Nướng mực làm đơn giản nhưng không ít người thực hiện sai khiến mực bị khô cứng, mất đi vị ngọt tự nhiên.
Một câu hỏi thường được nhiều người quan tâm lúc này là nướng mực cách nào (than hoa hay cồn) thì tơi mềm, dậy mùi thơm và ngon ngọt nhất?
Nướng mực bằng cách nào ngon và không làm mất vị?
Theo cách truyền thống, hầu hết các món nướng như mực khô, cá khô dùng than hoa (than củi) là ngon nhất.
Xét kỹ dưới góc độ khoa học ẩm thực, khi nướng trên than hồng, nhiệt độ cao sẽ xảy ra phản ứng hóa học Maillard giữa phân tử đường và nhóm amino trong phân tử protein của mực khô. Lúc này bề mặt ngoài mực xém, bật mùi thơm và giữ được độ mềm ngọt bên trong.
Trong cuốn ''Mặn béo chua nóng'', tác giả Alice Waters, siêu đầu bếp và là giáo viên ẩm thực nổi tiếng người Mỹ đề cập, nướng than củi tạo nên hương khói của thức ăn và chính nó gợi lên những ký ức cổ xưa về phương thức chế biến ban sơ từ lửa. Khi nướng mực trên than hoa cũng vậy, hương khói quyện vào giúp tôn lên hương vị biển cả của mực khô mà ai ngửi thấy cũng biết ngay là mùi mực nướng.
Chú ý nướng than hoa nên kẹp mực vào vỉ và cũng lật trở đều các mặt. Khi thấy mực co lại, tỏa mùi thơm là lấy ra gói vào giấy sạch, dùng búa đập nhanh tay lúc còn nóng giúp xé bông tơi dễ dàng hơn. Tránh nướng mực quá lâu khiến mực bị khô quắt, bị chai cứng không ngon.
Một số người sành ăn truyền nhau kinh nghiệm, vùi mực khô vào tro sạch nóng ran cạnh bếp củi đang nấu cũng giúp mực chín sâu tận bên trong, nở phồng đều. Vì tro sạch và mực khô nên khi lấy ra phủi khăn giấy là sạch. Mực nướng cách này mềm ngọt và dễ xé, tơi sợi.
Ở thành phố nếu không có than củi, tro nấu bếp nên để giản tiện, hầu như mực khô hay cá khô thường được nướng bằng cồn hoặc lò nướng, nồi chiên không dầu, lò vi sóng. Tuy nhiên phần hương, phần vị cũng như cấu trúc sợi tơi mềm kém xa so với nướng than hoa.
Khi nướng cồn, một sai lầm mà không ít người mắc là rưới cồn trực tiếp lên mực rồi đốt hoặc cho mực vào thẳng chảo cồn đang cháy. Mặc dù cồn với nồng độ ethanol 90% thì 10% còn lại là nước và phụ gia khác nên dễ bị ngấm ngược vào mực. Nếu sành ăn khi nhai kỹ sẽ cảm nhận mực hơi có vị đắng. Để khắc phục lỗi này, bạn nên cho mực vào vỉ kẹp hoặc dùng đũa dài gắp mực rồi để nướng trên lửa cồn (tránh tiếp xúc trực tiếp cồn) là được.
Với cách nướng lò, nồi chiên không dầu hoặc lò vi sóng cần canh nhiệt vừa phải, chính độ nóng êm ả giúp protein trong mực se lại nhanh chín và giữ được độ ẩm. Tránh để nhiệt cao và thời gian lâu sẽ khiến mực nướng bị khô cứng thậm chí cháy khét.
Nên ngâm mực vài phút với bia cho mềm (bởi mực khô bảo quản lạnh dễ bị mất nước). Hơn nữa, mực khô vốn dĩ có cấu trúc sợi cơ học săn và dai cứng hơn so với nhiều thủy hải sản khác. Bia khi lên men chứa axit nên tẩm ướp chút bia sẽ làm mềm cấu trúc protein của mực, giúp khi nướng mực tơi mềm hơn. Tùy kích thước to hay nhỏ, dày hay mỏng mà điều chỉnh thời gian, nhiệt nướng cho phù hợp. Khi nướng lò vi sóng chú ý canh kỹ, thấy con mực mình cong lên, ngả màu trắng là được.
Dù nướng theo cách nào thì quan trọng nhất là chọn mua được mực khô ngon ở các cơ sở uy tín.
Các dấu hiệu nhận biết: Mực thon dài, mình dày, có phấn trắng đều, phần da không bị trầy xước, lưng mực có màu hồng tự nhiên, bề mặt khô ráo. Khi cầm lên, phần thân và đầu dính chặt là mực khô được làm từ các con mực tươi. Những con mực này khi nướng sẽ mềm sợi, dậy mùi thơm đặc trưng và vị ngọt tự nhiên. Tránh mua mực có mùi hôi lạ, cầm vào ướt dính tay, mình tách đầu... có thể là mực ươn hoặc mực khô kém chất lượng.