Chiêu “hô biến lợn thành bò” của các “đồ tể”
Theo lời giới thiệu của vợ chồng chủ cây xăng thôn Lỗ Xá, chúng tôi đã điện thoại hẹn trước với một trong những cơ sở lò mổ chế biến thịt lợn giả thành bò thuộc loại lớn nhất của làng Lỗ Xá tên H. – T.. Vẫn trong vai người tìm mối thịt bò, PV đã gặp trực tiếp chủ lò mổ để bàn chuyện làm ăn.
Trái với dự đoán các chủ lò mổ phải là những tay “đồ tể” bặm trợn, cáo già, bà chủ lò mổ tên H. (SN 1989) lại khá trẻ và mảnh khảnh. H. tiếp đón tôi rất hồ hởi và cho biết đã làm nghề này được 8 năm nay rồi. H. hỏi: “Anh muốn lấy giả bò để thay thịt bò hẳn, hay chỉ muốn trà trộn vào kiếm lời?”. Tôi “ngỏ ý” chỉ muốn trà trộn vào thịt bò “xịn” để đổ buôn cho các nhà hàng, thì H. nhanh nhảu: “Vậy anh gặp đúng người rồi đó, nhà em làm nghề này nhiều năm nay rồi. Anh thích mua bao nhiêu em cũng đáp ứng được. Em không chê lấy nhiều hay ít, một vài cân em cũng giao tận nơi cho anh, nhưng giá sẽ cao hơn chút để em lấy tiền công đi lại”.
Để “làm ăn” lâu dài và để khách yên tâm về “chất lượng an toàn” sản phẩm nên H cũng không ngần ngại tiết lộ hết “bí quyết” trong nghề: “Loại thịt này làm từ các con lợn sề nuôi lâu năm, thịt của nó sẽ chuyển thành màu thẫm rất rắn chắc và dai ngon giống y như thịt bò. Và để có mùi vị thịt bò thì chỉ cần mua mỡ bò về rán và thoa một lượt lên miếng thịt lợn thì miếng thịt ngay tức khắc có mùi vị giống như thịt bò”. Vì thịt bò khi mua về chẳng ai rửa do từ lúc thịt được bảo quản sạch rồi, mà dù có rửa thì mỡ bò có đặc tính lưu mùi rất chắc và lâu nên cũng không sợ mất mùi”.
Chiêu trò “bôi mỡ bò” để biến thịt lợn thành thịt bò cũng được Hiến thương lái chuyên đi giao thịt bò hôm trước tiết lộ, nhưng tôi chưa tin, và khi đến chủ lò mổ H. cũng bật mí như vậy thì quả thực mói biết đích xác được “công nghệ” làm giả thịt bò này hết sức đơn giản mà hiệu quả thì vô cùng. Còn theo một “đao phủ” tại một lò mổ ở đây thì việc tẩm ướp mỡ bò không cần nhiều, mà chỉ cần bôi một lượt mỏng thôi, nếu nhiều thịt sẽ không dính và không giống với thịt bò thật.
Làng “chuyên thịt bò đểu” đã tồn tại hàng chục năm
Cũng theo chủ lò mổ H. tiết lộ, nghề biến thịt lợn thành thịt bò ở làng Lỗ Xá, đã được “gia truyền” hàng chục năm nay. Trước kia thì có ít hộ làm, nhưng càng ngày loại “hàng” này càng phát triển nên nhiều gia đình cũng tham gia “công nghệ” chế biến thịt bò giả. Không những tiết lộ những bí quyết làm thịt bò đểu, H. còn khẳng định: “Từ Mỹ Hào này lên tới Hà Nội, anh chẳng tìm đâu ra thịt bò thật đâu mà chỉ toàn là thịt “lợn giả bò” hết”. H. cho biết, hằng ngày H đích thân đem thịt bò giả đến giao ở chợ Đồng Xuân cho các đầu mối thịt bò, còn chồng của H. thì lái xe đi giao ở Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Chưa hết, H. còn “thổ lộ” với chúng tôi “bí quyết làm giàu”: “Thời đại này phải làm ăn giả dối anh ạ, chứ làm ăn thật thà chẳng có lờ lãi gì đâu. Anh cứ tính, ra quán phở ăn bát phở bò 20 nghìn đồng, mà cho vài miếng thịt bò thật thì ai ăn? Cho nhiều thì lấy đâu ra lãi nên người ta chỉ còn dùng cách này thôi. Cách làm này không gây hại gì cho người ăn nên anh cứ yên tâm, ở đây nhà em ăn loại này suốt, bà bầu cũng ăn được, người ốm cũng được vì nó an toàn không dùng phẩm màu hay thuốc nhuộm gì”.
Thậm chí H. khẳng định: Loại “thịt bò” này còn chất lượng hợn thịt bò thật vì không bị bơm nước. Nếu bơm nước vào thịt sẽ hỏng ngay và sờ vào không dính như thịt bò thật”. Vì hiệu quả của loại thịt bò giả này lớn, nên hàng chục năm nay “công nghệ” này còn được mở rộng ra các tỉnh khác.
