Tắm ngay
Đây ắt hẳn là điều mà nhiều người hay phạm phải nhất. Tuy nhiên đây là một thói quen cấm kỵ và gây hại rất nhiều cho hệ tiêu hóa.
Sau khi ăn thức ăn, máu được lưu thông tập trung đến dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Đây được gọi là sự phân phối lại máu. Đó là lý do bạn cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn, bởi vì ngay cả một phần của tuần hoàn não cũng được phân phối đến đường ruột.
Việc tắm làm cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp xuống. Vì vậy, nếu tắm sau khi ăn, nhiệt độ cơ thể bắt đầu hạ thấp khiến cho cơ thể cần phải hoạt động nhiều hơn để duy trì nhiệt độ. Khi đó, máu từ đường ruột lại phải lưu thông đến các bộ phận khác của cơ thể như da và mô dưới da để duy trì nhiệt độ cơ thể. Hậu quả là quá trình tiêu hóa bị đình lại, việc tiêu hóa bị trì hoãn chậm lại.
Vì vậy, tắm sau khi ăn khiến cho việc tiêu hóa bị xao lãng và bạn cảm thấy đầy hơi, khó chịu, ợ chua, nôn mửa và thậm chí là béo phì. Đó là lý do tại sao chúng ta không nên tắm ngay sau khi ăn, nhằm giảm lượng máu lưu thông đến các bộ phận khác và tăng lượng máu về đường tiêu hóa.
Tốt nhất, nên tắm trước khi ăn, vì mọi tế bào của cơ thể được tái tạo năng lượng, tạo cảm giác tươi mát, sảng khoái, trẻ hóa, từ đó, não sẽ gửi tín hiệu báo hiệu cơ thể đang đói và đã sẵn sàng cho bữa ăn.
Uống trà đặc
Uống trà đặc trong hoặc sau bữa ăn có thể khiến cơ thể kém hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra còn gây đầy bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ tích trữ các chất có hại cho cơ thể.
Nguyên nhân là do trong trà có chứa hợp chất tanin. Đây chính là chất gây nên vị đắng chát đặc trưng của trà. Tuy nhiên, chất này có khả năng phản ứng với các protein, khoáng chất và một số vitamin có trong thức ăn. Hợp chất này có thể kết hợp với protein có trong các thực phẩm như: thịt, trứng, sữa, thực phẩm… tạo thành các kết tủa gây khó tiêu.
Ngoài ra, tanin còn phản ứng với các khoáng chất như canxi, sắt, kẽm,… khiến cơ thể khó hấp thu. Dùng trà đặc sau bữa ăn trong thời gian dài khiến cơ thể bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, thậm chí gây ra hiện tượng thiểu máu do thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt dẫn đến các triệu chứng như da xanh tái, chóng mặt, run, mệt mỏi…
Trà càng đặc, càng đắng chát, thì hàm lượng tanin càng cao. Lượng dinh dưỡng cơ thể hấp thu được từ bữa ăn càng bị ảnh hưởng.
Vì vậy trong bữa ăn hoặc sau khi ăn, bạn chỉ nên uống nước lọc hoặc trà pha thật loãng. Trà đặc chỉ nên uống sau khi kết thúc bữa ăn 1 tiếng nhé.
Ngủ ngay
Chắc chắn có rất nhiều người thích ngủ ngay sau khi ăn bởi nó tạo cảm giác thoải mái. Lúc này lưu lượng máu trong các cơ quan tiêu hóa sẽ tăng lên, còn lượng máu cho não lại bị giảm xuống nên rất dễ tạo cảm giác buồn ngủ, đặc biệt là vào bữa trưa. Tuy nhiên thói quen này gây hại nhiều hơn bạn tưởng đấy.
Đi ngủ ngay sau khi ăn sẽ khiến nhu động ruột bị chậm lại, làm dịch tiêu hóa khó tiết ra nên thức ăn không thể tiêu hóa hoàn toàn. Ngoài ra khi nằm xuống, dịch tiêu hóa còn bị chảy ngược ra thực quản thay vì vào dạ dày nên dễ gây viêm đường ruột. Đây là lý do chính khiến nhiều người hay thấy buồn nôn và nóng rát cổ họng sau khi ăn.
Ăn hoa quả
Thời gian tốt nhất để ăn trái cây là một giờ trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn hai đến ba giờ. Các nghiên cứu cho thấy trong thành phần của trái cây chứa nhiều cacbonhydrat, đường mía, tinh bột, đường glucose… Do đó ăn trái cây ngay sau bữa ăn sẽ tạo thêm gánh nặng cho dạ dày, đường ruột và tuyến tụy.
Bên cạnh đó, các chất có nhiều trong trái cây như cellulose, hemicellulose, pectin… đều có khả năng hấp thụ nước mạnh. Sau khi xuống dạ dày, hấp thụ nước, trái cây trong dạ dày sẽ nở bung và tạo cảm giác no, đầy hơi, ảnh hưởng không tốt tới chức năng tiêu hóa. Đặc biệt là khi cơ thể có quá nhiều cellulose cũng ảnh hưởng tới sự hấp thu các chất dinh dưỡng, vitamin, rất không tốt với những người bị tiểu đường.
Đối với những người đang muốn giảm cân, việc ăn trái cây thay cơm hoặc ăn trái cây ngay sau ăn cũng là điều không tốt vì ăn nhiều trái cây sau ăn cũng là nguyên nhân khiến dạ dày bị giãn ra, dẫn tới béo phì. Tốt hơn cả là ăn trái cây một giờ trước bữa ăn, vừa có tác dụng giảm béo, vừa giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động hiệu quả.