Cách chọn ốc sạch và ngon
Để chọn được ốc sạch và ngon thì chúng ta cũng cần có những mẹo và bí quyết nhất định. Khi lựa ốc, bạn có thể dùng tay chạm nhẹ vào, nếu mày của ốc thụt nhẹ vào trong đó là những con ốc còn sống khỏe mạnh và tươi ngon.
Những con ốc nếu có phần mày nằm sát miệng thì chứng tỏ con ốc đó béo còn nếu phần mày thụt sâu vào trong thì con ốc đó gầy. Bạn cũng có thể kiểm tra độ ngon của ốc bằng cách thả ốc vào nước, nếu ốc chết sẽ nổi và phần miệng quay xuống dưới.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, để chọn được ốc ngon thì nên tránh chọn vào thời điểm những ngày đầu trăng hoặc cuối trăng (những ngày rằm và cuối tháng âm lịch) vì đó là thời điểm ốc sinh sản nên sẽ có khá nhiều con ốc nhỏ, ốc gầy, phần thịt của ốc ít.
Đặc biệt, bạn không nên lựa chọn những con ốc có phần mày thụt sâu vào trong và nhấc lên ngửi thấy mùi khó chịu vì ốc đó đã chết.
Cách ngâm ốc thật sạch nhớt và nhả hết bùn đất
Ốc có vô cùng nhiều các chất đạm, sắt và canxi,.. rất tốt cho cơ thể. Thế nhưng, ốc sống trong bùn đất nên trong nó có một lượng khá lớn các tạp chất. Nếu không loại bỏ hết được những chất bẩn thì khi ăn sẽ rất dễ bị nhiễm cặn bẩn, đau bụng, buồn nôn hay sưng phù nề tay chân. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và mọi người trong gia đình, các bạn hãy nhớ làm sạch ốc trước khi ăn.
Ngâm ốc với bia
Ngâm ốc với bia là một cách làm sạch ốc hiệu quả mà không nhiều người biết. Bạn chỉ cần rửa sạch ốc vài lần với nước cho hết bùn đất. Sau đó, cho ốc vào chậu, đổ thêm một lon bia, có thể thêm một lượng nước vừa đủ cho ngập ốc. Ngâm ốc trong nước bia khoảng 2 tiếng là ốc sẽ nhả hết bùn đất.
Bia không chỉ giúp ốc nhả đất nhanh hơn mà còn có tác dụng làm sạch nhớt và khử mùi tanh của ốc hiệu quả.
Ngâm ốc vào thau, nồi hoặc thìa kim loại
Theo kinh nghiệm của nhiều người thì ốc khi gặp kim loại sẽ nhanh chóng nhả hết bùn đất bám sâu bên trong. Cách đơn giản nhất là ngâm vào thau kim loại hoặc để dao sắt, thìa sắt vào cùng trong 2 - 3 giờ. Do kim loại có tính khử, nên khi gặp nước thì khử H2O thành hydro, làm giảm bớt lượng oxy trong nước. Điều này khiến ốc há miệng thở, đồng thời nhả bùn nhớt ra ngoài. Sau đó, cọ rửa nhiều lần cho sạch rồi đem chế biến món ăn.
Ngâm ốc bằng nước vo gạo hoặc bột mì
Đây là mẹo dân gian được nhiều người áp dụng để làm sạch ốc. Ốc sau khi mua về rửa sạch, ngâm vào nước vo gạo khoảng 2-3 giờ. Lúc này, ốc đánh hơi được thức ăn, há miệng, quơ râu nên chất bùn nhớt cũng theo ra ngoài, vón lại thành từng mảng dưới đáy chậu.
Ngoài ra, nước vo gạo giúp cho ốc thơm béo hơn. Nếu không có nước vo gạo thì cho chút bột mì pha vào nước ngâm ốc cũng giúp làm sạch ốc.
Ốc gác bếp, ngâm trứng, sữa
Trong ẩm thực miền Bắc ngày xưa, đặc biệt là Hà Nội khá cầu kỳ trong việc sơ chế ốc.
Ốc nhồi mua về được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào giỏ treo lên giàn bếp, càng nhiều khói càng tốt. Khói và hơi nóng hong khô ốc để tránh ruồi bâu vào, vừa làm cho ốc thơm hơn. Thời gian này có khi cả hàng tuần, ốc chỉ ngủ chứ không chết. Cứ vài ba hôm lại đem xuống ngâm nước vo gạo đặc rồi tiếp tục gác bếp hong khói. Cứ như thế, con ốc trở nên sạch sẽ, hết mùi bùn đất. Cuối cùng, hạ ốc xuống úp miệng vào mâm đồng sâu lòng, đập trứng gà cho hút.
Người dân miền Tây cũng có món ốc lác gác bếp tương tự, chỉ ưu ái có trong các dịp quan trọng. Ốc cũng đem gác bếp ròng rã cả tháng, rồi đem xuống cho ăn sữa tươi, trứng gà. Loại ốc này đem chế biến nhiều món ăn ngon, bình dân và khoái khẩu nhất là món ốc hấp sả chấm cơm mẻ - đặc trưng sông nước nơi đây.
Cách chế biến ốc
- Sả cắt khúc, chẻ nhỏ.
- Tỏi- ớt băm nhuyễn, lá chanh thái chỉ, gừng gọt vỏ rửa sạch giã nhuyễn, tắc cắt lát.
- Cho ốc vào nồi, thêm sả, lá chanh, ớt cắt lát, cho xíu nước, tí hạt nêm, đậy vung đun sôi. Ốc vừa sôi thì đảo đều, ốc chín tắt bếp, đậy vung giữ độ nóng.
-Pha nước chấm: 2 muỗng canh nước lọc, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước cốt tắc, 3 muỗng canh nước mắm, khuấy đều, cho gừng- tỏi- ớt- lá chanh- tắc vào.
- Cho ốc ra đĩa và chấm kèm mắm gừng và thưởng thức.