Theo H., tất cả các loại thịt từ mông vai, sườn của lợn sề thịt ra đều làm giả được thịt bò hết. Với mông và vai thì sẽ dùng để cắt thành các miếng thịt bò vuông vức. Còn là sườn thì làm giả thành dẻ sườn bò, các loại thịt vụn hơn thì dùng để giả làm loại thịt bóc từ bắp bò ra. Và còn làm luôn được nầm bò, gầu bò, nói chung là thịt bò có gì thì đều làm giả được hết.
Về nguồn cung cấp thịt lợn sề dùng làm giả thịt bò thì H. nói: “Nguồn cung dồi dào lắm anh ạ, ở các trang trại chăn nuôi lợn ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương thu mua về đây. Chẳng bao giờ lo thiếu nguồn hàng cả, ngày ít nhà em cũng làm thịt 4-5 con lợn sề để giả thịt bò”.
Tiểu thương cũng “bó tay” với “bò giả”
H. khẳng định với chúng tôi rằng, tất cả các loại thịt bò giả đều đảm bảo là không bao giờ bị phát hiện: “Anh cứ yên tâm, chẳng ai phát hiện được đâu mà lo, nếu mà phát hiện được thì còn làm ăn thế nào được?”. Để làm được hàng “tuyển” như H. nói thì cần chọn những con lợn sề già nuôi lâu năm rồi. Trong chục con lợn chỉ được vài con đáp ứng được chất lượng hàng “tuyển” mà thôi: “Nếu những thịt này bày bán chung với thịt bò, nhìn nó còn ngon hơn thịt bò thật rất nhiều vì thịt nó tươi, màu đỏ sẫm. Em đảm bảo người mua sẽ chọn loại này chứ không chọn loại thịt bò thật của anh”.
Tôi còn nhờ H. xem hộ miếng thịt “giả bò” vừa mua của Hiến để H. xem hộ là loại hạng mấy. Sau khi xem xong H. nói: “Miếng này cũng là hàng tuyển đấy anh ạ, nhưng làm chưa được kỹ lắm. Nếu lấy của em, em sẽ cắt hết những chỗ thịt màu trắng đi nhìn vào thấy thịt sẽ ngon hơn rất nhiều”.
Để thử nghiệm xem loại “thịt bò” này có thực sự đánh lừa được người tiêu dùng không, tôi đã mang miếng thịt giả bò này ra nhờ các tiểu thương chuyên bán thịt bò ở các chợ xem hộ. Nhưng qua gần chục quầy hàng bán thịt bò, tất cả các tiểu thương đều khẳng định đây là thịt bò thật 100%. Còn theo như chị T., một tiểu thương bán thịt bò lâu năm ở chợ ô Cách, phường Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội, chị khẳng định đây là thịt bò “xịn” hẳn hoi, chứ không phải loại thịt bò lai hay bò Thái Lan, úc gì cả (là những loại thịt bò có giá rẻ ở chợ).
Một số tiểu thương ở khác ở chợ Đức Hòa, Gia Lâm khi xem miếng thịt bò giả, cũng đều khẳng định là thịt bò thật. Thấy tôi cứ hỏi han về thật giả, nhiều người đã hỏi mua ở đâu, tìm hiểu để làm gì? Nhưng khi thấy tôi trả lời mua thịt bò này ở Mỹ Hào (Hưng Yên), nhiều tiểu thương chỉ cười mà chẳng nói gì. Quả đúng như lời các “đồ tể” chuyên giả thịt bò khẳng định, thì loại thịt bò giả này quả thực không thể phân biệt được.
Theo H., cách phân biệt duy nhất là khi ra quầy nhìn những miếng thịt nhỏ thì không mua, nên chọn những tảng thịt to vì thịt bò lúc nào to hơn thịt lợn. Và có cách nữa là mua cả tảng thịt xẻo hết lớp bên ngoài, khi ngửi thì còn toàn mùi thịt lợn, nhưng chẳng ai làm cách này nên sao mà biết được. Bà chủ lò mổ “giả bò” này còn cho biết là thịt có nhiều loại và nhiều giá khác nhau: “Nói thực với anh là nếu anh lấy hàng “tuyển” (tức thịt lợn giống thịt bò như đúc), thì giá sẽ là 130.000 đồng/kg. Còn các loại hàng bình thường giá sẽ thấp hơn chút. Nói chung giá nào cũng có, anh thích loại hàng nào em đều đáp ứng được cho anh loại đó!”, H. nói.
Nếu tính thời giá hiện tại thịt bò có giá khoảng 250.000 – 300.000 đồng/kg, khi nhập loại thịt “bò giả” này giá đắt nhất cũng chỉ 130.000 đồng/kg. Như vậy, tiểu thương có thể đút túi cho mình khoảng 200.000 đồng/kg thịt bò giả. Còn những lò mổ bán thịt bò giả này, mỗi kg sẽ đút túi được từ 30.000 – 40.000 đồng/ kg, mỗi ngày lò mổ của H. cũng kiếm lời hàng chục triệu đồng.
Cũng lấy lý do là cần “lấy một ít thịt về thử trước xem thế nào rồi sẽ đặt hàng”, H. và chồng nói: “Anh cứ thử đi, em đảm bảo là sẽ bán được và không ai biết. Nếu được anh cứ gọi điện đặt hàng, nhiều em giao tận nơi còn ít thì anh ra chợ Đồng Xuân em và anh hẹn nhau ở đó. Vì sáng nào em cũng chở “giả bò” lên đấy giao cho các đầu mối ở chợ…”.