Nghiên cứu mới đây của Đại học Texas tiết lộ rằng ngủ đủ giấc và ngủ trong bóng tối đóng vai trò quan trọng trong cơ hội thụ thai của người phụ nữ. Đó là do vào ban đêm, cơ thể sản sinh ra nhiều hormone maletonin mà hormone này lại có tác dụng bảo vệ trứng của người phụ nữ bằng cách chống lại các gốc tự do. Các gốc tự do là những phân tử có tính ăn mòn và hây thiệt hại cho các cơ quan trọng cơ thể. Nó được cơ thể sản sinh ra một cách tự nhiên, vì vậy, tốt nhất cần hạn chế sự sản sinh của chúng và tiêu diệt những gốc tự do đã sinh ra để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Nhà nghiên cứu Russel Reiter cho biết "nếu bật đèn ngủ vào ban đêm, lượng homrone melatonin được cơ thể sản xuất ra hạn chế hơn. Ngay cả việc không ngủ đủ giấc ban đêm, ngủ muộn, thức khuya cũng ảnh hưởng đến lượng hormone này".
Giáo sư Reiter cũng khuyên chị em đang muốn có thai nên dành 8 giờ mỗi đêm để ngủ và ngủ trong bóng tối, không nên để đèn ngủ hoặc ánh đèn từ bên ngoài chiếu vào phòng. Thậm chí, để cơ thể sản xuất được tối đa lượng homrone melatonin thì ngay cả ánh sáng từ tivi hoặc các thiết bị điện tử cũng cần phải tắt đi.
"Đặc biệt, đèn ngủ nên có màu đỏ hoặc màu vàng - không phải màu trắng hoặc màu xanh - sẽ "làm phiền" đồng hồ sinh học của cơ thể nhiều hơn", giáo sư Reiter bổ sung thêm.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Sinh sản và Vô sinh (Fertility and Sterility) và kết luận: Cơ thể người phụ nữ cần được thiết lập chu kì sáng tối tương đương với ngày và đêm để tránh sự rối loạn hormone.
Giáo sự Reiter cũng cho rằng điều này thích hợp với cả phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là những phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối. Bởi vì, tiếp xúc với ánh sáng trong lúc ngủ vào ban đêm có thể làm cho não của em bé không nhận được đủ melatonin để điều chỉnh đồng hồ cơ thể của nó - điều này có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe sau này của trẻ.
Giáo sư Reiter cho biết: "Các nghiên cứu trên động vật đã cho rằng rối loạn trong môi trường ánh sáng và bóng tối của người mẹ có thể liên quan với các vấn đề hành vi ở trẻ sơ sinh. Điều này có thể liên quan đến hội chứng tăng động giảm chú ý hoặc rối loạn tự kỉ ở trẻ nhỏ".