bệnh nhân trầm cảm thì khác, cảm xúc tiêu cực này sẽ kéo dài và rất khó để cải thiện. Thật khó để những người mắc bệnh trầm cảm vượt qua được cảm xúc tiêu cực và nếu cảm xúc tồi tệ này kéo dài hơn hai tuần đó có thể là biểu hiện đầu tiên của trầm cảm.
Sự thèm ăn giảm bất thường
Không chỉ có cảm xúc tiêu cực mà sự thèm ăn cũng giảm rõ rệt ở những người mắc bệnh trầm cảm. Họ không có hứng thú với ăn uống, thậm chí cả những món ăn yêu thích của mình và cân nặng theo đó cũng tụt nhanh chóng trong vòng hai tuần.
Mất ngủ
Các chuyên gia y tế cho rằng một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh trầm cảm liên quan tới giấc ngủ. Dưới ảnh hưởng của tâm trạng tồi tệ, ăn uống thất thường thì những người này thường mất ngủ, thời gian ngủ giảm từ 2 - 3 tiếng và thực dậy rất sớm vào sáng hôm sau.
Vào ban đêm, họ luôn chìm đắm trong sự bi quan, nghĩ về những việc làm sai lầm trong quá khứ và đổ lỗi cho bản thân mình sao lại vô dụng, tồi tệ đến như vậy.
Không tập trung
Chứng mất tập trung có các biểu hiện rõ ràng như: khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin mới, trí nhớ suy giảm, rối loạn hoạt động hàng ngày và mất dần khả năng ghi nhớ các sự kiện thường ngày. Mất tập trung lâu dài không cải thiện dễ dẫn đến bệnh trầm cảm, sa sút trí tuệ… Thống kê cho thấy mỗi năm có 10-15% bệnh nhân mất tập trung, suy giảm trí nhớ mức độ nhẹ tiến triển thành bệnh trầm cảm.
Những người bị bệnh trầm cảm cũng có những triệu chứng của việc mất tập trung suy nghĩ, thường hay quên này quên kia, vì họ hầu như chẳng còn quan tâm hay thiết tha gì cả.
Giận giữ, cáu gắt với mọi chuyện xung quanh
Các triệu chứng của trầm cảm luôn đi liền với buồn bã, mệt mỏi, sụt hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân - là dấu hiệu của sự yếu đuối. Vì vậy, bạn rất dễ trở nên tức giận ai hoặc chuyện gì đó một cách khó hiểu. Bạn có thể ném mọi thứ, hoặc la lên, hoặc cố gắng làm tổn thương người khác (về thể xác hoặc tình cảm) như một cách để đối phó.
Khi bạn bị trầm cảm, những cơn tức giận của bạn có thể bùng phát ở bất cứ đâu. Chẳng hạn như trong bữa ăn, mọi người trong gia đình đang thảo luận với nhau và đột nhiên bạn cảm thấy khó chịu, ném bát đũa và chửi rủa. Đây không chỉ là một phản ứng cảm xúc đơn thuần mà nó bắt nguồn từ bên trong cơ thể bạn.